Doanh thu ngành công nghệ thông tin đạt gần 70 tỉ USD

Thứ Năm, 23/11/2017, 17:48
Sau 10 năm, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ khi mang về tổng doanh thu hơn 67,7 tỉ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng gần 30%/năm.

Ngày 23-11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006 theo hình thức trực tuyến với 29 điểm cầu tại các địa phương.

Luật CNTT được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-6-2006 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2007. Sự ra đời của luật này đã thiết lập hành lang pháp lý cho mục tiêu hình thành, phát triển xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tổng kết 10 năm triển khai luật, Thứ tưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng khẳng định, ngành CNTT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội. Hạ tầng CNTT được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo cho nhu cầu ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Theo báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp thứ 89/193 nước, tăng 10 bậc so với năm 2014.

Không chỉ vậy, tốc độ phát triển ngành công nghiệp CNTT khá ấn tượng, đặc biệt là lĩnh vực phần cứng, phần mềm và nội dung số, luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 30%/năm. Tổng đoanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 67,7 tỷ USD. Việc phổ cập CNTT đến người dân đã đạt được kết quả ấn tượng. Viện Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới.

Ngành CNTT luôn duy trì tốc độ tăng trưởng gần 30%/năm 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, 10 năm qua, kinh tế xã hội nước ta đã tăng trưởng nhanh và được thế giới đánh giá cao. Riêng lĩnh vực CNTT, cả 4 trụ cột (hạ tầng, nguồn nhân lực, ứng dụng, công nghiệp CNTT) đều có tốc độ phát triển cao hơn mức trung bình chung của các ngành. Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong 4 trụ cột, trừ công nghiệp CNTT (có sự góp mặt của các tập đoàn kinh tế lớn như Intel, Samsung) có phát triển đột phá, còn lại vẫn chưa đạt được như kì vọng. GDP bình quân đầu người vẫn đứng ở mức 120 của thế giới, thuộc nhóm có mức thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam cũng đang đứng ở ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới nền kinh tế tri thức, cơ hội cho ngành CNTT là rất lớn. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ CNTT, không phải là thuê máy, thuê phần mềm mà là thuê dịch vụ cuối cùng. Hiện nay, việc thuê dịch vụ CNTT có thể còn vướng về luật pháp, vướng về thủ tục, vướng về giá thuê, nhưng vướng nhất vẫn là tư tưởng bởi nhiều người có ý nghĩ “thuê doanh nghiệp nước ngoài làm sẽ không đảm bảo an ninh”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị 

Về nhân lực CNTT, theo Phó Thủ tướng, sắp tới sẽ đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực đào tạo. Theo đó, sẽ đưa các kĩ sư có đủ tiêu chuẩn đang làm việc tại các doanh nghiệp  để tham gia vào công tác đào tạo cho sinh viên các trường đại học nhằm giảm bớt sự hàn lâm. Riêng về ứng dụng CNTT, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là trụ cột quan trọng nhất, do đó bộ máy hành chính Nhà nước sẽ phải gương mẫu thực hiện đầu tiên.

Mặc dù cho rằng Luật CNTT đã góp phần thúc đẩy ngành CNTT ở Việt Nam phát triển nhanh trong những năm vừa qua song Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần phải điều chỉnh, bổ sung thêm các quy định cho phù hợp với tình hình hiện nay. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần nghiên cứu các xu thế phát triển mới của ngành CNTT để đưa vào luật.

H. Ly
.
.
.