Khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 và các hội nghị liên quan tại Malaysia:

ASEAN nhất trí tăng cường đoàn kết và trách nhiệm trong vấn đề biển Đông

Thứ Tư, 05/08/2015, 09:15
“ASEAN cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình và hợp tác”, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đã nhấn mạnh điều này ngay trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (AMM-48) và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia sáng 4/8.

Là dịp để đánh giá, tổng kết công tác chuẩn bị việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm, làm cơ sở để các lãnh đạo ASEAN quyết định về vấn đề này tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới, AMM-48 đã thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Chủ tịch của AMM-48 Anifah Aman đã đánh giá cao sự hợp tác của các nước ASEAN trong quá trình xây dựng các chương trình nghị sự cho Hội nghị, đồng thời bày tỏ quyết tâm của ASEAN trong việc thực hiện các mục tiêu mà khu vực đã đề ra: đó là xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất trên cơ sở các nguyên tắc và giá trị cơ bản của toàn khu vực.

Bộ trưởng Anifah Aman cũng nhấn mạnh, dấu mốc quan trọng của ASEAN trong tiến trình đến một cộng đồng chung đang ở gần phía trước. Dấu mốc này có một ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển 48 năm của ASEAN, là những thành tựu mà ASEAN đã nỗ lực đoàn kết tạo nên. Những cơ hội mà Cộng đồng ASEAN mang lại là rất lớn.

Trong năm chủ tịch ASEAN 2015, Malaysia cũng lấy người dân ASEAN là vấn đề trung tâm, chìa khoá phát triển của ASEAN, trong đó hướng tới các giá trị nhân văn của con người, của mọi tầng lớp xã hội. Thông điệp đó đã xuyên suốt trong năm nay và sẽ trở thành giá trị của Cộng đồng ASEAN, có ảnh hưởng đến từng quốc gia, từng doanh nghiệp, từng người dân.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nắm tay nhau chụp ảnh lưu niệm thể hiện sự đoàn kết. Ảnh: Reuters.

Riêng về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia khẳng định, ASEAN cần và phải đóng vai trò quan trọng trong việc tác động lên vấn đề này, giúp các quốc gia giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Ông Anifah Aman nói: “Trên tất cả, chúng ta cần phải giải quyết các vấn đề này một cách hòa bình và hợp tác. Chúng ta đã có một khởi đầu tích cực, song cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Ngay sau đó, tại phiên họp kín, Bộ trưởng Ngoại giao các nước cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông và cho rằng những hành động này đã làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện kiềm chế; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Các Bộ trưởng cũng nhất trí cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông như đề xuất của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia.

Dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham gia tích cực và đóng góp quan trọng cho các nội dung thảo luận tại các phiên họp. Trong các phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Cộng đồng ASEAN ra đời là một sự chuyển biến có tính chất chiến lược, phản ánh nhu cầu cấp thiết của việc nâng liên kết ASEAN và khu vực lên mức cao hơn nhằm phục vụ mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và vì lợi ích người dân khu vực.

Về tình hình biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây ở biển Đông; đề nghị ASEAN cần phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm, tăng cường đoàn kết và vai trò chủ đạo của Hiệp hội, thúc đẩy các bên tuân thủ các nguyên tắc chung đã được nhất trí, nhất là các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế như UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là Điều 5 và đi vào thảo luận thực chất để sớm đạt được COC có hiệu quả…

Trong khi đó, Mỹ, Philippines và một số quốc gia khác thì khẳng định, trong những ngày tiếp theo, tại Hội nghị AMM-48, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 16, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối tác (PMC+1), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á lần thứ 5 (EAS FMM) và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 22 (ARF-22), vấn đề biển Đông sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận kỹ hơn với thông tin mới về những hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, xây dựng đường băng của Trung Quốc tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa nằm trong chủ quyền của Việt Nam.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thì cho biết nước này sẽ ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ nhằm tạm ngừng các hoạt động xây dựng tại các khu vực tranh chấp trên biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc kiên quyết cho rằng không nên đưa vấn đề này ra thảo luận tại hội nghị sắp tới ở Malaysia...

Báo chí Chile ủng hộ lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông

Các nhà báo Chile đã khẳng định như vậy tại cuộc gặp mặt hữu nghị nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam hôm 3/4 do Đại sứ quán Việt Nam tại Chile phối hợp với Viện Văn hóa Chile-Việt Nam tổ chức. Đồng thời, các nhà báo cũng bày tỏ lo ngại trong trường hợp xảy ra xung đột sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ thương mại của Chile đối với Đông Nam Á và đường vận tải hàng hóa quốc tế qua vùng biển này.

Bà Patricia Abarzua, Chủ tịch Viện Văn hóa Chile-Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh những tranh chấp chủ quyền hiện nay tại biển Đông cũng như những ảnh hưởng của vấn đề này đối với khu vực Mỹ Latinh nói chung và Chile nói riêng. Sau khi trả lời câu hỏi của các nhà báo, Đại sứ Việt Nam tại Chile Ngô Đức Thắng đã một lần nữa khẳng định lập trường của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam là giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, giữ nguyên trạng và không thực hiện các hành động làm gia tăng căng thẳng tại khu vực và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại biển Đông (COC).

Huyền Chi
.
.
.