Hà Nội cần tới 1,2 triệu tỷ đồng để phát triển giao thông
- Hạ tầng giao thông Hà Nội đang ở mức báo động
- Cô gái Hàn Quốc và dự án cải thiện giao thông Hà Nội
- Những nỗi lo về giao thông Hà Nội dịp cuối năm
- Giao thông Hà Nội rối loạn sau trận mưa lớn
Ngày 30-7, UBND TP Hà Nội đã tổ chức buổi công bố Đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện các bộ ban ngành, cũng như lãnh đạo một số tỉnh lân cận.
Theo dự báo, quy mô dân số TP Hà Nội đến năm 2020 khoảng 7,3-7,9 triệu người, đến năm 2030 dự kiến khoảng 9-9,2 triệu người, đến năm 2050 dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người sẽ gây áp lực lớn đến hạ tầng giao thông.
Cảnh ùn tắc thường xuyên diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: internet |
Không chỉ vấn đề tăng dân số, dự báo riêng với vận tải hành khách nội vùng Hà Nội, đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 27,7 triệu chuyến đi/ngày đêm; vận tải khách liên vùng Hà Nội với các tỉnh đạt khoảng 1,4 triệu lượt khách/ngày đêm; giữa các khu vực thông qua Hà Nội đạt khoảng 0,3 triệu lượt khách/ngày đêm. Nhu cầu vận tải hàng hóa tới năm 2030 giữa Hà Nội với các tỉnh dự báo cũng đạt khoảng 1 triệu tấn/ngày đêm…
Vì vậy việc có một quy hoạch cho giao thông vận tải dài hơi là cần thiết. Trong đó, Quy hoạch cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng các trục đường mới. Cụ thể là các cao tốc, quốc lộ hướng tâm, các đường vành đai giao thông liên vùng, thiết lập mạng lưới đường ngoài đô thị, các cầu vượt sông, đường sắt vành đai, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, quy hoạch các luồng vận tải thủy…
Nhiều người dân quan tâm đến quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội |
Tuy nhiên, để thực hiện được quy hoạch này, Hà Nội dự kiến sẽ huy động tổng mức vốn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng để phát triển giao thông trong vòng 30 năm tới.
Nguồn vốn được phân theo 3 giai đoạn, từ nay đến năm 2020 huy động khoảng 476 nghìn tỷ đồng; từ năm 2020-2030 huy động khoảng 554 nghìn tỷ đồng; sau năm 2030 sẽ huy động khoảng 204 nghìn tỷ đồng.
Quy hoạch nêu rõ trong tổng nhu cầu vốn trên, đường bộ sẽ chiếm khoảng 523 nghìn tỷ đồng; đường sắt chiếm hơn 646 nghìn tỷ đồng; đường thuỷ chiếm hơn 19,7 nghìn tỷ đồng; hàng không chiếm 45,3 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn trên sẽ được huy động tổng hợp từ các nguồn lực khác nhau như vốn vay ODA; nguồn vốn ngân sách; vốn vay thương mại từ Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển của Thủ đô Hà Nội; mở rộng các hình thức BT, BOT, PPP, BOO…
Khởi công cầu vượt nút giao Cổ Linh và cầu Vĩnh Tuy Ngày 30-7, UBND TP Hà Nội đã khởi công dự án cầu vượt nút giao đường Cổ Linh và đường đầu cầu Vĩnh Tuy (quận Long Biên). Dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Cổ Linh và đường đầu cầu Vĩnh Tuy, quận Long Biên là 1 trong 8 công trình giao thông cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Hà Nội, từng bước hoàn thiện các nút giao thông khác mức trên địa bàn thành phố. Quy mô dự án bao gồm xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng Cổ Linh bằng kết cấu thép, móng cọc khoan nhồi, bề rộng 12m, dành cho cả xe tải đi qua. Tổng mức đầu tư hơn 161 tỷ đồng; thời gian hoàn thành vào 31-12-2016. |