Nông dân trồng mía luẩn quẩn với điệp khúc “được mùa mất giá”

Thứ Tư, 11/12/2013, 08:29
Đến thời điểm này, vùng mía nguyên liệu của tỉnh Hậu Giang-tập trung ở huyện Phụng Hiệp, đã vào cuối vụ. Toàn huyện còn gần 500ha mía sẽ thu hoạch dứt điểm trong vài ngày tới. Một vụ mía với bao vất vả, lo toan sắp qua đi. Thêm một năm nữa người nông dân trồng mía Phụng Hiệp nói riêng, Hậu Giang nói chung, vẫn luẩn quẩn với điệp khúc “được mùa mất giá”...

Từng là cây trồng chủ lực sau cây lúa, nhưng giờ đây không ít nông dân Hậu Giang “phát ngán” khi nhắc đến cây mía, bởi điệp khúc “được mùa mất giá” cứ tái diễn nhiều năm liền. Ông Đoàn Thanh Lâm (ngụ ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp), buồn bã: Cây mía giờ đây là một nỗi thất vọng lớn của người nông dân. Bốn công mía (4.000m2) đang thu hoạch trong thời điểm hiện nay với giá 805đ/kg, mặc dù cao hơn thời điểm đầu vụ khoảng 80đ/kg, nhưng tính sơ gia đình tôi lỗ khoảng 2 triệu đồng. Năm nay, mía đầu tư quá nặng, đầu vụ thương lái chê mía chưa đủ trữ đường nên không mua hoặc mua với giá rẻ.

Đến thời điểm này, mía đủ trữ đường thì lại bị chết do bị ngập lâu trong nước. Cách nào thì nông dân cũng lỗ. Trồng cây mía ai cũng mong trúng mùa được giá, nhưng tình hình giá cả thế này thì nông dân… thua. Lỗ lãi là chuyện khó tránh khỏi trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng đây không phải là năm đầu tiên nông dân Hậu Giang thua lỗ từ cây mía.

Nông dân trồng mía ở Hậu Giang vẫn gặp khó khăn sau mỗi vụ thu hoạch.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, trong 4 năm trở lại đây cho thấy, cứ mỗi năm cây mía lại giảm khoảng 30-40% lợi nhuận. Mặc dù diện tích, năng suất, sản lượng mía năm sau luôn cao hơn năm trước. Ví dụ, năm 2010, diện tích mía toàn huyện là 8.302ha, tổng sản lượng 913.000 tấn, giá bán 850-1.000đ/kg, lợi nhuận bình quân đạt 20-30 triệu đồng/ha. Bước sang năm 2013, diện tích mía tăng lên 9.500ha, sản lượng tăng lên 997.000 tấn nhưng thu nhập của người nông dân lại thấp nhất từ trước đến nay, bình quân toàn huyện nông dân bị lỗ từ 5-10 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Về chất lượng cây mía thì hàng năm đều tăng, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt là các giống mía chín sớm luôn tăng hàng năm nhưng lợi nhuận lại rất thấp”.

Còn tại huyện Long Mỹ, nông dân bắt đầu thu hoạch mía. Tuy nhiên, giá mía hiện nay đang ở mức thấp kỷ lục từ trước đến nay, làm cho người nông dân lao đao. Bán không được, để cũng không xong, vì mía đã đến ngày thu hoạch mà chi phí bỏ ra cả năm trời chỉ trông chờ vào số mía này. 1,5ha mía của gia đình bà Bùi Thị Trắng (xã Vĩnh Viễn A) đã đến ngày thu hoạch nhưng khi thương lái vào mua chỉ trả 650đ/kg với lý do mía của gia đình bà trữ đường không cao. Tiếc của, gia đình bà Trắng quyết định thuê nhân công chặt mía rồi mướn ghe mang ra nhà máy bán với hy vọng giá mía sẽ được cao hơn để bù lại bao công sức, chi phí mà gia đình bà đã bỏ ra suốt cả một năm trời.

Bà Trắng, cho biết: “Mía năm ngoái gia đình bán được 850đ/kg nhưng năm nay giá quá thấp. Thương lái vào mua chỉ nói trữ đường năm nay thấp quá nên mua rẻ. Tôi đành thuê ghe chở ra nhà máy bán, được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”. Ông Trịnh Bạch Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A cho biết: Toàn xã Vĩnh Viễn A có khoảng 230ha mía. Năm nay, năng suất so với năm ngoái tương đương nhưng giá thì thấp hơn nhiều. Tình trạng này kéo dài khả năng bà con sẽ bỏ đất trồng mía. Nếu không có chính sách hỗ trợ, cũng như giá mía cứ ở mức thấp như hiện nay thì xã cũng khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng cho phù hợp để giảm bớt rủi ro cho bà con.

Ông Trần Văn Nữa (ngụ xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp), cho biết: “Nếu giá mía năm nay ở mức 1.000đ/kg thì nông dân còn lãi đôi chút, nhưng với giá mía như hiện tại, trong khi chi phí đầu tư tăng cao, đặc biệt là giá nhân công thu hoạch ở mức 140.000-160.000đ/tấn, sau khi thu hoạch đâu lại vào đấy, không lỗ là may rồi”. Đối với những người nông dân đã đầu tư công sức, tiền của vào cây mía suốt một năm trời không ai muốn kết quả nhận được lại là sự thua lỗ. Nếu giá mía cứ tiếp tục ở mức thấp như hiện nay thì những người cả đời gắn bó với cây mía như ông Nữa, bà Trắng cũng đành phải từ bỏ cây mía

Nam Thơ - CTV
.
.
.