Bộ trưởng Tô Lâm: Ra ngoài lao động nhưng phạm nhân vẫn nằm trong sự quản lý của trại

Thứ Tư, 22/05/2019, 18:19

Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định như vậy trước một số băn khoăn của các ĐBQH về việc trại giam phối hợp doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại có đảm bảo an toàn…


Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) chiều nay, 22-5, đa số ĐBQH quan tâm thảo luận về Điều 33, quy định cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.

Bản chất không phải hoạt động kinh tế, mà là dạy nghề, hướng nghiệp

Bày tỏ tán thành cao với quy định của dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nêu ra 6 lý do để giải thích cho quan điểm của mình. Trong đó, tổ chức cho phạm nhân lao động không chỉ cải tạo họ mà còn nhằm mục đích giúp họ tái hoà nhập cộng đồng sau này. Theo bà, những người bị phạt tù 15 năm nếu không lao động, không có tay nghề khi mãn hạn tù rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm, mặc cảm tự tin sẽ rất lớn.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu giải trình trước Quốc hội chiều nay

“Về nguyên tắc, tổ chức phạm nhân lao động trong trại giam là tốt nhất, song trong thực tế các trại giam miền Bắc và miềm Trung diện tích rất chật hẹp, nếu làm nông nghiệp thì không có đất để sản xuất, còn những ngành nghề khác thì ngân sách rất khó khăn, khó có thể đầu tư nhà xưởng, máy móc đáp ứng yêu cầu”, bà nói.

Bà cho biết, thời gian qua phương án kết hợp với doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân lao động mới chỉ thực hiện ở một số trại, bởi có đến 34/54 trại giam trong cả nước thuộc địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, chi phí sản xuất rất cao nên các doanh nghiệp không đầu tư.

“Ví dụ Trại Cồn Cát ở Sóc Trăng để đi đến được trại phải gửi xe ô tô ở UBND xã, sau đó đi phà dọc sông Hậu và phải đi đò 6km mới tới trại; hay Trại An Điền ở Quảng Nam mỗi năm cứ đến mùa mưa là gần như bị cô lập với bên ngoài…” – bà viện dẫn, cho rằng với những điều kiện đó thì doanh nghiệp không đầu tư, việc tổ chức cho phạm nhân lao động vẫn chỉ dừng ở mức trồng rau, chăn nuôi mang tính tự cấp, tự túc, không có nhiều công việc để làm…

ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn)

ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho hay, để tháo gỡ những khó khăn, thời gian qua Bộ Công an đã tổ chức thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam và các điểm lao động đều được doanh nghiệp xây dựng theo mẫu thiết kế của trại giam, nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp, có tường rào bao quanh, cách biệt khu dân cư. Kết quả thí điểm đã giúp đa dạng hoá các ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm, giúp phạm nhân có nhiều cơ hội học nghề.

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ, cần khẳng định bản chất và mục tiêu của việc kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam không phải là hoạt động kinh tế mà ở đây là tổ chức dạy nghề hướng nghiệp cho phạm nhân. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì các quốc gia phát triển trên thế giới như Anh, Thuỵ Sỹ cũng cho phép trại giam kết hợp với doanh nghiệp cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Thậm chí có nước còn tiếp cận đây là biện pháp giúp phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng và là trách nhiệm của các trại giam.

Phạm nhân tìm được niềm vui trong lao động

“Về ý kiến e ngại việc tổ chức cho phạm nhân lao động có thể ảnh hưởng an ninh an toàn, chúng tôi nhận thấy những lưu ý này là cần thiết để Bộ Công an tổ chức và triển khai một cách chặt chẽ và thận trọng nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên không vì e ngại mà bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân”, nữ đại biểu lưu ý.

Bà cho rằng, cũng qua khảo sát tại các trại giam thì nhiều phạm nhân tâm sự, mới vào trại “tưởng cuộc đời đã đặt dấu chấm hết”, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ quản giáo phạm nhân đã quen dần với công việc lao động. “Có những phạm nhân mỗi ngày may được hơn 100 chiếc túi đựng hàng, có phạm nhân đan được nhiều bộ bàn ghế bằng mây, từ đó quên đi sự chán nản, tìm được niềm vui trong lao động, cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình…”, nữ đại biểu lấy ví dụ.

Toàn cảnh hội trường

ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) cơ bản đồng tình nhất trí với quy định của Điều 33 dự thảo luật bởi các lý do: Thứ nhất để đảm bảo quyền và nghĩa vụ lao động theo Hiến pháp, phù hợp với điều ước quốc tế về nhân quyền và các bộ luật liên quan; thứ hai thể hiện quan điểm đổi mới trong tổ chức cải tạo phạm nhân tại các trại giam; thứ ba bảo đảm tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng chi phí ngân sách, cải tạo nâng cấp cơ sở giam giữ phạm nhân, cải thiện đời sống phạm nhân, giúp phạm nhân hoà nhập và hướng thiện, cải tạo tốt, sớm về với gia đình…

Tuy nhiên bên cạnh đó ông cũng băn khoăn về tính khả thi và làm phát sinh nhiều bất ổn trong việc thực hiện quy định này. Tổ chức cho phạm nhân lao động là biện pháp giáo dục chứ không phải nhằm tạo ra cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, tình trạng phạm nhân vi phạm kỷ luật, mang vật cấm vào trại giam vẫn còn diễn biến phức tạp. “Vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa các vi phạm pháp luật là hết sức cần thiết, mà khi trại liên kết các doanh nghiệp tổ chức sản xuất thì khó đảm bảo vấn đề này…”, ông lo lắng.

Một số đại biểu như Lý Tiết Hạnh (Bình Định), Tô Văn Tám (Kon Tum), Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng bày tỏ băn khoăn về cơ sở pháp lý của việc đưa phạm nhân ra ngoài trại giam đã đầy đủ chưa, có phù hợp trong điều kiện thực tế… Một số đại biểu còn tranh luận cho rằng, việc cho phạm nhân ra ngoài trại giam lao động là vượt quá thẩm quyền, vượt quá quy định của Bộ luật hình sự…

Điều hành phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, đối với băn khoăn của các ĐBQH về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc đưa phạm nhân ra ngoài trại giam lao động thì cũng cần phải hiểu thêm, không phải đưa phạm nhân ra ngoài trại giam lao động là họ không phải thực hiện chế độ giam giữ nữa.

Phù hợp quy định của Bộ Chính trị về xã hội hoá công tác thi hành án

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, căn cứ pháp lý mấu chốt nhất của việc tổ chức cho phạm nhân ra lao động ngoài trại giam là quy định về điểm lao động, dạy nghề của phạm nhân ngoài trại giam. Tức là phạm vi, cơ sở lao động, dạy nghề chứ không phải ra ngoài xã hội lao động.

“Điểm này trong báo cáo chúng tôi đã nêu rõ, khi xây dựng luật đều có thống nhất giữa trại giam và chính quyền địa phương. Phạm vi hoạt động của các cơ sở lao động, dạy nghề ngoài khu vực trại giam này có thiết kế theo mẫu của các trại giam, nằm trong phạm vi quản lý của trại giam chứ không phải tổ chức trong xã hội như bình thường” – Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Theo đó, điểm lao động này có phân công cán bộ quản lý; phạm nhân lao động ở đây được lựa chọn với những điều kiện nhất định, có cơ chế quản lý như trong trại giam, biên chế thành các tổ, đội và vẫn thực hiện các chế độ như trong trại giam. Thực hiện các quy định về quản lý giam giữ như: Điểm danh, điểm diện, không đi lại, gặp gỡ tiếp xúc, thăm thân... “Thực chất của việc này là thực hiện ngoài trại giam nhưng vẫn trong phạm vi quản lý của trại giam” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, cũng đã có những quy định về tiêu chí, điều kiện về việc thành lập các khu sản xuất, các điểm lao động ngoài trại giam. Báo cáo của Ban soạn thảo cũng nêu rõ, việc này có sự giám sát, đồng tình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – cơ quan giám sát việc thi hành pháp luật.

Đồng thời, những quy định đó phù hợp với xu hướng xã hội hoá công việc thi hành án, được nêu trong Nghị quyết số 09, ngày 6-9-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã quan tâm, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, chỉnh sửa dự thảo luật để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, hoàn chỉnh và trình ra Quốc hội.



Quỳnh Vinh
.
.
.