Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc:

Washington giữ thái độ cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông

Thứ Bảy, 19/09/2015, 09:10
Nhằm tránh phủ bóng đen lên chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, diễn ra vào ngày 25/9, một quan chức Mỹ cho biết Washington chưa có ý định áp đặt lệnh trừng phạt Bắc Kinh liên quan tới các cuộc tấn công mạng kinh tế. Tuy vậy, Mỹ vẫn giữ nguyên thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông khi tuyên bố Bắc Kinh đang đứng ngoài các luật lệ quốc tế bằng việc quân sự hóa các bãi đá và đảo san hô tranh chấp ở khu vực này.

Tại cuộc gặp với giới doanh nghiệp tại Washington hôm 16/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã để ngỏ khả năng Washington có những hành động đáp trả mạnh mẽ đối với Bắc Kinh liên quan tới các cuộc tấn công mạng. Mỹ đang chuẩn bị một số biện pháp để phía Trung Quốc hiểu rằng, đây không chỉ là vấn đề khiến Mỹ không hài lòng, mà nó còn là vấn đề gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương nếu không được giải quyết.

“Những hành động này sẽ khiến họ không thể phớt lờ”, Tổng thống Obama cho biết. Washington hiểu rõ chức năng thu thập thông tin tình báo truyền thống mà tất cả các nước, trong đó có cả Mỹ, thực hiện, nhưng “Mỹ sẽ làm mọi điều có thể để ngăn chặn việc các vụ tấn công mạng và sử dụng các vụ tấn công này nhằm ăn cắp các bí mật thương mại”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Tổng thống Obama cũng bày tỏ mong muốn thiết lập một khuôn khổ quốc tế cơ bản về an ninh mạng đối với các chính phủ, tương tự những thỏa thuận hạt nhân toàn cầu hiện hành, mặc dù một thỏa thuận như vậy chắc chắn sẽ phải trải qua quá trình đàm phán khó khăn kéo dài nhiều năm. Nhấn mạnh an ninh mạng đã trở thành một điểm bất đồng trong quan hệ Mỹ - Trung, ông Obama cho biết vấn đề này sẽ là trọng tâm chính trong cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, chỉ trích Trung Quốc vì các dự án cải tạo, bồi đắp của Bắc Kinh ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền ở khu vực này lập tức chấm dứt các hoạt động tôn tạo, bồi đắp.

Hình ảnh của CSIS cho thấy Trung Quốc đang xây dựng phi pháp đường băng thứ ba tại Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố: “Bằng các hành động ở Biển Đông, Trung Quốc đang bước chệch khỏi mọi luật lệ lẫn quy tắc quốc tế đã giúp duy trì an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như đã duy trì sự đồng thuận trong khu vực, trước nay vẫn ưa chuộng các giải pháp ngoại giao và chống lại sự cưỡng ép”.

Bộ trưởng Carter đồng thời cho biết, Mỹ quan ngại sâu sắc trước tiến độ cải tạo đất hiện nay cũng như viễn cảnh đẩy mạnh quân sự hóa, đồng thời cảnh báo những hoạt động này có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai hay xung đột giữa các nước đòi chủ quyền. Cách đây khoảng một tuần, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) công bố một số hình ảnh vệ tinh chụp hôm 8/9, được xem là những bằng chứng lật tẩy lời dối trá của Bắc Kinh rằng “đã ngừng khai hoang đất ở Biển Đông”.

Những hình ảnh của CSIS cho thấy Trung Quốc vẫn đang tiếp tục có những hành động nạo vét, xây dựng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, có thể dễ dàng nhìn thấy các tàu hút bùn tại Đá Subi (Subi Reef) đang bơm cát xây dựng hải cảng, và hai đường băng đang được hình thành để có thể đón bất cứ máy bay hiện đại nào.

Trong khi đó, tại Đá Vành Khăn, một cảng đã được mở rộng cho phép tàu lớn ra vào dễ dàng, đủ khả năng trở thành căn cứ hải quân. Bên cạnh đó là một đường băng thứ ba cũng đang được xây dựng phi pháp. Bất bình trước việc Trung Quốc đã nuốt lời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington sẽ luôn theo đuổi chính sách đảm bảo tự do hàng không và hàng hải trong khu vực: “Sẽ không có bất kỳ một nhầm lẫn nào: Mỹ sẽ bay, đi tàu/thuyền và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép theo cách mà các lực lượng Mỹ vẫn đang làm khắp thế giới. Suy cho cùng, biến một dải đá ngầm thành một đường băng không đồng nghĩa với có chủ quyền hoặc được phép giới hạn hàng không và hàng hải quốc tế”.

Còn về phía CSIS, chuyên gia Bonnie Glaser nhấn mạnh: “Trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ, Bắc Kinh dường như muốn gửi một thông điệp tới Tổng thống Obama rằng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ ý đồ khẳng định chủ quyền, thúc đẩy lợi ích ở những vùng biển tranh chấp trên Biển Đông bất chấp phản đối từ Mỹ”.

Ý đồ mở rộng phạm vi quân sự của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và tàn phá nhanh chóng các rạn san hô trên Biển Đông. Giám đốc phụ trách chuyên ngành Sinh vật học hải dương và nghề cá thuộc Đại học Miami - Giáo sư John McManus chỉ ra rằng, những việc làm trên của Trung Quốc là hành vi ngây nguy hiểm cho hệ sinh thái của các rạn san hô đa dạng nhất thế giới có tại Biển Đông, nơi vốn là chìa khóa để duy trì nguồn cá trên thế giới và đa dạng sinh học.

Thế mà, các hoạt động hủy diệt này lại đang diễn ra với quy mô “khổng lồ và nhanh chóng”, hàng ngàn hecta rạn san hô nguyên sơ đã bị mất đi vĩnh viễn trong những năm gần đây với tần suất nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Theo Giáo sư McManus, mức độ khai hoang của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là đáng báo động về sự hủy diệt, rất đáng lo ngại. Giáo sư Terry Hughes – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cấp cao về các rạn san hô thuộc Đại học James Cook (Australia) – cũng có nhận xét như vậy.

Việc xây dựng đảo nhân tạo trên rìa các rạn cạn được phủ kín bằng trầm tích và biến vùng nước sạch thành bùn sẽ gây ra những thiệt hại về môi trường rất lớn, với quy mô chưa từng có. Các rạn san hô ở Biển Đông vốn đang ngày càng bị đe dọa bởi hoạt động đánh bắt quá mức, biến đổi khí hậu và giờ lại phải đấu tranh với những tác động từ tiền đồn quân sự mới của Trung Quốc. 

Khổng Hà
.
.
.