Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ tư về vấn đề ma túy
- Khai mạc Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia
- Khai mạc Hội nghị cấp Bộ trưởng về phòng, chống ma túy Tiểu vùng sông Mê Công
- Khai mạc Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 9
- Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Công về hợp tác phòng chống ma túy
Trưởng đoàn các nước là cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy 10 nước ASEAN và Ban thư ký ASEAN.
Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị. Ngài Ahmad Zahid Hamidi, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia đã long trọng khai mạc Hội nghị.
Từ năm 2012, ASEAN có sáng kiến tổ chức Hội nghị đặc biệt cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy, nhằm hiện thực hóa tinh thần Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo ASEAN và kêu gọi các nước nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy trái phép, giai đoạn 2009-2015.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát tham dự Hội nghị. |
Cơ chế Hội nghị đặc biệt cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy đã được tổ chức qua 4 kỳ Hội nghị, lần lượt tại Thái Lan, Brunei, Indonesia và năm nay tại Malaysia.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tổ chức tại Malaysia tháng 4/2015, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thống nhất thể chế hóa Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy, theo đó Hội nghị sẽ được tổ chức 2 năm một lần theo thể thức luân phiên.
Năm 2015 là năm cuối cùng của Kế hoạch hành động phòng, chống ma túy, hướng tới xây dựng một Cộng đồng chung ASEAN: Trách nhiệm, gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và không có ma túy. Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, Đông Nam Á vẫn là một trong những thị trường tiêu thụ ma túy gốc thuốc phiện lớn nhất thế giới với 3,4 triệu người sử dụng và là thị trường ma túy tổng hợp (ATS) và thuốc kích thần (NPS) lớn nhất trên thế giới với 9,1 triệu người sử dụng. Khu vực Tam giác vàng tiếp tục là “điểm nóng” về gieo trồng thuốc phiện khi gia tăng liên tiếp diện tích gieo trồng trong 8 năm qua. Khu vực đang phải đối mặt trước nguy cơ và thách thức của các chất kích thần mới đang lan tràn với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu.
Diễn ra trong bối cảnh đó, Hội nghị năm nay tổ chức Phiên họp kín giữa các vị Bộ trưởng nhằm thảo luận một số giải pháp chung của ASEAN trong việc áp dụng các chiến lược và giải pháp tiếp cận cân bằng giữa thực thi pháp luật, phòng ngừa và tăng cường hiệu quả của các dịch vụ điều trị cai nghiện, thống nhất giao nhiệm vụ cho Hội nghị cấp Quan chức cao cấp xây dựng Kế hoạch hành động mới của ASEAN sau 2015; thảo luận và thống nhất những quan điểm và lập trường chung của ASEAN về chính sách kiểm soát ma túy quốc tế trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11/2015 xem xét, chuẩn bị cho Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu vào tháng 4/2016 tại New York, Hoa Kỳ (UNGASS 2016).
Thứ trưởng Lê Quý Vương cùng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. |
Thứ trưởng Lê Quý Vương chụp cùng Thứ - Bộ trưởng các nước tham dự Hội nghị. |
Hội nghị đã ra tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị, thể hiện rõ quan điểm của một ASEAN: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy, kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy; khẳng định chủ quyền của mỗi quốc gia ASEAN trong việc lựa chọn các giải pháp tối ưu, cân bằng giữa giảm cung và giảm cầu, kết hợp với các giải pháp kinh tế xã hội, phù hợp về mặt lịch sử, chính trị, kinh tế và đặc trưng văn hóa xã hội để giải quyết vấn đề ma túy ở trong nước.
Tại Hội nghị, thay mặt Đoàn Việt Nam, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu khẳng định nỗ lực của Việt Nam, chia sẻ trước những khó khăn, thách thức của ASEAN trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy; thể hiện quan ngại trước diễn biến có những bất đồng về quan điểm trong chính sách kiểm soát ma túy trên thế giới; khẳng định 3 Công ước Liên hợp quốc cần tiếp tục đóng vai trò nền tảng và nguyên tắc chung, định hướng cho công tác kiểm soát ma túy của toàn cầu.
Việt Nam ủng hộ ASEAN có thái độ không khoan nhượng với ma túy và tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một khu vực ASEAN không ma túy, phù hợp với lợi ích và chủ trương, chính sách phòng, chống ma túy của Chính phủ Việt Nam.
Ý thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của công cuộc phòng, chống ma túy với sự phát triển của Hiệp hội, Việt Nam cam kết đóng góp một cách chủ động, có trách nhiệm vào các nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết trong nội khối và hợp tác với các đối tác đối thoại; khẳng định thực thi nghiêm túc các sáng kiến và nỗ lực chung theo tinh thần và quyết định của Hội nghị cấp Bộ trưởng về vấn đề ma túy, hướng tới xây dựng: một tầm nhìn, một bản sắc và một cộng đồng ASEAN sau 2015.