Khai báo gian dối khi nhập cảnh có thể bị khởi tố
- Khai báo gian dối có thể cấu thành tội phạm
- 4 du khách nhiễm COVID-19: Quảng Ninh phong tỏa nhiều khu vực
- “Cuộc chiến” chống COVID-19: Bắt đầu chiến dịch mới
- Công an phường Trúc Bạch những ngày chống dịch COVID-19
- 9 bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2
Một trường hợp không trung thực khai báo y tế khi đi từ vùng dịch về bước đầu đã lây bệnh cho nhiều người, kéo theo vài trăm người phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm; hàng nghìn cán bộ chiến sĩ Công an, nhân viên dịch tễ phải vất vả truy tìm, xác minh, lập danh sách những người tiếp xúc, đồng thời phải phun độc khử trùng… Hậu quả đối với đất nước, với nền kinh tế, xã hội chưa thể thống kê hết được.
Cân nhắc cho nhập cảnh bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại 91 quốc gia và vùng lãnh thổ với 105.828 ca mắc. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia đề nghị tạm dừng miễn thị thực đối với khách thuộc các nước trong khối Liên minh châu Âu.
Tính đến chiều 8-3, đã có thêm 10 ca dương tính với COVID-19. Như vậy trong 3 ngày qua, cả nước ghi nhận 14 ca mắc COVID-19 và nhiều người nghi nhiễm đang bị cách ly. Các thành viên của Ban Chỉ đạo đã xem xét hành trình đi lại dịch tễ của các bệnh nhân mắc COVID-19, theo đó nhận định khả năng sẽ phát hiện nhiều ca mắc mới trong thời gian tới.
Hành khách nhập cảnh cần khai báo trung thực. |
Các chuyên gia đã bàn và đề xuất tạm một số tiêu chí, tạm dừng miễn thị thực cấp visa vào Việt Nam đối với nước có trên 500 người mắc hoặc mỗi ngày có từ 50 người mắc mới trở lên. Đối với bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý sẽ cân nhắc việc cho nhập cảnh. Phó Thủ tướng khuyến nghị công dân hạn chế tối đa du lịch, thăm người thân ở các nước châu Âu, kể cả những nước có 1 ca bệnh.
Từ ngày 7-3, Việt Nam đã triển khai khai báo y tế bắt buộc theo 2 hình thức bằng giấy và bằng điện tử. Ban Chỉ đạo Quốc gia phát động toàn dân khai báo y tế có kết nối hệ thống công nghệ thông tin, để lọc ra các trường hợp có tiền sử dịch bệnh. Đối với trường hợp nào khai báo gian dối, đặc biệt các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị khởi tố theo Luật Truyền nhiễm nhóm A và những quy định của Việt Nam.
Phó Thủ tướng tiếp tục yêu cầu mọi người dân Việt Nam vì sức khỏe của mình và trách nhiệm với cộng đồng cùng tham gia chống dịch bằng các công cụ, công nghệ thông tin, kết hợp sự phối hợp của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc. “Chiều 8-3, khai trương công cụ công nghệ thông tin toàn dân tham gia chống dịch. Đây là lúc để mọi người dân Việt Nam cùng biểu hiện ý chí, chung sức, đồng lòng, cùng nắm tay nhau chống dịch. Tôi tin rằng với truyền thống đoàn kết, dưới sự lãnh đạo đồng bộ của Đảng, chúng ta sẽ thành công” - Phó Thủ tướng nói.
Bài học “xương máu” từ bệnh nhân 31 ở Hàn Quốc
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chúng ta phải lấy Hàn Quốc làm bài học, nữ bệnh nhân số 31 không hợp tác trong cách ly đã dẫn đến hậu quả làm hàng trăm người lây lan dịch bệnh COVID-19, mà 60% ca nhiễm tại nước này có liên quan tới bệnh nhân thuộc giáo phái Tân Thiên Địa, đồng thời lây lan cho hàng nghìn ca bệnh khác, châm “ngòi nổ” cho dịch bệnh tại Hàn Quốc.
Cô gái thứ 17 nhiễm COVID-19 tại nước ta đi từ vùng dịch về Việt Nam không tự giác khai báo, cách ly. Khó có thể thống kê hết những thiệt hại về kinh tế, công sức của hàng nghìn, hàng vạn con người do ảnh hưởng của trường hợp nói trên. Đó là chưa kể đến sự an nguy của cả cộng đồng, xã hội nếu có thêm nhiều người mắc mới.
Theo khuyến cáo của chuyên gia truyền nhiễm, TS Lê Anh Thư, nguyên Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng ta đã thường xuyên kêu gọi mọi người phải tự giác khai báo y tế vì sức khoẻ cộng đồng, nhưng dường như vẫn còn rất nhiều trường hợp trốn tránh! Phải chăng ý thức “trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội” là một điều gì đó còn chung chung, chưa thôi thúc, chưa đủ mạnh để mọi người thực hiện?
Hãy nhìn lại nhiều trường hợp nhiễm COVID tại Việt Nam đến nay, việc lây lan chủ yếu trong hộ gia đình. Trường hợp ở Vĩnh Phúc, cô gái từ vùng dịch về nhà chỉ trong 1 ngày đã lây cho 5 người trong gia đình. Rồi đến hôm nay, trường hợp số 17 cũng đã lây cho ít nhất 2 người trong nhà. Có lẽ chúng ta nên thay đổi cách truyền thông. Thay vì kêu gọi mọi người khai báo y tế "vì sức khỏe cộng đồng", thì chuyển sang kêu gọi mọi người hãy vì gia đình của họ, những người thân yêu của họ. Hãy khai báo y tế, hãy tự nguyện đi cách ly để gia đình chúng ta được bình yên, để vợ/chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, cô chú, anh chị em... được an toàn.
“Tỷ lệ tử vong cao thường rơi vào người có tuổi, là cha mẹ, ông bà của chúng ta. Nếu các bạn không muốn mình là người lấy đi mạng sống của người thân mình, hãy tự giác khai báo, chấp nhận cách ly tập trung” - chuyên gia Lê Anh Thư nói. Để đẩy lùi dịch bệnh, mỗi người dân hãy bằng những hành động thiết thực, trước hết là tự nguyện, tự giác, tuân thủ đúng các yêu cầu của cơ quan chức năng, đặc biệt là trung thực trong khai báo y tế khi đi từ vùng dịch về và cách ly cần thiết.
Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hồng Phú: Nếu khai báo gian dối, làm lây lan dịch COVID-19, gây nguy hiểm cho cộng đồng thì hành vi này đã vi phạm Điểm C Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Hình phạt đối với hành vi bỏ trốn làm lây lan dịch bệnh COVID-19 là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù giam từ 1 năm đến 5 năm, nếu làm chết người thì bị phạt tù giam từ 5 năm đến 10 năm, làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm. Đặc biệt, những người biết bệnh nhân bị bệnh COVID-19 mà không khai báo với các cơ quan nhà nước sẽ bị truy tố về tội che giấu tội phạm được quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự, đối với ông bà, cha mẹ, anh em của người bị bệnh biết mà không khai báo thì chỉ bị xử lý hình sự khi bệnh nhân phạm tội đặc biệt nguy hiểm, nghĩa là lây nhiễm làm chết 2 người. Hình phạt đối với tội này là tù từ 2 năm đến 7 năm, được quy định tại Khoản 2 Điều 389 Bộ luật Hình sự. |