Trung Quốc hối thúc Mỹ, Triều Tiên nối lại kênh đối thoại

Thứ Hai, 11/12/2017, 08:04
Hồi cuối tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu lạc quan, các bên vẫn bày tỏ quan điểm cứng rắn, đối đầu. Tuy nhiên, hi vọng hòa bình vẫn chưa tắt, triển vọng đàm phán là vẫn còn.

Cùng chia sẻ quan điểm này, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Liên hợp quốc (LHQ) Jeffrey Feltman đã bày tỏ thiện chí mong muốn thực hiện mọi nỗ lực xoa dịu tình hình theo Hiến chương của LHQ, dựa trên nền hòa bình và an ninh quốc tế. Nga cũng có quan điểm tương tự.

Cả Nga và Trung Quốc đều nhấn mạnh rằng, lựa chọn quân sự là điều không thể chấp nhận được. Thay vào đó, Mỹ và CHDCND Triều Tiên cần giải quyết vấn đề của họ thông qua đối thoại và thảo luận. Bắc Kinh hiện đang nỗ lực để giúp Washington và Bình Nhưỡng giải quyết khác biệt thông qua đối thoại, đồng thời hoan nghênh các bên khác, trong đó có Nga, nỗ lực để đưa vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên quay lại bàn đàm phán và tham vấn trong thời gian sớm nhất.

Nga cũng đã phát đi thông điệp tới Mỹ rằng, CHDCND Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành đối thoại trực tiếp với Washington. Tuy nhiên, sẽ khó tổ chức các cuộc đối thoại về vấn đề Triều Tiên nếu Mỹ - Hàn Quốc vẫn tiếp tục các cuộc tập trận. Moscow cũng khẳng định nước này có nhiều kênh liên lạc với Bình Nhưỡng và sẵn sàng gây ảnh hưởng đối với CHDCND Triều Tiên.

Vụ phóng tên lửa Hwasong-15 của CHDCND Triều Tiên.

Có thể nói, Trung Quốc và Nga là hai “yếu tố” không thể thiếu để kiềm chế CHDCND Triều Tiên. Mỹ nên xem xét liệu Nga có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc tháo ngòi nổ những tham vọng hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên hay không.

Bên cạnh Nga, bất kỳ hành động nào của Mỹ chống lại Bình Nhưỡng đều có khả năng sẽ không hiệu quả nếu không có sự hợp tác trọn vẹn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần chủ động tập trung thúc đẩy giảm căng thẳng, chứ không thể trông đợi Nga hay Trung Quốc can dự ngoại giao trực tiếp với Bình Nhưỡng thay cho Washington.

Thực tế đã chứng minh, cả Nga và Trung Quốc đều cam kết một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Cả hai đều là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, với thẩm quyền quyết định chính sách trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Cả hai đều tham gia Đàm phán 6 bên (2003 - 2009), một diễn đàn để thảo luận các tác động an ninh của chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Về Trung Quốc, ngược về quá khứ, sau hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên năm 1951, Bắc Kinh đã cung cấp các nguồn lực và sự trợ giúp để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết của CHDCND Triều Tiên. Sự giúp đỡ này đã củng cố vai trò của Trung Quốc như một người bạn và đối tác gần gũi của CHDCND Triều Tiên.

Sau đó, Hiệp ước hợp tác hữu nghị và tương trợ lẫn nhau Trung – Triều năm 1961, 1981 và 2001 đem lại cơ sở pháp lý cho cam kết của Trung Quốc hỗ trợ CHDCND Triều Tiên ít nhất là cho tới năm 2021. Cam kết của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng do đó đã được luật hóa và dựa trên nền tảng lịch sử, khiến Trung Quốc khó có thể thay đổi chiến lược liên quan đến CHDCND Triều Tiên.

Trong 2 năm qua, CHDCND Triều Tiên đã gia tăng số vụ thử hạt nhân mỗi năm của nước này và lễ duyệt binh của CHDCND Triều Tiên 2017 đã phô diễn các container lớn chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Để phản ứng trước những sự kích động này, Mỹ đã nâng cao tư thế răn đe của mình bằng việc triển khai khẩu đội pháo của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và tái khẳng định các cam kết quân sự của nước này với các liên minh trong khu vực, khiến Trung Quốc ngày càng không chắc chắn và mất lòng tin vào Mỹ. 

Tuy vậy, sự ổn định khu vực vẫn là một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và các nhà lãnh đạo nước này đã nhiều lần bày tỏ mong muốn của họ về một Bán đảo Triều Tiên ổn định và hòa bình.

Do đó, có một số thảo luận xoay quanh quan điểm cho rằng, sự khoan thứ của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên có thể đang bắt đầu suy giảm khi Bắc Kinh có cách tiếp cận theo đường lối cứng rắn hơn đối với những vụ thử hạt nhân và việc phát triển ICBM của Bình Nhưỡng.

Giống như Trung Quốc, Nga là một bên tham gia quan trọng mang tính sống còn ở Đông Bắc Á, với một lợi ích địa chính trị lớn trong sự ổn định và hòa bình của khu vực này. Chính vì thế, đã từ lâu, người ta trông đợi Nga tiến triển lên một vai trò nổi bật hơn trong các vấn đề Triều Tiên, và có thể bổ sung sức nặng nào đó vào các lập trường đàm phán của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Đặc biệt là sau khi các chính sách hiện nay của Mỹ, như các lệnh trừng phạt kinh tế, đã không đạt được thay đổi cách hành xử của CHDCND Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, Nga ở vị thế có thể đóng vai trò mang tính xây dựng giúp giảm căng thẳng có nguy cơ dẫn tới chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên do có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Tầm ảnh hưởng của Nga được gia tăng nhờ liên kết kinh tế và các liên kết khác với CHDCND Triều Tiên. Giao thông vận tải là một khía cạnh đặc biệt quan trọng ở đây.

Sự hợp tác của Nga là thiết yếu, có phần mạnh hơn Trung Quốc, đối với khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài của CHDCND Triều Tiên, với hai liên kết đường sắt giữa Vladivostok - Bình Nhưỡng, và một dịch vụ phà gần đây đã được lắp đặt từ Vladivostok tới Rajin.

Nói tóm lại, Nga là một bên tham gia thực sự quan tâm đến các vấn đề của CHDCND Triều Tiên và có thể giúp đem lại một khuôn khổ và đường lối chỉ đạo chung để tiến triển với Bình Nhưỡng, thậm chí là tiến hành các cuộc đàm phán độc lập (dù mang tính thăm dò) với ban lãnh đạo nước này.

Tựu trung lại, mặc dù Nga và Trung Quốc có các lợi ích đang gặp nguy hiểm có phần khác nhau trên Bán đảo Triều Tiên, họ có thể có khả năng nhất trí về một bộ nguyên tắc chung và một chiến lược chung để xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Khổng Hà
.
.
.