Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Có cô giáo hành động không sư phạm, vô nhân tính
- Thông tin hãi hùng vụ hành hạ trẻ mầm non ở Đà Nẵng
- Bắt tạm giam 2 bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non
- (SỐC) Phẫn nộ, rớt nước mắt cảnh bảo mẫu hành hạ trẻ em ở Đà Nẵng
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về vụ hành hạ trẻ mầm non ở Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) sáng nay, 22-5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Trách nhiệm trước hết là ở địa phương vì cơ quan cấp giấy phép là xã phường, anh giám sát điều kiện của giáo viên không chuẩn. Khi xảy ra họ cũng chỉ đạo ngay, chính Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có ý kiến, cũng phải ghi nhận họ có trách nhiệm”.
Theo ông Nhạ, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có những chỉ đạo rất sát sao, trước hết rà soát công tác quản lý nhà nước, các tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động của cơ sở mầm non, đạo đức nhà giáo, có các kế hoạch thanh, kiểm tra…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp |
“Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong xã hội hoá, có đến 40% nhà trẻ là tư thục. Đây cũng là điểm tốt. Tuy nhiên bên cạnh vẫn còn tồn tại, mà nguyên nhân chủ yếu là điều kiện thành lập trường tư thục, chất lượng giáo viên chưa được tuyển chọn một cách kỹ lưỡng, dẫn đến có những cô có những phản ứng, hành động rất đáng phê phán, không sư phạm, vô nhân tính. Điều này mình cũng rất bức xúc, mà Bộ cũng đã có chỉ đạo, cơ sở này phải đình chỉ chứ không chỉ là xem xét”, ông Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định, Bộ đã ban hành chỉ thị của Bộ trưởng, triệu tập các Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo để rà soát các vấn đề “nóng” của ngành và có xử lý ngay, chứ không phải cứ đợi báo chí phát hiện mới triển khai. “Thực tế Bộ đã có chỉ đạo nhưng không thể bao quát hết được, ở đâu đó cũng có những nảy sinh. Quan trọng nảy sinh là phải xử lý ngay, có quan điểm dứt khoát” – Bộ trưởng thừa nhận.
Bàn về giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần phải nghiên cứu lại, cơ chế chính sách rất quan trọng nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện ở dưới cơ sở. Nhóm mầm non cấp tư thục do xã, phường cấp giấy phép, nên vấn đề thanh kiểm tra đối với Phòng Giáo dục phải rất sát sao, cần kiểm tra một cách thật sự về chất lượng.
Ông Nhạ cho biết, cũng có đề xuất lắp camera đối với tất cả cơ sở mầm non, đó cũng là một giải pháp nhưng giải pháp căn cơ cần bắt đầu từ các thầy cô giáo. Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể đối với các giáo viên mầm non.
Một mặt Bộ trưởng đề nghị phải quan tâm đến điều kiện, hoàn cảnh của các cô vì giáo dục mầm non rất vất vả, căng thẳng, một cô có thể phụ trách 30-40 cháu… “Ngoài ra cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chứ không chỉ khoán cho địa phương” – ông nhấn mạnh.