Cô gái Hàn Quốc và dự án cải thiện giao thông Hà Nội

Thứ Ba, 24/02/2015, 14:02
Trong những ngày sau kỳ nghỉ Tết dài, dòng người lại nườm nượp đổ về Thủ đô, các con đường, các cửa ngõ đều chật cứng, tôi lại chợt nhớ đến một dự án nhỏ của một cô bé người Hàn Quốc theo cha sang Việt Nam, học tại Trường Liên Hợp Quốc Hà Nội (Unis), dự án có tên là “Lãng mạn Hà Nội”.

Thoạt tưởng đó là một dự án về văn chương, nhưng thực chất cô bé 17 tuổi với cái nhìn trong veo về cuộc sống đang muốn hướng mọi người cùng nhau nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, vì Hà Nội quá đẹp, quá thơ mộng nếu như không có tiếng còi xe inh tai, không có cảnh xe máy, ôtô đi lấn làn, lộn xộn trên phố…

Cô bé Chihyun Ryu được bố cho đi du lịch sang Việt Nam từ hơn 7 năm trước, nhưng phải đến năm cô bé 15 tuổi, bố mẹ cô mới thêm quyết tâm cho con gái sang Việt Nam học.

Chihyun Ryu và logo mới về Hà Nội trong Dự án “Lãng mạn Hà Nội”.

“Hà Nội là nơi thật đặc biệt và ý nghĩa với em, nơi mà em dành năm cuối cùng của tuổi teen ở đây, nên em muốn đóng góp một điều gì đó cho Thủ đô xinh đẹp này”, là tâm sự của Chihyun Ryu, học sinh lớp 11, Trường Liên Hợp Quốc tại Hà Nội.

Không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì, cô bé chỉ tập trung vào những điều mình quan sát được, cảm nhận được suốt hơn 2 năm ở Việt Nam cùng bố, một doanh nhân Hàn Quốc kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo.

Chihyun Ryu chia sẻ một trải nghiệm hết sức thú vị là hằng ngày cô được đi học bằng “xe ôm”, điều mà các học sinh sống ở Hàn Quốc không có. Thích thú với trải nghiệm này đến nỗi chính bố cô đã phải sắm tặng riêng cho con gái một chiếc máy ảnh có chức năng quay camera cực nét, để hằng ngày khi ra đường đi học, hay đi bất cứ đâu bằng phương tiện xe máy, cô bé đều gắn chiếc máy ảnh trên mũ bảo hiểm để ghi lại hết những hình ảnh trên đường phố Hà Nội.

Chính vì thế, chiếc máy tính cá nhân của Chihyun Ryu mỗi ngày một đầy những clip về đường phố Hà Nội. Ở đó có những con đường đẹp như Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Lăng Bác Hồ và các con đường quanh Lăng Bác…; nhưng cũng không ít các clip mà cô bé ghi lại được là cảnh người đi xe máy chở ba, chở bốn không đội mũ bảo hiểm, xe ôtô đi lấn làn xe máy, xe máy lấn làn xe ôtô, khiến các con đường trở nên bế tắc, lộn xộn. Rồi không hiểu sao, cô bé cũng lọ mọ ghi được cả những clip người dân dắt bò qua đường khi dòng xe cộ đang lưu thông trong giờ cao điểm.

Chihyun Ryu tâm sự, dù rất thích đi xe máy để cảm nhận Hà Nội, nhưng cô bé cũng luôn lo sợ vì bố của cô cũng đã từng bị tai nạn gãy xương sườn khi đi xe máy ở Hà Nội, rồi bạn cùng trường cũng đã từng bị tai nạn. Điều làm cô bé cảm thấy “tiếc” nhất cho Hà Nội là tiếng còi xe quá lớn; xe ôtô đi buổi tối hay dùng đèn pha chiếu ngang làm người đi đường rất khó chịu. “Thành phố này sẽ đẹp hơn nhiều, lãng mạn hơn nhiều nếu người ta hạn chế tiếng còi xe”, Chihyun nói. 

Ở trường Unis, luôn khuyến khích học sinh khẳng định cá nhân có thể làm một điều gì đó để thay đổi xã hội. Vậy là cô bé bắt đầu hình thành ý tưởng để cho Hà Nội lãng mạn hơn phải bắt đầu từ ý thức của người tham gia giao thông, trong đó có cộng đồng người nước ngoài như bố con cô. Dự án “Lãng mạn Hà Nội” xuất phát từ hình ảnh đối lập giữa một thành phố quốc tế nhưng giao thông là điểm trừ lớn nhất.

Những tổng kết của cô bé Hàn Quốc 17 tuổi về ý thức của người tham gia giao thông ở Hà Nội cũng rất đáng để chúng ta nhìn lại mình: Hầu hết người tham gia giao thông đều không học hoặc không có kinh nghiệm về cách đi xe an toàn, đúng luật, về quyền ưu tiên khi tham gia giao thông của người đi bộ.

“Ôtô” là một hình tượng về địa vị xã hội với không ít người Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần là một phương tiện giao thông. Đó là lý do tại sao người lái ôtô thường chiếm lòng đường, thỉnh thoảng lại tỏ ra thiếu tôn trọng các phương tiện tham gia giao thông khác.

Người điều khiển ôtô và xe máy không quan tâm đến việc trình độ và thái độ lái xe của họ có thể gây nguy hiểm thế nào tới các hành khách. Tài xế xe taxi không có hướng dẫn lái xe an toàn. Và nhiều vấn đề khác nữa trên đường phố Việt Nam là nguyên nhân gây nên tình trạng giao thông hỗn loạn.

Để thực hiện dự án của mình, ngay từ năm học lớp 10, cô bé đã lập một facebook về giao thông Hà Nội, mua tên miền hanoitraffic.com, rồi cặm cụi vẽ, chỉnh sửa đi chỉnh sửa lại logo mới về Hà Nội bắt nguồn từ hình ảnh Lăng Bác “Tôi thật sự chịu ảnh hưởng bởi hình ảnh Lăng Hồ Chủ tịch. Theo tìm hiểu của cá nhân tôi, có một logo về Hà Nội nhưng khá cổ điển và không được du khách quốc tế biết tới. Từ khóa cho hình ảnh logo mới của tôi chính là Hiện đại hóa. Tôi sắp phát triển thêm hình ảnh của logo và thêm khẩu hiệu “Romantic Hanoi”, dịch sang tiếng Việt là “Lãng mạn Hà Nội”.

Cô bé đã tự thiết kế làm lịch với trên 400 bức ảnh chụp về giao thông tại Hà Nội, thiết kế 3 mẫu hình dán có kèm logo Romantic Hanoi - Lãng mạn Hà Nội để có thể dán trên ôtô, xe máy hay trên mũ bảo hiểm. Những hình dán này sẽ được cung cấp cho chủ phương tiện xe cơ giới hoặc các tổ chức khi họ đồng ý với thỏa thuận và đăng ký tham gia Dự án “Lãng mạn Hà Nội”.

Một phần trong dự án “Lãng mạn Hà Nội” mà cô bé đã làm được vào cuối năm ngoái là tổ chức một sự kiện thu hút một số đại sứ quán, các công ty nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam cam kết tham gia, dán logo “Lãng mạn Hà Nội” lên xe như lời nhắc nhẹ nhàng “Hãy giúp Thủ đô trở nên thực sự lãng mạn, Hà Nội cần sự trợ giúp từ bạn”.

Năm cuối cùng của thời trung học ở Việt Nam, Chihyun Ryu vẫn đang tiếp tục những phần việc còn lại của dự án đầy ý nghĩa này.

Thu Uyên
.
.
.