Cử tri quan tâm nhiều đến tiến độ triển khai và hiệu quả các dự án, công trình thủy lợi ngăn mặn

Thứ Bảy, 05/03/2016, 18:33
Ngày 5-3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã có buổi tiếp xúc với cử tri trong tỉnh trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.


Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quan tâm đề cập đến nhiều vấn đề như cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các công trình dự án thủy lợi ngăn mặn triển khai trên địa bàn tỉnh kéo dài, gây bức xúc cho người dân.

Cử tri Nguyễn Hồng Khích, phường 4 (thành phố Bến Tre) bức xúc về công trình thủy lợi ngọt hóa Bắc Bến Tre, dự án thủy lợi lớn nhất tỉnh hiện nay. Công trình đã triển khai được nhiều năm, nhưng không khắc phục được xâm nhập mặn.

Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre chọn sông Ba Lai – một trong chín cửa sông Cửu Long để xây dựng thành một hồ chứa nước ngọt, phục vụ tưới tiêu cho hơn 100 ngàn ha đất nông nghiệp và cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho 600 ngàn dân của 5 huyện, thành phố. Năm 2002, dự án hoàn thành hạng mục cống, đập ngăn mặn ở hạ lưu sông Ba Lai.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, công trình này chỉ xây dựng thêm một số hạng mục phụ như đê ven sông Tiền, sông Hàm Luông, trong khi các hạng mục chính như đập và âu thuyền trên sông Giao Hòa, Chẹt Sậy… để khép kín sông Ba Lai thì chưa được thi công, do không có vốn. Do đó, hàng năm đến mùa khô thì sông Ba Lai lại nhiễm mặn, gây bức xúc đối với bà con cử tri.

Giải đáp thắc mắc của cử tri về dự án này, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay, để khép kín sông Ba Lai còn 5 cống, đập phải xây dựng, với số tiền cần đến khoảng 200 triệu USD. Số tiền trên ngoài khả năng của tỉnh. Tỉnh đã trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Chính phủ. Ông Trọng cũng thông tin thêm: Chính phủ đã đồng ý đầu tư tiếp cho dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và tổ chức JICA của Nhật đã đến Bến Tre để khảo sát…

Tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng quan tâm đến tình hình phòng chống tham nhũng và cho rằng trong xử phạt đối tượng tham nhũng còn tình trạng "giơ cao đánh khẽ; nhẹ trên, nặng dưới". Các đại biểu Quốc hội cần tiếp xúc nhiều với cử tri để gần dân, sát dân mới lắng nghe hết tâm tư, nguyện vọng của dân…

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cũng có buổi tiếp xúc các cử tri tại Tây Ninh trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng thời giải đáp những thắc mắc, lắng nghe và ghi nhận những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các cử tri.

Nhiều vấn đề được cử tri quan tâm trong buổi tiếp xúc lần này tập trung vào các vấn đề về giải quyết việc làm, chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài, lộ trình tăng giá các dịch vụ y tế song song với việc nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành y tế; công tác phòng chống tham nhũng, lộ trình cải cách hành chính, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp…

Ngoài ra, một số cử tri kiến nghị trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí, tập trung vào các chính sách khuyến học, khuyến tài, các chế độ về an sinh xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo…

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã báo cáo khái quát kết quả hoạt động của đoàn ở Tây Ninh về công tác nhân sự, chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp và giải trình những ý kiến đóng góp của các cử tri trong nhiệm kỳ vừa qua.

Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế được Ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chủ yếu tập trung vào các vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế gắn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với phát triển kinh tế bền vững; chú trọng xây dựng, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả các thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, khoa học, công nghệ, thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường bất động sản... nhằm xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

T.K.
.
.
.