Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi vô điều kiện đất sân golf nếu có mệnh lệnh từ cấp trên

Thứ Hai, 12/06/2017, 13:43
Đó là thông tin được Thiếu tướng Lâm Quang Đại – Phó chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, đơn vị quản lý diện tích đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết bên lề Quốc hội sáng 12-6 khi nói về đề xuất thu hồi đất làm sân golf tại đây để mở rộng, nâng cấp sân bay đang quá tải.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, diện tích sân golf hiện tại, nếu thu hồi sẽ xây dựng được một đường băng ngắn và hạ tầng nhà ga quốc nội cho sân bay Tân Sơn Nhất. Ông cũng từng cho biết, Bộ Quốc phòng có thể thu hồi sân golf trong Tân Sơn Nhất bất cứ lúc nào? Vậy quan điểm của ông về việc này ra sao?

Ông Lâm Quang Đại: Tôi không phải là dân thiết kế, nên những vấn đề chi tiết đó tôi không nắm được. Vấn đề hiện tại thực ra là, Tân Sơn Nhất đã có 2 đường băng, giờ cái thiếu là đường lăn và sân đỗ.

Như tôi được biết, vừa qua, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã có thảo luận về vấn đề này. Từ đó, chúng tôi, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đã có bàn giao 21 ha đất quốc phòng ở phía Nam cho sân bay để tiếp tục mở rộng nhà ga và sân đỗ máy bay. Tới đây sẽ mở ra một hướng mới là mở rộng giao thông sân bay sang bên đường Cộng Hoà. Phần lấy từ diện tích đất quốc phòng  21 ha mà Bộ Quốc phòng đã thực hiện bàn giao trên thực tế này là để giải quyết bức xúc hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất. Phần đất này không liên quan gì đến chỗ sân golf, vì đây là khu đất ở phía Nam, trong khi khu sân golf là ở phía Bắc sân bay.

PV: 21 ha này sẽ làm được những gì để giải quyết vấn đề ùn tắc của Tân Sơn Nhất hiện nay?

Ông Lâm Quang Đại: Sẽ xây được sân đỗ mới, 1 nhà ga hàng không lưỡng dụng mới và 1 hệ thống đường giao thông đi ra đến đường Hoàng Hoa Thám -  theo tôi được biết là thế. Hiện phía Bộ Quốc phòng mới sơ bộ bàn giao đất cho Bộ GTVT.

PV: Nhưng những hạng mục công trình này được cho là không thể giúp giải quyết căn cơ vấn đề quá tải của Tân Sơn Nhất, khi sân bay sẽ lại sớm đầy tải chỉ trong thời gian ngắn. Phần đất do Bộ Quốc phòng quản lý ở phía Bắc sân bay thì thế nào, thưa ông?

Ông Lâm Quang Đại: Ở phía Bắc sân bay thì hiện còn có 11 đơn vị của quân đội đóng quân ở đó, gồm các đơn vị pháo của quân chủng phòng không - không quân, các đơn vị ra đa…

Thiếu tướng Lâm Quang Đại

PV: Hiện có quan điểm cho rằng, nếu lấy nốt cả 157 ha đất sân golf để nâng cấp, mở rộng, giải cứu cho Tân Sơn Nhất thì sẽ mang lại thay đổi đột phá cho sân bay. Ý kiến của ông về việc này thế nào, nếu thực hiện, việc này có làm ảnh hưởng gì đến hoạt động an ninh quốc phòng?

Ông Lâm Quang Đại: Thực ra, 157 ha này là đất dự phòng của Quốc phòng, để bảo vệ TP. Hồ Chí Minh và bản thân sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày trước, đây là khoảng đất trống. Như các bạn đã biết, tại phiên thảo luận tại tổ đầu kỳ họp, tôi cũng có trả lời một số kiến nghị của cử tri là hiện tại Bộ Quốc phòng nhất quán quan điểm chỉ sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi để phát triển kinh tế, lấy một nguồn kinh phí để củng cố quốc phòng, để xây dựng các doanh trại quân đội.

Còn quan điểm thứ 2, nếu có nhu cầu về quốc phòng, Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi vô điều kiện diện tích đất này khi có mệnh lệnh của cấp trên và liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng.

PV: Ý kiến của nhiều người cho rằng việc tổ chức 1 sân golf ở vị trí này không hợp lý, không đảm bảo an toàn vì sân nằm rất gần đường băng, sân bay?

Ông Lâm Quang Đại: Là đơn vị quản lý của quân chủng Phòng không - không quân quản lý tại đây, tôi biết rất rõ việc này. Thực ra, khu vực sân golf, trước khi sang đến phần diện tích của sân bay thì còn qua một vành đai, phần của các đơn vị quốc phòng đang đóng tại đó do quân chủng chúng tôi quản lý, như các đơn vị đại đội pháo phòng không bảo vệ sân bay chứ không phải liền kề với đường băng.

PV: Như ông nói, sân golf này thuộc đất dự phòng quốc phòng nhưng thực tế khi triển khai kinh doanh, nhà đầu tư thậm chí đã có kế hoạch làm và rao bán các hạng mục công trình như biệt thự, căn hộ cao cấp, trường học ở đây với thời hạn sử dụng đất tới 50 năm. Điều này có mâu thuẫn với nguyên lý là đất phục vụ quốc phòng?

Ông Lâm Quang Đại: Khi có mục đích quốc phòng phát sinh thì kể cả là đất được giao sử dụng làm gì, xây nhà, làm trường học, trong hạn 50 năm hay bao nhiêu đi nữa thì cũng phải thu hồi, vô điều kiện. Đó là quan điểm đã được nhất quán.

PV: Doanh thu từ sân golf hiện tại thế nào, thực tế có đóng góp được nhiều kinh phí để đầu tư lại cho các hoạt động quốc phòng như ông nói? Lợi ích mang lại từ việc này, nếu có, so với lợi ích cao hơn là lợi ích quốc gia, để “giải cứu” Tân Sơn Nhất thế nào? Đó là còn chưa tính tới những lo ngại sân golf hiện thu hút lượng khách hầu hết là người nước ngoài đến, không có lợi gì với hoạt động quốc phòng an ninh?

Ông Lâm Quang Đại: Thực ra sân golf này đã mở ra hướng ra bên ngoài, không liên quan đến các đơn vị quân đội trong sân bay. Ở đây có các hợp phần hợp tác giữa các đơn vị quốc phòng với phát triển kinh tế.

Còn doanh thu của sân golf thì tôi không nắm được. Tôi chỉ nói về những gì mình biết với tư cách một đơn vị quản lý đất sân bay. Còn để thực hiện sân golf này, tôi biết có tới 133 văn bản các cấp. Mình chỉ hiểu, đây là đất quốc phòng, còn để chuyển mục đích sử dụng đất thì cần có những quyết định cao hơn từ Bộ Quốc phòng.

PV: Có ý kiến cũng cho rằng, việc giao cho một đơn vị của Bộ Quốc phòng làm đơn vị tư vấn, xây dựng các phương án giải cứu Tân Sơn Nhất là không khách quan. Vậy nên phương án mở rộng sân bay về phía Bắc với phần đất lấy của sân golf được vẽ ra đầy khó khăn, bất khả thi. Ông ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Lâm Quang Đại: Tôi không có ý kiến về việc này.

PV: Liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, sau vụ việc ở xã Đồng Tâm liên quan đến đất tại sân bay Miếu Môn vừa qua, có ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ đất dùng cho mục đích quốc phòng và đất giao cho các đơn vị quốc phòng quản lý vì hiện có chuyện lẫn lộn giữa những khái niệm này khiến người dân không nhất trí?

Ông Lâm Quang Đại: Đất quốc phòng trước hết phải sử dụng cho mục đích quốc phòng. Như tôi đã nói, quan điểm của Bộ Quốc phòng, chỉ khai thác đất này vào mục đích kinh tế trong thời kỳ đất còn nhàn rỗi để có một nguồn kinh phí quay lại phục vụ hoạt động quốc phòng, củng cố các doanh trại quân đội. Sau nữa, đất có thể thu hồi bất cứ khi nào thời điểm nào, vô điều kiện khi có mục đích sử dụng quốc phòng, khi có lệnh của cấp trên nếu việc sử dụng đất đó ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng.

Còn đối với sân bay Tân Sơn Nhất, nếu có ý kiến cho là sân golf ảnh hưởng đến yêu cầu đảm bảo an toàn hàng không thì hai bên (Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng – PV) sẽ thảo luận, trao đổi và có ý kiến lên. Còn các vấn đề thu hồi hay không thì không phải là trách nhiệm của tôi.

PV: Xin cảm ơn ông!


Vũ Hân
.
.
.