Bộ trưởng Tô Lâm lý giải việc đưa 7.000 phạm nhân đi làm việc cho doanh nghiệp
- Bộ trưởng Tô Lâm: Chưa phát hiện trường hợp bảo kê liên quan đến “tín dụng đen”
- Hiệu quả công tác phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao cho phạm nhân
- Lao động để dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân
- Bộ trưởng Tô Lâm: Ra ngoài lao động nhưng phạm nhân vẫn nằm trong sự quản lý của trại
- UBTVQH đồng ý cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Uỷ ban Thường vụ Quốc (UBTVQH) chiều nay, 15-8, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc, đại biểu từng gửi câu hỏi cho Bộ trưởng qua phiếu chất vấn, nhưng Bộ trưởng không trực tiếp trả lời mà Thứ trưởng trả lời thay. “Tôi muốn hỏi Bộ trưởng, trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc trả lời câu hỏi của ĐBQH như thế nào?”.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn |
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu thông tin trong báo cáo của Bộ Công an về việc đã đưa 7.000 phạm nhân đi làm việc cho doanh nghiệp, nhưng không nêu được bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như văn bản của Quốc hội cho rằng đây là chính sách thí điểm.
“Tôi cho đây như vậy có nghĩa là không phù hợp. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng cho biết trách nhiệm trong lĩnh vực này?”, đại biểu tỉnh Bến Tre đặt câu hỏi.
Điều hành Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm không trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý mà cần rút kinh nghiệm về việc này, bởi trách nhiệm của Bộ trưởng theo quy định của pháp luật là phải trực tiếp trả lời câu hỏi của ĐBQH.
Tuy nhiên, khi được phân công trả lời câu hỏi của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng thì Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã giải đáp thêm cả câu hỏi trước đó. “Về trách nhiệm trả lời chất vấn, theo quy định, Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm trả lời chất vấn của ĐBQH các vấn đề liên quan đến bộ ngành mình. Chúng tôi hiểu rất rõ, nhận thức đầy đủ những quy định này và thể hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình trong việc tham gia nhiều phiên chất vấn của ĐBQH, UBTVQH, hội nghị ĐBQH chuyên trách...”, Bộ trưởng nói.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý |
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, trong quá trình đó cũng có nhiều lý do, vì để kịp thời gian hay những lĩnh vực liên quan đến luật pháp cụ thể. Bộ Công an cũng phân công chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với Thủ trưởng Cơ quan ANĐT, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, và những Thứ trưởng được phân công thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lĩnh vực đó.
“Nói chung Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề, nhưng đã có phân cấp và phải chịu trách nhiệm những vấn đề cụ thể. Có khi Bộ trưởng cũng không ra được quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Hay trong thời gian Bộ trưởng đi vắng dài ngày, không kịp trả lời theo thời gian quy định của luật thì có thể uỷ quyền cho các Thứ trưởng trả lời thay. Chúng tôi không né tránh trách nhiệm về vấn đề này. Góp ý của đại biểu chúng tôi sẽ tiếp thu, rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Tô Lâm thẳng thắn.
Về vấn đề đưa 7.000 phạm nhân ra lao động tại các doanh nghiệp có đúng quy định pháp luật không, Bộ trưởng khẳng định là đã vận dụng các quy định của pháp luật. Cụ thể, Chỉ thị số 53 ngày 21-3-2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của cơ quan tư pháp; Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp; Chỉ thị số 48 ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng phòng chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 09 ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
ĐBQH tham dự phiên chất vấn |
“Trong các văn bản nêu trên đều có quy định có liên quan đến chủ trương thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, giúp đỡ những phạm nhân được tha tù, nhằm tiếp tục giáo dục họ trở thành người lương thiện, hoà nhập với cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội. Đây là những chủ trương rất đúng đắn, có thể thực hiện mà chúng tôi xin đề nghị thí điểm việc này trước khi luật quy định. Trong quá trình thực hiện vẫn chấp hành đúng quy định pháp luật, kể cả việc thực hiện giam giữ, thi hành án phạt tù”, Bộ trưởng lý giải.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự, Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự đều có các nội dung liên quan về những người đã chấp hành án phạt tù, tạo điều kiện làm ăn lương thiện, tái hoà nhập cộng đồng. Nghị định số 80 ngày 6-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định các biện pháp tái hoà nhập cộng đồng đối với những người chấp hành án phạt tù, trong đó Điều 8 có quy định về định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân chấp hành xong án phạt tù.
“Lúc mà người ta đang chấp hành, chuẩn bị chấp hành xong cũng phải tạo điều kiện để họ có nghề nghiệp, phục vụ khi ra khỏi trại giam có điều kiện tái hoà nhập cộng đồng. Qua thí điểm công tác này rất tốt. Đi đến mục tiêu xa hơn nữa là xã hội hoá trong công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân. Trong đề án chúng tôi sẽ tiếp tục và vừa qua Luật Thi hành án hình sự sửa đổi cũng cho phép điều này”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.