Đánh trúng các đối tượng cầm đầu đường dây tội phạm, ổ nhóm buôn lậu

Thứ Năm, 26/07/2018, 19:29

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khi kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ của BCĐ 138/ CP và BCĐ 389 Quốc gia, chiều 26-7.


Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các ngành, các cấp, nhất là các lực lượng nòng cốt trong hai BCĐ đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, yếu kém cần khắc phục thời gian tới.

Còn bị động trong nắm tình hình

Đó là, việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở một số cơ quan, địa phương còn chưa nghiêm túc, còn mang tính hình thức. Đặc biệt, công tác tham mưu, nắm và dự báo tình hình trong một số trường hợp còn bị động, chưa kịp thời, chưa sát thực tiễn, để xảy ra những vụ tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. “Có thời điểm không kiểm soát tốt tình hình để vụ việc phức tạp, như vụ gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng ở tỉnh Bình Thuận, vụ người dân phản đối dự án điện ở Bình Định…” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình kết luận hội nghị

Một số lực lượng, địa phương chưa chủ động trong việc phối hợp cung cấp thông tin, hiệp đồng tác chiến. Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tín dụng đen, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm hại trẻ em, chống người thi hành công vụ, giết người, cố ý gây thương tích… vẫn diễn ra phức tạp; tình trạng khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra, gây bức xúc trong dư luận; việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế.

“Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn xảy ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, với thủ đoạn tinh vi và gắn với tệ nạn tham nhũng, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng loại như: dược phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc lá, rượu… được bày bán công khai, đặc biệt là có rất nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận như: vụ sản xuất, kinh doanh thuốc hỗ trợ điều trị ung thư bằng bột than tre Vinaca tại Hải Phòng, vụ cà phê, tiêu trộn pin, bột đá ở Tây Nguyên… Tình hình buôn lậu, nhất là ở các tuyến biên giới phía Bắc, Tây Nam, buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, đường cát còn diễn biến rất phức tạp.

Có biểu hiện “bảo kê” cho vi phạm pháp luật

Chỉ ra một số nguyên nhân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, đó là chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả xã hội vào cuộc; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền một số nơi, một số bộ, ban, ngành còn chưa quan tâm, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật. Vai trò của các lực lượng chức năng ở cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt, chưa sâu sắt nắm bắt tình hình cơ sở, khu dân cư.

Một bộ phận cán bộ, công chức thuộc các lực lượng chức năng thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, thậm chí “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật; chưa kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm; chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh với các luận điểm sai trái, mang tính kích động, chia rẽ trên mạng xã hội của các thế lực thù địch; hệ thống các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập. Cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của các cơ quan chức năng còn chưa tốt…

Chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu các bộ ngành, địa phương tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, BCĐ 389 Quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định các lĩnh vực công tác này là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các Bộ, ngành, địa phương; kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.

Theo tinh thần Chỉ thị số 46 của Bộ Chính trị, khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ở địa phương nào thì cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể ở nơi đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý giải quyết theo phương châm “4 tại chỗ”. Phó Thủ tướng nêu rõ, nếu trên địa bàn để xảy ra các điểm “nóng” nghiêm trọng về tội phạm, tội phạm có tổ chức, cán bộ, công chức dưới quyền “bảo kê” cho tội phạm, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài nhưng các lực lượng chức năng tại địa phương không chủ động phát hiện, xử lý thì phải phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.

Toàn cảnh hội nghị

Chọn người đứng đầu quyết tâm cao trong phòng, chống tội phạm

 Bên cạnh đó chú trọng xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. “Thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn người cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảm bảo công khai minh bạch, phải lựa chọn được người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao trong công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” – Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tội phạm ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hoá, biến chất. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, tuân thủ pháp luật.

Phó Thủ tướng chỉ đạo làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma tuý, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại… đảm bảo đánh trúng đối tượng cầm đầu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán hàng hoá gắn mác “xách tay”, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, phối hợp đánh giá tình hình; thường xuyên gặp gỡ đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tiếp tục thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế...


Quỳnh Vinh
.
.
.