Vấn đề hòa bình và an ninh khu vực làm nóng Diễn đàn APPF-26

Thứ Sáu, 19/01/2018, 13:06
Trong phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra ngày 19-1, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vai trò của ngoại giao nghị viện trong việc xử lý các thách thức về hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, cũng như về phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.

Trên cương vị nước chủ nhà, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhìn nhận năm vừa qua là một năm đầy thách thức đối với châu Á – Thái Bình Dương và toàn thế giới với các vấn đề về xung đột và căng thẳng, tranh chấp lãnh thổ và sự gia tăng hoạt động chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.

Đặt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, liên kết khu vực bị chậm lại, cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ mới dù đem lại hi vọng về tăng năng suất lao động nhưng nảy sinh nhiều quan ngại về hệ lụy của tiến trình chuyển đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định cần phải có những giải pháp ở cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và có sự phối hợp đa tầng nấc, trong đó có sự tham gia tích cực của những Nghị sĩ Quốc hội, người hoạch định chính sách, các nhà lập pháp của các quốc gia sau 25 năm hình thành và phát triển.

Toàn cảnh phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra ngày 19-1. 

Thúc đẩy đối thoại nghị viện

Nhất trí với giải pháp của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Ngài Saber Chowdhury, Nguyên chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới cho rằng những thách thức trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi APPF cần sáng tạo và chủ động hơn nữa, cần đưa ra một bộ công cụ để đánh giá việc tổ chức các hoạt động và chính sách có phù hợp với tôn chỉ của APPF hay không. Trong đó, ông cho rằng ngoại giao nghị viện là một khía cạnh quan trọng nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia.

Có cùng chung quan điểm này, Ngài Fahri Hamzah, Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia đánh giá chức năng chính và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của Nghị viện là thực hiện ngoại giao nghị viện. 

Nhiều đại biểu, trong đó có nghị sĩ Malaysia, Nhật Bản, Canada và Nga bày tỏ quan ngại về một số vấn đề an ninh trong khu vực châu Á-TBD, đặc biệt là vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên và cuộc khủng hoảng tại Myanmar. Các đại biểu cho rằng Nghị viện cần và có thể giải quyết những mối lo ngại này từ gốc rễ nếu như cùng hợp tác chắc chẽ.

Các đại biểu dự phiên họp đều nhất trí rằng, thúc đẩy ngoại giao nghị viện là một giải pháp quan trọng để có thể đạt được hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, và APPF cần tiên phong trong việc củng cố hệ thống đa phương dựa trên những nguyên tắc chung và luật pháp quốc tế.

Nâng cao vai trò nghị sĩ trong chống tội phạm

9 vị đại biểu đại diện cho các nghị viện thành viên đã có bài phát biểu nhằm đánh giá lại tình hình hiện nay, nhất là nỗ lực chung chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.

Theo đó, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực và trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Vì là cầu nối giữa người dân và chính quyền nên các nghị sĩ có thể góp phần đẩy lùi tội phạm, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố thông qua nâng cao chất lượng luật, giám sát thực thi các chính sách bảo đảm đối xử bình đẳng giữa mọi người dân, nêu cao tinh thần đối thoại, hợp tác cũng như nguyên tắc pháp quyền và các cam kết quốc tế có liên quan.

Đại diện đoàn Nhật Bản Ratu Inoke Kubuabola nhận định vấn đề khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia có thể được giải quyết thông qua việc giải quyết sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp. Theo ông, giáo dục và tạo ra việc làm sẽ là cách giảm thiểu những nguy cơ tội phạm, và nói xa hơn là khủng bố.

Nghị sĩ Alejandro Juraidini Villasenor của Hạ việnMexico lại nhìn nhận rằng, việc thúc đẩy các cơ chế đảm bảo khả năng quản trị của hệ thống quốc tế, nỗ lực hợp tác với quốc tế là vô cùng cần thiết để bảo vệ chính quốc gia mình trước những nguy cơ khủng bố.

Các đại biểu cũng đồng ý cần tối đa hóa hiệu quả hoạt động của các cơ chế đấu tranh phòng chống chủ nghĩa tội phạm xuyên quốc gia hiện có, đẩy mạnh hợp tác việc xây dựng và thực thi pháp luật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về đấu tranh phòng chống tội phạm và chống khủng bố. 

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.