Cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc xây đường băng thứ 3 ở Biển Đông
- Vấn đề Biển Đông không thể bị nhấn chìm
- ASEAN nhất trí tăng cường đoàn kết và trách nhiệm trong vấn đề biển Đông
- Washington giữ thái độ cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông
- Thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi Mỹ phớt lờ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong phiên giải trình của Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 17/9, Thượng nghị sĩ John McCain đã kêu gọi chính quyền Washington phớt lờ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và sớm có những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn việc xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đồng thời, ông John McCain còn yêu cầu Lầu Năm Góc điều tàu hải quân vào khu vực 12 hải lý ở các đảo nhân tạo này để khẳng định việc Mỹ không công nhận chủ quyền phi lý mà Trung Quốc cố tình áp đặt ở Biển Đông. Ông John McCain nói: “Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta chấp thuận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo mà nước này đang cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Tôi cho rằng, quân đội Mỹ cần phải thực thi quyền tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông và ngay tại các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo phi pháp”.
Kể lại câu chuyện Trung Quốc từng điều tàu hải quân của mình đến khu vực 12 hải lý gần đảo Aleutian Islands ngay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến đi đến Alaska, Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh, Mỹ cần phải làm điều tương tự để khẳng định quyền tự do hàng hải của mình. Còn Thượng nghị sĩ Dan Sullivan thì cho rằng, việc cải tạo một bãi đá thành một đường băng sẽ không tạo ra chủ quyền cho bất kỳ quốc gia nào để họ áp đặt các giới hạn về giao thông đường không và đường biển qua đó. Ông Dan Sullivan nói: “Tôi khẳng định rằng, Biển Đông không thuộc về riêng Trung Quốc giống như vịnh Mexico không thuộc về riêng Mexico”.
Trong phiên giải trình của Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ hôm 17/9, các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi chính quyền Washington sớm có những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn việc xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ảnh: AP. |
Một số nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ thì cho hay, sau khi Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (CSIS) thông báo về việc Trung Quốc xây dựng đường băng thứ 3 ở bãi đá Vành Khăn thuộc Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tính đến việc đưa máy bay, tàu thủy hoạt động ra khu vực này. Tuy nhiên, theo như Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Với quan điểm cá nhân, Đô đốc Harry Harris bày tỏ sự ủng hộ đối với biện pháp này và nhấn mạnh rằng, Mỹ nên thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách tuần tra gần các đảo nhân tạo. Đô đốc Harry Harris còn nhận định, việc Bắc Kinh xây dựng 3 đường băng trên các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và quân sự hóa ở Biển Đông là “mối lo ngại quân sự lớn" và "đe dọa tất cả quốc gia trong khu vực.
Và khuyến cáo của các nhà phân tích
Trả lời báo giới, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho hay, những hành động đơn phương cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông rất đáng lo ngại. Hiện tại, Bắc Kinh vẫn chưa lắp đặt vũ khí ở các đảo nhân tạo nhưng không ai có thể đảm bảo điều đó không xảy ra. Dẫn chứng báo cáo của Lầu Năm Góc được đưa ra hồi đầu tháng 5, ông David Shear cũng bày tỏ quan điểm rằng, rất có thể 3 đường băng ở các đảo nhân tạo trên Biên Đông là nhằm giúp Bắc Kinh mở rộng tầm hoạt động của các máy bay do thám Y-9 và trực thăng Ka-28 được trang bị thiết bị để theo dõi tàu ngầm.
Chuyên gia an ninh Zhang Baohui đến từ Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong) cũng nhận định rằng, việc xây dựng đường băng thứ 3 trái phép trên Biển Đông không nằm ngoài mục đích lấp đầy khoảng trống phòng thủ, chống tàu ngầm đối thủ trong và ngoài tuyến hàng hải chiến lược. Một điểm đáng lo ngại nữa là theo tờ The Guardian của Anh, song song với việc xây dựng đảo nhân tạo, cải tạo các bãi đá ngầm, Trung Quốc đã tàn phá san hô ở Biển Đông, gây nguy hại cho các hệ sinh thái biển vốn mang tính thiết yếu trong việc duy trì trữ lượng thủy sản và tính đa dạng sinh học.
Dẫn chứng những hình ảnh chụp từ vệ tinh do CSIS cung cấp, tờ báo này khẳng định, hành động này có thể tác hại xấu đến môi trường bởi đây là những rạn san hô có tính đa dạng sinh thái nhiều nhất trên thế giới. Đến nay, hơn 20 đảo đá ở Trường Sa có dấu hiệu tổn hại sinh thái nghiêm trọng. Tình trạng này sẽ gây tác hại cho ngành ngư nghiệp ở khu vực các đảo đó, cũng như toàn bộ Biển Đông nói chung.