Đồng ý tăng lương cho Tổng Kiểm toán Nhà nước

Thứ Năm, 22/12/2016, 10:43
“Đề xuất tăng lương cho Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là vấn đề hợp lý khi điều kiện, địa vị pháp lý và nhiệm vụ của Tổng KTNN được nâng lên” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.


Sáng nay, 22-12, phiên họp thứ 5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án của KTNN giai đoạn 2017-2020 và Đề án của KTNN về chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ ưu tiên đối với cán bộ công chức của KTNN.

Hai phương án tăng lương

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết số 1003 ngày 3/3/2006 của UBTVQH quy định bảng lương của Tổng KTNN hiện hành tương đương Bộ trưởng, có 2 bậc: Bậc 1, hệ số lương 9,7; Bậc 2, hệ số lương 10,3.

KTNN đề nghị UBTVQH quy định Bảng lương mới của Tổng KTNN tăng thêm 0,1. Theo đó, Bậc 1 là 9,8; Bậc 2 là 10,4.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS), KTNN là người đứng đầu KTNN do Quốc hội bầu, hiện nay chức danh Tổng KTNN chưa được quy định trong Bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước ban hành theo Nghị quyết số 730 ngày 30/9/2004 của UBTVQH. 

Đồng thời, với địa vị pháp lý mới của KTNN, Tổng KTNN là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về chất lượng, nội dung chuyên môn, nghiệp vụ đối với toàn bộ nhiệm vụ được Hiến pháp, Luật KTNN quy định. Vì vậy, cần được quan tâm hơn nữa, do đó, đa số ý kiến đồng tình quy định mức lương của Tổng KTNN như đề nghị của KTNN.

“Có ý kiến đề nghị, cần tăng mức lương của Tổng KTNN lên cao hơn, tương đương mức lương của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSNN) tối cao, Chánh án Toà án nhân dân (TAND) tối cao (Bậc 1 là 10,4; Bậc 2 là 11,0), vì cùng là người đứng đầu cơ quan hiến định độc lập, do Quốc hội bầu” – Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải nêu.

Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải

Tuy nhiên theo ý kiến kết luận tại phiên họp thứ 44 của UBTVQH khoá 13 ngày 16/1/2016 về nội dung này, KTNN đã lấy ý kiến của Bộ Nội vụ và Bộ Nội vụ có văn bản số 5992 ngày 19/12/2016 trong đó cho rằng, mức lương chức vụ của Tổng KTNN nên đưa vào Đề án tiền lương trình Trung ương xem xét, thông qua (dự kiến vào tháng 5/2018).

UBTCNS nhận thấy, theo quy định tại Điều 62 của Luật KTNN thì việc xác định mức lương của Tổng KTNN thuộc thẩm quyền của UBTVQH, do đó, UBTVQH nên xem xét và quyết định kịp thời. 

Nhất trí chủ trương nhưng mức tăng chờ Trung ương phê duyệt

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định cho rằng, Tổng KTNN do Quốc hội bầu và chịu trách nhiệm trước Quốc hội nên đề nghị lương Tổng KTNN phải bằng với lương của Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao. “Đây là một cơ quan hiến định do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và nhiệm vụ rất quan trọng” – Chủ nhiệm UBPL nói.

Ủng hộ quan điểm về tiền lương của Tổng KTNN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, cần thực hiện theo chủ trương chung về cải cách hệ thống tiền lương, phụ cấp của cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

“UBTVQH trên cơ sở đề nghị của KTNN sẽ đề nghị Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách chính sách tiền lương nghiên cứu để khi xây dựng chính sách mới thì xem xét tính đặc thù của mỗi ngành, trong đó có KTNN. Và mức lương của Tổng KTNN sẽ tương đương Bộ trưởng hay cao hơn, hay ngang với Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao… thì cũng phải đặt trong tổng thể chung. Sau khi BCĐ cải cách chính sách tiền lương có ý kiến thì UBTVQH sẽ quyết định” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tóm lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, đề xuất tăng lương cho Tổng KTNN là vấn đề hợp lý khi điều kiện, địa vị pháp lý và nhiệm vụ của Tổng KTNN được nâng lên. Song để đảm bảo mặt bằng chung và phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương hiện nay thì UBTVQH sẽ có ý kiến đề nghị BCĐ cải cách chính sách tiền lương xem xét, trình ra Trung ương vào tháng 5/2018.

Bố trí số tiền 3.145,75 tỷ đồng để KTNN tiếp tục các dự án

Về việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án của KTNN, UBTVQH đồng ý tiếp tục cho phép triển khai các dự án đang đầu tư dở dang, thực hiện đúng tinh thần danh mục các công trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, đồng ý bố trí số tiền 3.145,75 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 – 2020, nguồn thực hiện vẫn theo tinh thần của văn bản số 537 ngày 25/10/2013 của UBTVQH khoá XIII và giao Chính phủ bố trí cho hợp lý.

Trong đó, số vốn đã bố trí từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung 1.565,9 tỷ đồng. Số còn thiếu 1.579,85 tỷ đồng được dự kiến bố trí từ các nguồn sau: Nguồn trích của năm 2017 theo văn bản số 537 là 500 tỷ đồng; nguồn trích 5% sau khi bảo đảm thực hiện chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức và người lao động theo quy định của UBTVQH là 247 tỷ đồng; số còn thiếu 832,85 tỷ đồng, hàng năm KTNN phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, bố trí từ nguồn tăng thu do KTNN phát hiện từ 2018-2020 như đề xuất của KTNN.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

UBTVQH giao UBTCNS phối hợp UBPL, KTNN, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Nghị quyết, gửi phiếu xin ý kiến UBTVQH. Khi đa số ý kiến thống nhất thì Nghị quyết sẽ được thông qua.

Bên cạnh đó, soạn thảo ý kiến của UBTVQH gửi cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thể hiện tinh thần đang triển khai các dự án đầu tư cho KTNN. Chính phủ sẽ nghiên cứu, rà soát để tháng 1-2017 báo cáo UBTVQH toàn bộ các danh mục cho đúng tinh thần Nghị quyết của UBTVQH.

UBTVQH cũng giao Tổng Thư ký Quốc hội có công văn gửi BCĐ cải cách tiền lương nghiên cứu xem xét, trình Trung ương phê duyệt.

Quỳnh Vinh
.
.
.