Giải pháp gì khắc phục tình trạng mất cả mùa, mất cả giá?

Thứ Tư, 06/11/2019, 09:32
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sáng 6-11, ĐBQH Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để phục hồi hay là chuyển đổi cây trồng vật nuôi, để tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Như hiện nay cây tiêu ở Tây Nguyên thì mất cả mùa, mất cả giá và cây cà phê thì mất giá kéo dài.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta phải làm sao tổ chức chuỗi sản xuất liên kết để giảm dần việc “được mùa mất giá”. Những năm gần đây chúng ta đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo ông, tổng diện tích đất canh tác của Việt Nam chỉ 10 triệu ha, trừ 4 triệu ha rừng thì chúng ta chỉ tạo ra được một lượng sản xuất nhất định.

“Đến mức độ nông nghiệp 45 triệu tấn, thịt 5,5 triệu tấn, cá 8 triệu tấn, cây công nghiệp mấy thứ đều nhất thế giới. Do đó về tổng quan sản xuất rất lớn, tuy nhiên bất cập nhất hiện nay là khâu chế biến và thương mại. Nếu không có chế biến vào thì không thể dập được hiện tượng nay được, mai lại mất”, Bộ trưởng lý giải.

ĐBQH Ngô Thanh Danh

Thứ hai, ông đề nghị phải chia sẻ, nền kinh tế thị trường thì rất khó, không ai nói được ngày mai ngày kia là cái gì, đến giá vàng cũng biến động khó lường. Do đó chúng ta cần phải trên bình diện chung để định hướng.

“Ví dụ Tây Nguyên 5 triệu ha đất rất tốt, 5 cây chủ lực phát triển nhưng giai đoạn trước chúng ta phát triển quá nhỏ. Riêng tiêu Việt Nam 350.000 tấn, trong khi thế giới chỉ có 600.000 tấn, tức chúng ta chiếm 60% thế giới, lại chỉ trong 7 năm trời nên đương nhiên phải thừa”, Bộ trưởng Cường viện dẫn. Ông cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng tới đây tập trung chế biến, bởi nếu không đi vào chế biến thì câu chuyện thừa và thiếu vẫn xảy ra.

Thêm nữa, theo ông phải kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, tổ chức chế biến sâu. “Tới đây chúng tôi sẽ mời một số doanh nghiệp vào liên kết với các doanh nghiệp ở Đắk Nông để nhận được công nghệ mới nhất. Riêng hạt tiêu sẽ ra 10 chuỗi sản phẩm, kể cả dầu hạt tiêu. Cố gắng trên nguyên tắc lợi thế gì ta làm, thị trường cần cái gì ta làm, đi sâu vào chế biến và ổn định thị trường. Có như thế mới đảm bảo hiệu quả cho sản xuất” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Ấn nút tranh luận, ĐBQH Ngô Thanh Danh cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trả lời khá đầy đủ, nhưng ông cũng cung cấp thông tin, hiện nay giá tiêu 40.000 đồng, cà phê chỉ hơn 30.000 đồng tý, giảm rất sâu.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận

“Mà theo tôi biết giá cà phê kéo dài 10 năm nay rồi. Về giá tiêu, các nước gần mình, đi sau mình như Campuchia theo tôi biết cũng cao hơn, do đó nên chuyển đổi hay phục hồi sao cho phù hợp...”, ông nhận định.

Cũng đề cập tới tình trạng “được mùa mất giá”, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, hàng năm chúng ta phải giải cứu nông sản. Bộ trưởng có giải pháp gì và có cam kết khắc phục được tình trạng này trong nhiệm kỳ hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, về giải cứu nông sản thì năm nay là năm khó khăn nhất, song trên các trục sản phẩm lớn thì chúng ta đều tổ chức liên kết, từ sản phẩm đến chế biến cơ bản và tổ chức được thị trường. Cho đến thời điểm này, một trong những chỉ tiêu khó khăn nhất năm nay là cạnh tranh thương mại về nông sản, nhưng chúng ta sẽ hoàn thành được ở mức độ cao nhất từ trước đến nay.

Theo ông, 10 trục sản phẩm trụ cột xuất khẩu mà từ 1 tỷ USD trở lên thì cơ bản đều đáp ứng được yêu cầu, còn những sản phẩm nhỏ ở quy mô hàng hoá cấp tỉnh, rơi rớt từng thời điểm như thanh long, dưa hấu... thì chúng ta phải tiếp tục.

“Hơn ai hết các đồng chí ở cơ sở phải phát huy, như gà đồi Bắc Giang, xoài Sơn La tiêu thụ tốt... Tôi tin tưởng các sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh đều bán tốt”, Bộ trưởng nêu giải pháp.


Q.Vinh - T.Minh
.
.
.