Formosa sẽ hoàn thành chuyển đổi công nghệ vào tháng 6-2019

Thứ Sáu, 05/05/2017, 17:56
Theo ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) kiêm Tổ trưởng Tổ công tác giám sát khắc phục sự cố môi trường, Formosa sẽ tiến hành chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô. Theo lộ trình, tháng 6-2019 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi.


Formosa đã lựa chọn nhà thầu Nhật Bản là công ty Nippon Steel & Sumikin Engineering Co với công nghệ dập cốc khô tiên tiến hàng đầu thế giới. 

Theo kế hoạch, đến trước 31-3-2019, Formosa sẽ hoàn thành hệ thống dập cốc số 1 và 30-6-2019 sẽ hoàn thành hệ thống dập cốc số 2. Trong thời gian chờ hoàn thành việc chuyển đổi, Formosa đã xây dựng bổ sung trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc nhằm đảm bảo nước sau xử lý có thể tái sử dụng.

Ông Thức cho biết thêm, 7 hạng mục Bộ Tài nguyên – Môi trường yêu cầu Formosa bổ sung cũng đã được hoàn thành cơ bản, trong đó có việc lắp đặt trạm quan trắc online tại trạm xử lí sinh hoá 14 thông số (bao gồm thông số phenol). 

Hệ thống xử lí khí thải cũng đã lắp đặt xong, kết nối 15 ống khói để phục vụ cho vận hành thử nghiệm lò cao số 1. Hiện các thiết bị quan trắc online đã kết nối và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường.

Xe quan trắc môi trường tự động của Bộ Tài nguyên – Môi trường tại Formosa Hà Tĩnh. 

Từ tháng 7-2016 đến nay, nước thải của Formosa trước khi đổ ra biển đã được kiểm soát nghiêm ngặt. Bộ Tài nguyên – Môi trường phối hợp với Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ) đã tiến hành lấy mẫu phân tích 3 lần/ngày, kết quả đều đạt quy chuẩn cho phép. Khí thải cũng đã được giám sát chặt, các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, kể cả thông số dioxin/furan.

“Tổng cục Môi trường đang hoàn thiện toàn bộ báo cáo của Formosa. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp Hội đồng quốc gia, gồm các chuyên gia, nhà khoa học nhằm đánh giá tình hình khắc phục của Formosa trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt cho Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1. Thủ tướng sẽ là người quyết định sau cùng” – ông Thức nói.

Để chuyển đổi công nghệ, Formosa sẽ phải đầu tư thêm kinh phí. Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Formosa đã nâng tổng mức đầu tư cho dự án thêm 346 triệu USD. Khoản kinh phí này được dành cho công tác bảo vệ môi trường.

Việc chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô của Formosa là để tuân thủ theo đúng cam kết khi đầu tư vào Việt Nam. Trước đó, Formosa đã tự động chuyển đổi công nghệ (từ dập cốc khô sang dập cốc ướt) mà không báo cáo cơ quan chức năng. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong số 53 lỗi vi phạm của Formosa thì việc tự ý chuyển đổi công nghệ là nghiêm trọng nhất, mặc dù điều này không trực tiếp gây ra sự cố môi trường vừa qua.

Công nghệ dập cốc khô được coi là khá thân thiện với môi trường, vừa lấy được nhiệt để vận hành máy phát điện, vừa không tạo ra phenol, cyanua và các hợp chất công nghiệp khác. Trong khi đó, công nghệ dập cốc ướt phát sinh nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải.

Khánh Vy
.
.
.