Giữ nguyên quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi
- Họp Ban Chỉ đạo bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
- Quốc hội thảo luận nâng thời hạn thị thực lên 1 năm với công dân Hoa Kỳ
- Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
- Trình Quốc hội miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội và một số chức danh
Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Theo đó, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không tán thành nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổ thư ký gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về hai phương án, trong đó phương án 1: Trẻ em là người dưới 18 tuổi, phương án 2: trẻ em là người dưới 16 tuổi. Kết quả lấy phiếu cho thấy, có 340/397 ý kiến đồng ý với phương án 2 (chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về và chiếm 69,25% tổng số ĐBQH).
Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội, sáng 5-4. |
Có 50/397 ý kiến đồng ý với phương án 1 (chiếm 12,59% tổng số phiếu thu về và chiếm 10,18% tổng số ĐBQH). Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như quy định tại Luật hiện hành.
Có ý kiến đề nghị bổ sung những quy định về quan điểm hạn chế tình trạng vị thành niên mang thai và chống nạo phá thai trên cơ sở tăng cường chăm sóc, giáo dục, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, xử lý tình trạng trẻ em mang thai, giảm thiểu thiệt hại và chấn thương về tâm lý, sinh lý cho trẻ em tại Điều 43.
Về vấn đề này, Ủy ban Thương vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã có quy định việc Nhà nước bảo đảm tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi trẻ em tại khoản 2 Điều 43.
Về việc đề nghị bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trẻ em mang thai, giảm thiểu thiệt hại và chấn thương về tâm lý, sinh lý cho các em, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐBQH, đã bổ sung vào khoản này quy định về việc Nhà nước bảo đảm “hỗ trợ” trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với lứa tuổi; đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Y tế về việc “hỗ trợ” trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi tại khoản 2 Điều 84.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ĐBQH đã biểu quyết thông qua Điều 5 dự thảo Luật về nguyên tắc bảo đảm quyền và bổn phận của trẻ em; Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm; Điều 78 về bảo đảm để trẻ em tham gia các vấn đề về trẻ em.
Đã có 444/449 ĐBQH tán thành thông qua Dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), chiếm tỷ lệ 89,88%. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em gồm 7 chương, 106 điều; có hiệu lực thi hành từ 1/6/2017.