APPF-26 “mở khóa” giải pháp để phát triển bền vững

Thứ Bảy, 20/01/2018, 12:31
Ứng phó với biến đổi khí hậu, nguồn lực phát triển bền vững, hợp tác văn hóa và du lịch là những chủ đề được đưa ra thảo luận tại Phiên toàn thể 3: "Hợp tác trong khu vực châu Á – TBD” diễn ra ngày 20-1 trong khuôn khổ Hội nghị APPF-26.

Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ không thể trì hoãn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mở đầu phiên toàn thể 3 của Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) bằng một vấn đề nóng, đó là không chỉ riêng ở Việt Nam, mà ở rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết; thiên tại thảm họa nhiều hơn. Ảnh hưởng của những tác nhân ấy không chỉ tại chỗ mà còn lan truyền không biên giới.

“Nỗ lực hạn chế các tác nhân có hại cũng như khắc phục hậu quả và phòng ngừa phải được thực hiện ở quy mô toàn cầu, đó là quyền lợi và trách nhiệu của mọi quốc gia, nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên toàn thể 3 về vấn đề hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đặt ra vấn đề rằng những nỗ lực ấy, đặc biệt là việc phát triển công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lương đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có những giải pháp huy động các nguồn tài chính, tăng cường đối tác công tư và rất cần vai trò của các chế định tài chính quốc tế.

Đứng trước bài toán lớn về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đại diện cho đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định vai trò của APPF trong hỗ trợ hoàn thành những hành động trong các Kế hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, APPF cần tăng cương xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia và giám sát việc thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Là một quốc gia chịu nhiều rủi ro về thiên tai, Philippines cho rằn, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ không thể trì hoãn, trong đó tinh thần tự cường của mỗi quốc gia là vô cùng cần thiết, nhưng sự dũng cảm đơn lẻ là chưa đủ. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần có “cái bắt tay” của quốc tế, mà ở đây chính là Nghị viện các nước thành viên APPF, những nhà lập pháp. Các đại biểu đến từ Canada, Campuchia và Fij đều có cùng chung quan điểm này, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, tăng cường đối thoại, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận và cam kết quốc tế trong đó có Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, song hành với giám sát việc thưc hiện những thoản thuận đó.

Đại diện Thượng viện Philippines tại phiên toàn thể 3.

Tổng thư ký IPU Martin Chungong lại cho rằng, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế là cội rễ để ứng phó với biến đổi khí hậu. IPU sẵn sàng tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác nghị viện trong khuôn khổ lớn hơn tại IPU, nhằm tăng cường thể chế và thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các nước trong ứng phó biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai và cùng chung tay vào thực hiện SDG.

Công nghệ mới là nền tảng để phát triển bền vững

Các đại biểu đều nhận định phát triển bền vững cần nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố nguồn lực khoa học-công nghệ. Đây là cơ sở để huy động các nguồn lực khác như tài nguyên thiên nhiên, trình độ tay nghề người lao động được nâng cao, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm khả năng tự chủ kinh tế trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Đại biểu đoàn New Zealand và Nhật Bản phán ảnh chung một quan điểm, đó là công nghệ mới, nhất là công nghệ tiết kiệm năng lượng và phát triển nguồn năng lượng sạch là yếu tố cần thiết để hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, các quốc gia cần tăng cường hơn các đối tác công tư để đảm bảo phát triển nguồn công nghệ sạch lâu dài mà không khiến người dân trở nên nghèo đói.

Toàn cảnh phiên toàn thể 3 về vấn đề hợp tác trong khu vực châu Á - TBD.

Đại diện đòan Canada và Malaysia lại coi con người mới là chìa khóa mấu chốt cho sự phát triển bền vững bởi chính con người sẽ có thể gây ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ môi trường. Canada ủng hộ vấn đề bình đẳng giới và coi việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em là một chủ đề quan trọng để phát triển bền vững. Hàn Quốc cũng đề xuất đẩy mạnh truyền thông những chương trình hành động nhằm nâng cao nhận thức người dân và đầu tư công nghệ mới để bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển. 

Liên quan đến việc tăng cường hợp tác văn hóa và du lịch, nghị sĩ Stephen Patrick John của đòan Australia đề xuất các Nghị viện cần xây dựng công cụ cụ thể để đào tạo kỹ năng phát triển du lịch cho người dân địa phương. Australia đề nghị đẩy mạnh hợp tác du lịch song phương, mở các đường bay thẳng, xây dựng các thể chế nhập cảnh và xin visa dễ dàng hơn nhằm tạo điều kiện cho việc thuu hút du lịch.

Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng ku vực Châu Á-TBD là một khu vực đa dạng và đa văn hóa với tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch. Do đó, đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á-TBD và của mỗi quốc gia, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.