APPF thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện

Thứ Sáu, 19/01/2018, 18:09
Phiên toàn thể 2 – Vấn đề kinh tế và thương mại của Hội nghị APPF-26 diễn ra chiều 19-1 đã chỉ rõ một thực tế: Mặc dù kinh tế và thương mại thế giới đã phục hồi, nhưng chưa chắc chắn và phát triển không đồng đều.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thế giới ngày nay đang biến chuyển sâu sắc trên nhiều phương diện dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0, của sự khác biệt trong quan điểm phát triển, toàn cầu hóa cũng như sức ép cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, các nghị viện thành viên APPF cần có những hành động thiết thực nhằm cải thiện kết nối, như những sáng kiến của APEC, ASEAN tập trung vào 3 trọng tâm: hạ tầng, con người và thể chế, mà trong đó Nghị viện đóng vai trò quan trọng là cơ quan lập pháp tại mỗi quốc gia.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên toàn thể về vấn đề kinh tế và thương mại. Ảnh: QH

Nhấn mạnh hơn sự kết nối của APEC và APPF, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói rằng, hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC cũng là thành APPF. Năm APEC 2017 thực sự đã góp phần tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng và hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và chắc chắn, APPF-26 sẽ kế thừa thành công của APEC, nâng cao uy tín của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

“APPF và APEC có thể bổ trợ lẫn nhau, làm sâu sắc thêm tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, ủng hộ hệ thống thương mại đa biên, an ninh lương thực, doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ và trao quyền cho phụ nữ”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Đặt việc thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện là một trong những vai trò quan trọng của Nghị viện, các đại biểu đã đề xuất nhiều sáng kiến nhằm củng cố vai trò của APPF, đáng chú ý là đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật về kinh tế, thương mại để phù hợp với thông lệ quốc tế của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển; hay đề xuất tham vấn công chúng trước khi xây dựng hiệp định kinh tế của ông Victor Oh, Nghị sỹ Canada; đề xuất thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư, loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan của Indonesia.

Toàn cảnh phiên toàn thể 2 của Hội nghị APPF-26 về vấn đề kinh tế và thương mại. Ảnh: QH

Thúc đẩy thương mại tự do và nâng cao năng lực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là hai nội dung được các Nghị sĩ đề cập như một giải pháp liên kết kinh tế. Bởi lẽ, “Thương mại tự do là con đường duy nhất dẫn đến tương lai bền vững hơn”, ông Jonathan Young, Nghị sĩ New Zealand khẳng định.

Về vấn đề an ninh lương thực, ông Chit Kimyeat, Thượng nghị sĩ Campuchia nhận định, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia có mối liên hệ mật thiết. Từ đó, Thượng nghị sĩ John Williams, Trưởng đoàn Canada chỉ ra rằng, một yếu tố quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững là tập trung vào sử dụng, phát triển hợp lý và bảo tồn tài nguyên đất.

Ông Panlop Taimisanon, Đại biểu Quốc hội Thái Lan lại đưa ra một giải pháp khác, đó là phải cải thiện hệ thống quản lý về an ninh lương thực một cách cụ thể hơn, đẩy mạnh công tác nâng cao nhận thức của người dân. Đại biểu Thái Lan cũng cho rằng những nghị sĩ, với tư cách là những người đại diện cho nhân dân, tăng cường trách nhiệm, đưa ra những quy định về luật pháp có hiệu quả hơn.

Bàn về doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, doanh nghiệp MSME là nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đồng thời là một nhân tố quan trọng trong các liên kết kinh tế song phương và đa phương. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là công nghệ số, các doanh nghiệp này là đối tượng dễ bị tổn thương do hạn chế về quy mô, năng lực tài chính và trình độ công nghệ.

Nghị sĩ Nurhayati Ali Assegaf cho rằng, các quốc gia APPF cần có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp MSME để nâng cao vai trò của các thành viên nền kinh tế, từ đó tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực, song song với việc phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế khu vực, thúc đẩy bình đẳng giới… 

 Trong khuôn khổ phiên họp, đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đề nghị Nghị viện các nước thành viên APPF tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các thành viên, đồng thời tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp MSME, thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.