Những người phụ nữ Nigeria học cách tự bảo vệ bản thân

Thứ Sáu, 31/01/2020, 18:35
Bằng việc tham gia các lớp học boxing, những người phụ nữ Nigeria tự tin sẽ bảo vệ được bản thân khỏi những hành vi tấn công tình dục, hiện đang là vấn nạn tại quốc gia Tây Phi này.

Sống trong một đất nước với tỷ lệ tấn công tình dục cao nhất thế giới, cùng những yếu kém trong thực thi pháp luật, đồng thời chịu sự cấm đoán bởi những phong tục của các bộ lạc khiến phụ nữ Nigeria luôn phải im lặng chịu cảnh bạo lực giới. Thế nhưng giờ đây, nhiều người trong số họ đã "phá vỡ" truyền thống bằng việc tham gia các lớp học để học cách tự bảo vệ bản thân.

Tại Nigeria, một nhóm nhân quyền đã bắt tay cùng các huấn luyện viên boxing mở lớp đào tạo miễn phí cho những người phụ nữ có nhu cầu muốn học cách đối phó với những tên yêu râu xanh.

Những người phụ nữ chăm chú lắng nghe hướng dẫn của huấn luyện viên trong một lớp học boxing tại Nigeria. (Ảnh: Reuters)

Adeola Olamide, học viên mới của lớp học cho biết cô đã cảm thấy vô cùng sợ hãi và nhục nhã khi lần đầu tiên bị tấn công tình dục. Khi những hành động "kinh tởm" ấy trở nên thường xuyên hơn, bà mẹ 35 tuổi với vóc dáng mảnh khảnh này đã quyết định đăng kí tham gia lớp học, để học các kỹ thuật cần thiết giúp đối phó với những người đàn ông to lớn và khỏe mạnh hơn.

"Đối với chúng tôi, việc một người phụ nữ Nigeria học cách tự bảo vệ mình giống như là 'một cuộc cách mạng', Olamide nói, đồng thời cho biết bản thân đã từng bị đánh đập và hành hạ nhiều lần trong các cuộc tấn công tình dục.

"Bạn sẽ không có tiếng nói nếu bạn là một người phụ nữ tại Nigeria, các bộ tộc coi điều này là hiển nhiên", Olamide tâm sự, trước khi bước vào lớp học đầu tiên của mình.

Các huấn luyện viên đã dạy Olamide và khoảng 20 học viên khác các kỹ thuật chặn, đánh và thoát cơ bản trong bài học kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. Được biết, lớp học được tổ chức định kỳ hàng tháng và miễn phí cho bất kì ai muốn theo học.

Truyền thông Nigeria tràn ngập những câu chuyện kinh hoàng về phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc và buôn bán làm nô lệ tình dục. Đỉnh điểm có thể kể đến vụ bắt cóc 276 nữ sinh do nhóm chiến binh Hồi giáo Boko Haram thực hiện hồi năm 2014 đã gây ra một sự phẫn nộ vô cùng lớn trên phạm vi toàn cầu.

Olamide cho biết bản thân cảm thấy tự tin hơn rất nhiều sau khi học được các kỹ năng tự vệ. (Ảnh: Reuters)

Thế nhưng giờ đây các vụ việc tương tự lại tiếp tục diễn ra và các quan chức Nigeria lại tỏ ra "thờ ơ" với vấn nạn này.

Anietie Ewang, nhà nghiên cứu người Nigeria của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết việc thực thi pháp luật là không thỏa đáng. "Sự yếu kém trong thực thi pháp luật kết hợp với những nhận thức tiêu cực khiến cho sự bất công đối với phụ nữ gia tăng tới đỉnh điểm", Anietie Ewang nhận định.

Huấn luyện viên Rehia cho biết các lớp học chỉ đang ở giai đoạn non trẻ, nhưng sẽ giúp chống lại một vấn đề hiện đang rất đáng lo ngại ở Nigeria. Dữ liệu quốc gia chính thức về bạo lực đối với phụ nữ chưa có, nhưng một quan chức của Bộ Phụ nữ Nigeria cho biết chính phủ nước này hiện đang nỗ lực mạnh mẽ để chống lại vấn nạn này.

Sau buổi học boxing đầu tiên, sự tự tin của Olamide đã tăng lên đáng kể.

"Thật tuyệt vời khi cùng những người phụ nữ khác làm điều này, việc này tốt hơn nhiều so với việc cứ ngồi một chỗ và kể những câu chuyện đau khổ về cuộc đời mình, chúng tôi phải đòi lại phẩm giá của mình", Olamide nói với những giọt mồ hôi ướt đẫm sau bài tập.

Nigeria là quốc gia nguy hiểm thứ chín trên thế giới đối với phụ nữ, theo báo cáo năm 2018 từ Thomson Reuters Foundation. Quốc gia nguy hiểm nhất là Ấn Độ.

"Tôi chưa bao giờ nghe nói về một hội thảo tự vệ của phụ nữ ở Nigeria. Nó chưa được thực hiện. Nhưng phong trào #Me Too mà chúng ta thấy trên khắp thế giới trong thời gian vừa qua đã thúc đẩy mọi người về việc hành động để ngăn chặn bạo lực", ông Tope Imasekha, người đứng đầu nhóm nhân quyền cho biết.

Bùng nổ mạnh mẽ vào năm 2017, phong trào #Me Too đã nhận được làn sóng ủng hộ rất lớn trên toàn thế giới khi giúp cho những nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục có thể mạnh dạn lên tiếng chống lại cái xấu mà không phải chịu sự chỉ trích, dè bỉu từ những người vô can và dư luận xã hội.

"Theo truyền thống, chúng tôi tin rằng mình cần được bảo vệ bởi những người đàn ông: cha, chồng và anh em của chúng tôi. Nhưng với nhiều phụ nữ làm việc và đi lại một cách độc lập, chúng tôi cần phải tự bảo vệ mình", Motunrayo Naiwo, 39 tuổi, một học viên khác trong lớp boxing chia sẻ.

Naiwo cho biết cô đã bị sờ soạng khi đi trên đường phố Lagos và nhìn thấy những người phụ nữ khác bị gạ gẫm bởi những gã yêu râu xanh. "Giờ đây, với những gì được huấn luyện, thậm chí tôi có thể giúp đỡ những người phụ nữ khác nếu họ gặp rắc rối", Naiwo tự tin nói. 

Cao Trung (Theo Reuters)
.
.
.