Ngày đầu chất vấn thành viên Chính phủ:

Thủy điện xả lũ, thực phẩm chứa độc tố làm nóng nghị trường

Thứ Tư, 20/11/2013, 00:55
Lần đầu tiên và cũng là điểm mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội năm nay, sáng 19/11, Quốc hội đã thảo luận về việc thực hiện các Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, 4, 5. Các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những lời hứa chưa được thực hiện của các Bộ trưởng, đặc biệt là Bộ Công thương, Bộ NN & PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT với những vấn đề bức xúc như bão lụt, thủy điện xả lũ gây ngập úng, và y tế.

Trả lời chất vấn không chỉ là nêu đầu việc đã làm

“Hôm nay chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ. Dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy trình của các hồ chứa thủy điện. Vậy tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này như thế nào?” - Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) trong buổi sáng 19/11 đã nêu ý kiến chất vấn về một trong những vấn đề thời sự nhất hiện nay.

Đó cũng là tâm tư của nhiều đại biểu Quốc hội khác. Các đại biểu kiến nghị phải ra một quy định các hồ chứa phải xả hết nước đi, tăng dung tích trước khi bão đến, chứ không thể cứ giữ lại đấy để mà phát điện kiếm một vài tỷ đồng, nhưng khi lũ đến mới xả xuống hạ lưu, gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân. Nếu ai không tuân thủ phải xử lý hình sự chứ không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhận được chất vấn khác liên quan đến lời hứa ban hành Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, dự kiến ban hành trước 30/9/2013, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành, khiến một thời gian dài mặt hàng rất quan trọng này phải vận hành dưới một văn bản nhiều bất hợp lý. Tuy nhiên, rất tiếc Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vắng mặt trong phiên làm việc này nên các ý kiến của đại biểu vẫn chưa được giải đáp.

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành, tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu QH cho rằng báo cáo của các Bộ mới chỉ dừng lại ở nêu đầu việc đã làm, chứ hiệu quả, chất lượng ra sao chưa rõ. Thêm vào đó, các báo cáo một lần nữa thiếu các địa chỉ chịu trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua.

Các đại biểu cũng bày tỏ ý kiến về việc chậm trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, cũng như việc thường nhận được văn bản trả lời chất vấn của các Vụ, Cục trưởng ký thay vì câu trả lời từ người được chất vấn. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã đề nghị các Bộ rút kinh nghiệm, phải ký văn bản trả lời trực tiếp, hoặc trong trường hợp bất đắc dĩ phải ủy quyền cho Thứ trưởng ký văn bản.

Chất vấn về chính sách với người có công và nạn nhân chất độc da cam, đại biểu Hoàng Đăng Quang nêu trách nhiệm của Bộ Y tế khi chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng vẫn chưa có nghị định hướng dẫn, tiêu chí để xác định các bệnh do chất độc da cam gây ra. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng có những kiến nghị liên quan đến chính sách với người có công và người nghèo, việc xác định danh tính và thu thập hài cốt liệt sỹ; việc giải quyết tồn đọng chính sách với những người tham gia kháng chiến nhưng bị thất lạc hồ sơ... Đại biểu Hùng dẫn chứng hiện hơn 72.000 hộ có công vẫn phải sống trong nhà tạm, việc giải quyết chế độ chính sách cho họ còn chậm và nhiều bất cập.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Nhiều chính sách nhưng chậm cải thiện đời sống nông dân

Là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn, chiều 19/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến những yếu kém của ngành nông nghiệp, việc giảm sản lượng, giá trị của các mặt hàng nông sản, giải pháp chống lũ lụt, vấn nạn hàng giả và quan trọng nhất là việc cải thiện đời sống còn khó khăn của người nông dân.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn chiều 19/11. Ảnh: Đ.T.

Trong rất nhiều vấn đề được đưa ra chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, cốt lõi nhất vẫn là các chính sách chưa cải thiện được đời sống của người nông dân. Nhiều đại biểu đã chất vấn về sự thiếu hiệu quả của chính sách tạm trữ lúa gạo, nông sản và đặt câu hỏi về giải pháp phát triển bền vững cây lúa. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần tiếp tục rà soát quy hoạch về các khu trồng lúa. Không nên trồng lúa nước ở mọi chỗ, mọi lúc, mọi mùa vụ, chỉ nên tập trung vào đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. Mặt khác, cần tiếp tục hỗ trợ người nông dân phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật, cái chính vẫn là giống.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “5 năm qua đã có 102 giống lúa được phổ biến cho người dân, nhưng nay tôi lại thấy rằng con số này là quá nhiều. Cần số ít giống hơn, năng suất cao hơn và ổn định hơn. Chúng tôi đã đặt hàng các viện nghiên cứu chuyển hướng phát triển các giống lúa có giá trị thương phẩm trên 500 – 800 USD/tấn thay vì xấp xỉ 400 USD như trước đây, và phải có độ bền vững, trồng 10 năm trở lên mới xuống cấp”.

Bên cạnh đó là tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa; thúc đẩy hệ thống kinh doanh lúa gạo bền vững, có khả năng cạnh tranh và tổ chức lại sản xuất. Đã đến lúc phải liên kết lại giữa nông dân và DN; nông dân và nông dân; nông dân, hợp tác xã và DN. Mô hình cánh đồng mẫu lớn của An Giang cho thấy đấy là một lối thoát có triển vọng.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn là tình trạng phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật không được kiểm soát và vấn đề an toàn thực phẩm. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết ngành nông nghiệp đã xác định đây là trách nhiệm số 1 trong toàn ngành đã 2, 3 năm nay. Đích thân Bộ trưởng hàng tháng có họp giao ban chuyên đề về quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn VSTP. Những nỗ lực mấy năm nay có tạo sự chuyển biến, nhưng chưa được như mong đợi nên hiện Bộ NN & PTNT rất quyết tâm và cố gắng để triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới dự kiến sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp: tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý; xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; chấn chỉnh bộ máy về quản lý chất lượng vật tư và thanh kiểm tra trên phạm vi toàn quốc; chỉ đạo địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra, xiết chặt ở biên giới, trong nước thì thống kê các cơ sở sản xuất kinh doanh để phân loại, liên tục kiểm tra để xử lý vi phạm và tranh thủ sự hỗ trợ của nhân dân đấu tranh với những người làm ăn bất chính.

Trả lời chất vấn trách nhiệm liên quan đến việc để tình trạng phá rừng, trồng vượt 110.000ha cao su so với quy hoạch, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận trách nhiệm, tuy nhiên khẳng định lãnh đạo các địa phương có liên đới, bởi họ là lực lượng quản lý trực tiếp. Được biết những năm trước chúng ta có nghị quyết cho sử dụng rừng nghèo kiệt chỉ có cây bụi chuyển đổi sang trồng cao su. Khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc đã lập dự án khảo sát khoảng 60.000ha chuyển đổi. Tuy nhiên trong thực hiện phát hiện có lạm dụng và có sơ hở nên kiến nghị Thủ tướng đình chỉ khảo sát và khai phá đất rừng nghèo kiệt này, chỉ cho triển khai lại các dự án đã được phê duyệt theo đúng quy hoạch.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Quân: 5 năm tới chưa vượt được Thái Lan

Nhân Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân thông báo tin mừng là Việt Nam tuy đứng thứ 132 thế giới về kinh tế, nhưng hiện đứng thứ 72 về chỉ số đổi mới sáng tạo và đang phấn đấu để trở lại vị trí 51 của năm 2010, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt ra câu hỏi: Vậy 5 năm nữa chúng ta có thể vượt qua Thái Lan về nông nghiệp hay không?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, riêng về giống lúa, giống cây, giống con, chúng ta có trình độ không thua kém Thái Lan. Đưa vào thực tế gieo trồng, năng suất lúa của Việt Nam hiện đã cao hơn nhiều nước, kể cả Thái Lan, nhưng ta lại thua kém về khâu bảo quản sau thu hoạch. Bộ KHCN hiện đang tập trung vào phòng ngừa sâu bệnh, nâng cao chất lượng và bảo quản sau thu hoạch và đã tìm ra những mô hình tốt. Có những yếu tố khả quan như chúng ta có giống gạo Omega 3 cho người bị tiểu đường, hiện đang xuất bán đến 75.000 đồng/kg cho thị trường Nhật, nếu tăng sản lượng chắc chắn đem lại hiệu quả lớn cho bà con nông dân các tỉnh. Sắp tới chúng ta cũng đưa ra hệ thống bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ của Nhật, có thể bảo quản 10 năm chất lượng cũng như vừa đánh bắt.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành Y tế xốc lại đạo đức nghề nghiệp

Vấn đề liên quan đến y đức của ngành y tế trong thời gian vừa qua, đặc biệt nhất là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, dù là nguyên nhân trực tiếp hay nguyên nhân gián tiếp, khách quan hay chủ quan thì Bộ Y tế và người đứng đầu Bộ Y tế đều liên quan ít nhiều đến trách nhiệm.

Về giải pháp sắp tới, chúng tôi nghĩ đây là một lời cảnh tỉnh toàn bộ hệ thống ngành y tế của chúng tôi để có thể vượt qua mọi khó khăn và quyết tâm sửa chữa. Chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có Thông tư rút giấy phép và đình chỉ hoạt động của các cơ sở hành nghề công lập và ngoài công lập; đang biên soạn Thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp. Hiện nay chúng tôi đang thành lập đường dây nóng ở 3 cấp, Bộ Y tế, Sở Y tế, bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện và thời gian qua chúng tôi đã nhận hơn 1.000 cuộc gọi điện thoại trực tiếp, 50% là phản ánh thái độ không tốt của cán bộ y tế. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa vào kỷ luật, nếu bệnh viện nào xảy ra chuyện đó thì tất cả các danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú và các phần thưởng của nhà nước sẽ bị đình hoãn lại.

Bà Mai Thị Thương (Vĩnh Phúc): Thực phẩm độc tràn lan, Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm

Người dân chúng tôi luôn theo dõi những phiên chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội với những kỳ vọng và hiệu quả. Đặc biệt là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có liên quan tới 70% người dân cả nước làm nông nghiệp và bữa ăn an toàn của mỗi gia đình.

Tôi thấy phần trả lời của Bộ trưởng về vấn đề quản lý vật tư nông nghiệp mà thấy lo lắng quá. Vật tư giả bán tràn lan mà trong khi đó thanh tra kiểm tra ngành nông nghiệp còn yếu, thậm chí có tỉnh (Bắc Kạn) chỉ có một người làm công tác thanh tra thì làm sao mà làm tốt được. Phân giả thì bán tràn lan khiến cây trồng bị ảnh hưởng, người nông dân thiệt thòi. Thuốc bảo vệ thực vật thì khó kiểm soát dẫn tới thực phẩm, củ quả bị ô nhiễm, người dân bị ngộ độc. Đề nghị ngành nông nghiệp cần tăng cường và đẩy mạnh lĩnh vực thanh tra, kiểm soát thu hồi, xử lý kịp thời những nơi bán và sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng dẫn tới độc hại nguồn thực phẩm. Phải vào cuộc quyết liệt để người sản xuất chân chính và người tiêu dùng được bảo vệ an toàn. Thực phẩm độc hại tràn lan, rõ ràng Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm.

Anh Đào Tuấn (Hà Nội): Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chưa trúng

Lĩnh vực nông nghiệp nước ta là quá rộng, bao quát từ đất liền tới biển cả, từ đồng bằng tới miền núi và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Tôi thấy phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát hơi chung chung, nhiều chỗ chưa trúng vào câu hỏi như các đại biểu đặt ra.

Cụ thể như việc nhập khẩu 30 tấn đường của Hoàng Anh-Gia Lai, trong khi đường trong nước đang tồn kho. Khi hỏi quan điểm chính kiến về vấn đề này thì Bộ trưởng nói là “phải xem xét” để đại biểu phải hỏi lại lần thứ 2. Chúng tôi mong muốn với mỗi một vấn đề mà cử tri quan tâm, đòi hỏi các “tư lệnh ngành” phải có quan điểm rõ ràng và có đường lối xử lý mạch lạc…

Chị Bùi Thị Ánh Tuyết (TP HCM): Bộ trưởng đã cố gắng, nhưng giải pháp đưa ra chưa nhiều

Qua theo dõi trả lời chất vấn chiều 19/11, tôi thấy người nông dân rất cần sự hướng dẫn, quy hoạch của ngành nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ưu tiên trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, còn một số nơi khác nên chuyển đổi cây trồng, tôi thấy hợp lý. Và, phải có giải pháp lâu dài giúp người nông dân phát triển bền vững tại chính nơi sinh sống của mình. Hiện nay, người nông dân đang bỏ đất quê lên thành phố làm thuê là không ổn. Tôi thấy các giải pháp Bộ trưởng đưa ra chưa nhiều, những vấn đề như ngư dân tăng nhanh là không hợp lý, khi đánh bắt gần bờ năng suất thấp thì cần phải nhanh chóng “chuyển nghề” khác ngay thì nền kinh tế mới phát triển được. Tốc độ chuyển biến hơi chậm…

Hân Quý
.
.
.