Cần thiết phải báo cáo lại vấn đề giá điện
- Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc tăng giá điện
- Yêu cầu theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện
- Tăng giá điện, xăng dầu không tạo nhiều áp lực lạm phát
- Giá điện tăng có gây áp lực lên lạm phát?
Trong tháng 4, đất nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Nắng nóng ảnh trên cả nước, đặc biệt ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Giá dầu thế giới tăng, kéo theo nhiều hệ lụy về giá cả.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 có nhiều điểm tích cực, tiến bộ. Trước hết, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Tổng cầu tăng mạnh. Một số chỉ tiêu tiếp tục chuyển biến tốt như thu ngân sách tăng cao. Nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Thu hút đầu tư tăng kỷ lục với nhiều dự án có quy mô. Dịch tả lợn châu Phi đang được hạn chế ở mức thấp nhất, số điểm dịch mới đã giảm đáng kể. Xuất khẩu tăng, có xuất siêu. Lạm phát ở mức thấp, trong tầm kiểm soát. Chỉ số PMI tăng so với tháng trước, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cũng trong tháng 4, việc tăng giá điện gây tâm tư trong người dân. Trước tình hình đó, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá, từ đó, công khai kết quả. “Việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cũng thấy cần thiết phải báo lại trước Chính phủ, trước nhân dân về vấn đề này”.
Về vấn đề xã hội, theo Thủ tướng, cũng nổi lên một số vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng trước biến động tình hình thế giới và những khó khăn trong nước, phải tiếp tục kiểm soát lạm phát chặt chẽ. Đặc biệt, qua Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa diễn ra, cần phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, “chỗ này, chỗ khác còn rất chậm trễ”.
Một tồn tại rất lớn là giải ngân vốn đầu tư công, do nhiều nguyên nhân, còn chậm. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ bàn các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các trường hợp chậm trễ do nguyên nhân chủ quan của bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư.
Cần tiếp tục thu hút đầu tư tư nhân và có cơ chế, chính sách để đất nước phát triển toàn diện các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, cả văn hóa, xã hội, quan tâm giải quyết các bức xúc của nhân dân tốt hơn.
Về vấn đề nông nghiệp, liên quan nhiều đến đời sống nhân dân, Thủ tướng nêu rõ, không thể chủ quan. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt hơn dịch bệnh mùa hè. “Và các mặt công tác khác cần chú trọng hơn”, Thủ tướng nói, đặc biệt là cần làm tốt hơn công tác thông tin và truyền thông, như về việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu.
Tại phiên họp này, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV cũng như phiên họp tới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về kết quả đánh giá lại quy mô GDP; việc tiếp thu, giải trình phương án phân bổ vốn và việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 33); về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 4/2019; dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; về vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư liên tịch 37 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Thông tư 15 của Bộ Y tế.