Hệ thống cống thủy lợi ngăn mặn ở Cà Mau: Tốn tiền tỷ để... ngắm!

Thứ Năm, 09/04/2015, 08:17
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, tình hình khô hạn nhiều tháng qua đã làm hơn 24.000ha rừng tràm bị khô nước, đối mặt với nguy cơ cháy. Gần 5.000ha đất nuôi tôm cũng bị khô nước, trong đó có gần 1.000ha nuôi tôm trái vụ bị chết. Trên 1.300ha hoa màu cũng bị chết vì nắng nóng.

Không chỉ có hạn, toàn tỉnh có gần 10.000ha đất nông nghiệp bị xâm mặn. Toàn tuyến ven biển Cà Mau dài trên 250km, bao gồm ven biển Đông và ven biển Tây đều bị xâm mặn, phổ biến là xâm mặn từ đê biển vào đất liền từ 1-2km, có nơi sâu tới 3km.

Cà Mau là bán đảo, có ba mặt giáp biển. Hệ thống sông ngòi của Cà Mau cũng dày đặc, chằng chịt nhất nước. Tình trạng xâm mặn theo các cửa sông tuy có chậm hơn ven biển nhưng ngấm dần, lâu ngày thấm sâu vào đất, khiến cây trái, hoa màu không phát triển được. Đối với vùng giáp ranh mặn ngọt, không ít người dân lén lút đưa nước mặn vào để nuôi tôm khiến diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn ngày càng tăng.

Cách đây hơn 1 năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau với tư cách là chủ đầu tư đã đưa vào vận hành hệ thống 10/19 cống ngăn mặn, giữ nước thuộc dự án phòng chống cháy rừng, với tổng nguồn vốn đầu tư (giai đoạn I) hơn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số cống trong dự án này chưa phát huy được công năng ngăn mặn.

Công trình cống ngăn mặn kênh 18 tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh dù đã xong nhưng phải làm thêm đập bên trong để ngăn mặn.

Cống ngăn mặn, giữ nước ở Kênh 18 xã Khánh Thuận, huyện U Minh đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Tuy mới hoàn thành hơn 1 năm nhưng theo quan sát của chúng tôi, đã hư hỏng nhiều chỗ, ngành chức năng phải gia cố nhiều lần. Ông Trần Quốc Dân, ngụ xã Khánh Thuận bức xúc: “Đã tốn tiền tỷ đầu tư xây cống nhưng không ngăn được nước mặn, sau đó lại phải cho đắp thêm cái đập để giúp cống ngăn mặn. Từ khi cống này làm xong, chúng tôi đi lại phải tốn tiền do phải qua một cái cầu kéo”.

Ông Lê Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, khu vực này gần bãi cây, vỏ cây tràm rớt xuống sông thường xuyên nên khi đóng, bửng cống không khép kín được, nước mặn vì thế vẫn chảy vào. Để giải quyết tình thế, cạnh cái cống, chủ đầu tư cho  đắp cái đập để giữ nước. Còn việc cống mới hoàn thành đã hư hỏng theo ông Hải “là do đất mới, bùn bị lún xuống”(?).

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết: “Sự cố để nước mặn xâm nhập vào khi đóng cống Kênh 18 đã khắc phục xong. Tuy nhiên, nguyên nhân cái đập vẫn còn tồn tại là do nhu cầu đi lại của người dân. Bởi vì người dân đi qua đập thuận lợi hơn, không bị dốc như đi qua cống”. Theo phản ánh của người dân, một số điểm xây dựng cống ngăn mặn, giữ nước được chủ đầu tư chọn điểm đặt không phù hợp lắm.

Chính điều này làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng nông sản của người dân, thương lái tranh thủ cơ hội này ép giá đối với một số mặt hàng, Chẳng hạn như giá lúa ở thị trường là 5.000 đồng/kg thì thương lái “vượt cống” vào mua chỉ có giá 4.500 đồng/kg; hay cây tràm nếu dân chở ra tới cống, có thể bán được 50 triệu đồng/ha, còn thương lái vào mua tại chỗ giá chỉ 30 - 35 triệu đồng/ha.

Ông Tô Văn Hùng - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Chi cục kiểm lâm cho biết giai đoạn 2 của dự án sẽ cho xây dựng cống có khẩu độ rộng từ 5-7m để dân qua lại thuận lợi hơn.

B. Huyền - CTV
.
.
.