Nông dân vẫn tự “bơi” trong “điệp khúc” được mùa mất giá

Thứ Ba, 28/04/2015, 11:43
Dưa hấu, hành tím và trước đó là vải, thanh long, ớt, cà phê… liên tục gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Được mùa nhưng nhiều hộ nông dân lại khóc ròng vì sản phẩm làm ra bán rẻ như cho…, trong khi phải vay lãi ngân hàng để đầu tư cho sản xuất. Sự ngắt quãng thông tin từ sản xuất đến tiêu thụ chính là mấu chốt dẫn đến tình trạng trên nhưng nhiều năm qua, chúng ta vẫn chưa khắc phục được.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27/4, rất nhiều ý kiến đã gửi tới lãnh đạo các bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Rất nhiều ý kiến người dân quan tâm đến việc Quyết định 80/2002/QD-TTg về liên kết 4 nhà “nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp” đã có hiệu lực 13 năm, nhưng đến nay, mối liên kết này vẫn hết sức lỏng lẻo, và người nông dân vẫn phải tự bơi trong cái điệp khúc được mùa mất giá. Vai trò hoạch định chính sách, quy hoạch của Bộ NN&PTNT ở đâu khi để nông dân cứ trồng theo phong trào để rồi ngậm quả đắng khi bị dội chợ, ép giá? Làm sao để thu hút doanh nghiệp lớn bước vào sân chơi này để giảm rủi ro cho nông dân trong tiêu thụ nông sản?

Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, công tác quy hoạch trên lý thuyết rất tốt, từ sản lượng, diện tích trồng, thị trường ra sao và định hướng dài hạn thế nào... đều được dự báo và lên kế hoạch cụ thể, nhưng triển khai thì không đúng. Ngay như câu chuyện về phát triển cây mắc ca, ông Thừa cho biết, khi Bộ NN&PTNT mới đang làm quy hoạch thì nhiều nông dân ở các địa phương đã ào ạt trồng cây này, thậm chí nhiều địa phương còn đăng ký tăng diện tích trồng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cũng nhấn mạnh, đứng trên góc độ doanh nghiệp, sự liên kết giữa 4 nhà là điểm yếu nhất, trong đó vai trò nhạc trưởng (Nhà nước) vẫn chưa mạnh mẽ, chưa phân rõ trách nhiệm trong việc đôn đốc thực hiện quy hoạch nên "bên vẽ cứ vẽ, còn bên làm cứ làm".

Dưa hấu – một trong những nông sản không nằm ngoài quy luật được mùa mất giá.

Về vấn đề triển khai Quyết định 80/2002/QD-TTg, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương là khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ cho người nông dân, có biện pháp cụ thể phát triển củng cố thị trường. “Bộ Công Thương không làm một mình được, mà cần sự phối hợp với Bộ NN&PTNT, dựa trên quy hoạch chung. Tuy nhiên, sự rạch ròi quá, thiếu sự tổng thể đã dẫn đến đứt đoạn thông tin: đứt đoạn giữa bộ ngành quản lý của nhà nước với địa phương, theo quy hoạch, kiểm tra quy hoạch, tổ chức liên kết bốn nhà; đứt đoạn giữa chính quyền với DN và người dân”.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng cho rằng, quy hoạch và hiệu quả của quy hoạch còn nhiều điều phải bàn. Đây là vấn đề không dễ trong bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, không thể dự báo chính xác thị trường. Quan trọng là người dân và doanh nghiệp phải gắn kết với nhau để định hướng quy hoạch.

Ông Tuấn Anh nêu ví dụ về xuất khẩu dưa hấu. Đây là mặt hàng thời vụ, dễ tính, nhưng thị trường tập trung trước mắt ở khu vực biên giới, với tính chất canh tác chỉ tập trung một số địa phương Nam Trung Bộ. Người dân cũng hiểu và khai thác lợi thế, tuy nhiên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu liên kết thế nào với dân thì chưa có, chủ yếu là thương lái thu mua. Số lượng thương lái của hai bên chưa nhiều nhưng không có liên kết.

Một thực tế rõ ràng, vụ thu hoạch hè của hàng loạt nông sản đang chuẩn bị vào mùa. Dự báo của nhiều chuyên gia cho thấy, rất có khả năng, nếu không có những phương án kịp thời thì câu chuyện được mùa mất giá sẽ lại tiếp diễn.

Ngọc Yến
.
.
.