Những nỗi lo về giao thông Hà Nội dịp cuối năm

Chủ Nhật, 02/11/2014, 07:50
Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 1.804 vụ tai nạn giao thông (TNGT), so với cùng kỳ năm 2013 đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, 11 tháng cũng chỉ xảy ra 1 vụ ùn tắc kéo dài, dù trên địa bàn Hà Nội, hiện có 18 công trình vừa thi công, vừa sử dụng với 25 điểm rào chắn đã ảnh hưởng đến công tác đảm bảo TTATGT.
>> Giải pháp né “lô cốt” giao thông ở Hà Nội

Thế nhưng,Trưởng phòng CSGT vẫn tỏ ra lo lắng: Ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ liên huyện, liên xã.

Tai nạn xảy ra nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 12h-18h

Nếu như mọi năm, TNGT xảy ra nhiều ở khung giờ từ 18h cho đến 22h, thì năm nay, theo thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội, có tới 226/1.804 vụ tai nạn xảy ra ở khung giờ từ 12h-18h. Tiếp sau là 206 vụ xảy ra ở khoảng thời gian từ 6h-12h, và đứng thứ ba là khung giờ 18-22h với 192/1.804 vụ. Một điều đáng chú ý nữa là trong khi số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã được kìm chế (xảy ra 5 vụ khiến 15  người chết, 11 người bị thương), số vụ va chạm giảm tới 200 vụ, thì TNGT rất nghiêm trọng lại xảy ra tới 34 vụ, làm 68 người chết, 26 người bị thương, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2013.

CSGT Hà Nội sẽ tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm.

Nguyên nhân chủ yếu là do lỗi không chú ý quan sát tới 221 vụ chiếm 25,9%; đi sai phần đường là 186 vụ; không làm chủ tốc độ là 106 vụ; vượt sai quy định là 70 vụ, chuyển hướng sai quy định 50 vụ; không giữ khoảng cách an toàn 28 vụ… Đối tượng gây tai nạn nhiều nhất vẫn là xe môtô 551 vụ, chiếm 64,6%; kế tiếp là ôtô với 243 vụ chiếm 28,5%, trong đó liên quan đến xe tải là 122 vụ, xe du lịch đến 9 chỗ là 99 vụ; xe khách là 9 vụ, taxi 7 vụ và xe buýt là 4 vụ. Cán bộ Phòng CSGT cũng phân tích thêm, độ tuổi từ 28-55 có liên quan nhiều nhất đến tai nạn giao thông (440 vụ, tương đương 51,6%), sau là độ tuổi 18-27 với 300 vụ, và liên quan đến người dưới 18 tuổi chỉ có 15 vụ.

Vẫn còn 52 “điểm đen”

Mặc dù trong 11 tháng vừa qua, Phòng CSGT Hà Nội đã phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu quả điều tra giải quyết TNGT, đặc biệt là khởi tố các vụ án liên quan đến TNGT. Cụ thể, đã khởi tố được 118 vụ/106 bị can; truy tố 43 vụ/42 bị can, chuyển cơ quan điều tra quân đội 25 vụ; xử lý hành chính 19 vụ và đang điều tra 183 vụ.  Đồng thời, lực lượng Phòng CSGT đã xử lý tới 399.520 trường hợp vi phạm giao thông, tước GPLX của 16.365 trường hợp. Tuy nhiên, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội vẫn luôn lo lắng. Đại tá chia sẻ:  hiện tại thành phố còn 49 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, còn 62 điểm có nguy cơ xảy ra ngập úng khi mưa to kéo dài với dung lượng mưa trên 300mm, và còn tới 52 điểm đen về TNGT.

Trong khi đó, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên một số tuyến phố để bán hàng, làm nơi trông giữ các phương tiện vẫn tiếp diễn, xe taxi dừng, đỗ sai quy định tại các điểm vui chơi và một số tuyến phố vẫn diễn ra; một số thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, uống rượu bia, chạy quá tốc độ quy định… Trên các tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện, liên xã luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là các khu vực phức tạp như huyện Thường Tín, Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Trì, Phúc Thọ…

Bên cạnh thực tế trên, thì lực lượng CSGT Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn khi thực thi nhiệm vụ như trang thiết bị phương tiện còn hạn chế, thường xuyên hỏng hóc, chưa đáp ứng được khối lượng công việc, đặc biệt là số lượng xe cẩu kéo loại có trọng tải lớn còn hạn chế, do đó chưa đáp ứng được trong việc giải quyết những tình huống đột xuất như khi những xe container, những xe tải đầu kéo có trọng tải lớn gặp sự cố trên đường gây cản trở, ùn tắc giao thông thì việc huy động cẩu kéo đối với những phương tiện này gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai các giải pháp đảm bảo TTATGT chưa đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt là công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT chưa thực sự có chiều sâu.

Thế nhưng, trước hàng loạt những khó khăn, Đại tá Đào Vịnh Thắng vẫn cho rằng, sẽ quyết tâm kìm chế tai nạn giao thông và đảm bảo tốt TTATGT trong những tháng cuối năm bằng những hành động cụ thể như duy trì tuyên truyền các quy định của pháp luật về TTATGT trên 16 cụm loa tại 16 nút giao thông trọng điểm; dán đề can tuyên truyền các quy định của luật giao thông trên các nhà chờ, đón, trung chuyển xe buýt…

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chuyên đề xử phạt các lỗi là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông như xử lý nghiêm xe chở quá trọng tải; tăng cường lực lượng xuống 17 huyện ngoại thành để phòng ngừa tai nạn giao thông trên tuyến nông thôn; xử nghiêm các trường hợp xe taxi dừng đỗ sai quy định trước cổng bệnh viện, nhà ga, bến xe…

Thanh Huyền
.
.
.