“Các nhà cao tầng phải có tầng chống cháy”

Thứ Sáu, 16/08/2019, 15:03
Là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tại Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thảo luận cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 – 2018, ngày 16-8.


Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt trình bày cho biết, từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018 cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản hơn 6.500 tỷ đồng và hơn 6.400 ha rừng.

Có trực thăng chữa cháy nhưng dùng nước “không ăn thua”

Lực lượng chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (chiếm 85,76%); tiến hành khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hình sự 66 vụ án với 43 bị can; xử phạt trên 98.000 trường hợp vi phạm với số tiền 206 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Chủ nhiệm UBQPAN cũng cho hay, giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. “Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7-2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC”, ông nói.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn về con số hơn 2.600 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC. Đặc biệt nhiều chung cư cao tầng dân vào ở chưa có nghiệm thu PCCC, ko hiểu khi xảy ra hỏa hoạn chết người thì trách nhiệm thuộc về ai? “Đoàn giám sát cần chỉ ra điểm này”, ông đề nghị.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng lo ngại tình trạng các nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà xe thang không đến được thì chúng ta đã có trực thăng để chữa cháy hay chưa?

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, không thể có cái thang nào có thể cao hết các tầng được, mà chính các nhà cao tầng phải có tầng chống cháy. “Còn trực thăng không phải không có, khi cần thì quân đội sẵn sàng huy động ngay. Có điều tôi đã trực tiếp chỉ đạo dùng trực thăng một lần rồi, nhưng không giải quyết được gì cả”, ông lý giải.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

“Đó là vào năm 2010, khi cháy ở Phanxipăng, Bộ Quốc phòng cho huy động trực thăng để thử chữa cháy. Trực thăng xuống hồ ở Sapa múc được gầu nước lên thì lên đến nơi, nếu bay thấp sẽ cháy máy bay luôn, buộc phải bay cao. Khi bay cao thì buông gầu xuống chưa đến một nửa nước đã bốc hơi hết rồi”, Phó Chủ tịch Quốc hội kể. Ông đề nghị Bộ Xây dựng phải nghiên cứu, thiết kế tầng chống cháy trong quá trình xây dựng. Đồng thời nếu dùng trực thăng chữa cháy thì phải dùng hoá chất chứ không thể dùng nước được. “Dùng nước không ăn thua, thực tế đã có rồi”.

Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt cũng cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách đầu tư cho công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ khoảng 8.341 tỉ đồng là không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc được trang bị tổng cộng 2.227 xe các loại, 922 máy bơm chữa cháy, 211 xuồng, ca nô chữa cháy, 42 mô tô chữa cháy, cứu hộ… “Tuy nhiên tỷ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn hết sức hạn chế”, ông Việt cho hay.

Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước hay của doanh nghiệp, chủ đầu tư khi vì tiết kiệm chi phí mà đưa trang thiết bị PCCC cũ kỹ, lạc hậu vào. Báo cháy không phát hiện cháy, khi phát hiện cháy thì không chữa cháy được. “Nếu cơ quan quản lý nghiêm ngay từ đầu thì chủ đầu tư không dám làm như thế”, ông nêu quan điểm.

7-8 ngôi nhà không có lối cho xe PCCC thì chữa cháy thế nào?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến khẳng định “nước xa ko cứu được lửa gần” nên cần đầu tư, nâng cao hiệu quả của lực lượng chữa cháy tại chỗ. “Cháy rừng nhiều vụ liên tục từ ngày này qua ngày khác là do ta chưa làm tốt các đường băng cản lửa. Nhiều nước họ làm đường băng cản lửa tốt, chúng ta có những cánh rừng bạt ngàn, đề nghị đánh giá thêm việc thiết kế các đường băng cản lửa”, ông nói.

Thứ trưởng Lê Quý Vương

Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng lưu ý nhiều khu dân cư ở Thủ đô mật độ rất đông, tình trạng cải tạo, cơi nới, dây điện chằng chịt. Vào những khu này ngõ ngách, một xe tránh nhau còn khó, nếu cháy ko thể nào tiếp cận được.

“Vì vậy tôi kiến nghị xây dựng quy hoạch với những khu này phải có phương án cải tạo thế nào cho đảm bảo. Nếu phương tiện mặt đất không tiếp cận được thì phải tính phương tiện trên không như trực thăng. Nhưng cần có tầng riêng cho cứu hỏa, chẳng hạn để trực thăng đậu ở đó phun nước...”, ông lấy ví dụ.

Giải trình thêm tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, xung quanh vấn đề PCCC có nhiều lỗi hệ thống. Chẳng hạn hệ thống đô thị, giao thông đi lại ra sao, các chợ, nhà cao tầng thế nào. “7-8 ngôi nhà không có lối cho xe PCCC vào. Thử hỏi triển khai chữa cháy thế nào, chưa nói là phòng ngừa. Dự báo chúng tôi thấy tới đây vẫn còn tiềm ẩn lớn”, ông nhận định.

Toàn cảnh phiên họp

Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị tập trung xây dựng các quy chuẩn thực hiện Luật PCCC, trong đó có quy chuẩn điều chỉnh một số loại hình mới xuất hiện như chung cư mini, nhà dân kết hợp ở và sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, xe kẽ trong khu dân cư, nhà máy lọc dầu, công trình có nhiều tầng hầm...

“Bây giờ có những khu xây dựng 4-5 tầng hầm, sâu tới 14m để làm khu để xe, hay hầm đường bộ, đường sắt. Rồi các công trình siêu cao tầng, trên 75m”, Thứ trưởng cho biết, rà soát cái này liên quan tới Luật Xây dựng, Luật Đô thị, Luật Điện lực, trong đó nguyên nhân cháy liên quan rất nhiều tới điện lực.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ về tầng chống cháy. Bởi qua khảo kinh nghiệm các nước thì ở Ấn Độ quy định, nhà 20 tầng trở lên thì tầng 20, 21 là tầng để thoát nạn cho toàn bộ khu nhà. Khi xảy ra cháy nổ, những người xung quanh đấy theo các đường thoát và tập trung vào tầng 20, 21 là khu để thoát nạn, ở đấy có các phương tiện thoát nạn cho người ta...


Quỳnh Vinh
.
.
.