Độc đáo quần thể thông đỏ nghìn năm tuổi

Thứ Sáu, 15/04/2016, 09:25
Nam Tây Nguyên, khu vực núi Voi, thuộc huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có một quần thể thông đỏ đặc biệt quý hiếm. Cây lớn được ghi nhận khoảng 2.500 năm tuổi, đường kính gốc lên tới gần 3m, cao hơn 30m, thế nhưng đây vẫn chưa phải là cây “soái chủ” ở quần thể thông đỏ này.

 

Chiếc xe gắn máy không còn đủ sức để lên cao hơn nữa, “người rừng” KTen giơ tay ra hiệu cho xe tấp vào vách núi. Chúng tôi bắt đầu hành trình thám hiểm quần thể thông đỏ cổ thụ quý hiếm có một không hai dưới cái nắng gay gắt của Nam Tây Nguyên trong mùa đại hạn. 

KTen có thân hình nhỏ thó, người nhễ nhại mồ hôi để lộ ra cơ bắp chắc nịch, đôi mắt sáng quắc lanh lợi của người sống lâu năm ăn nằm với núi rừng. Ông thoăn thoắt băng núi như một con sóc khác hẳn với cử chỉ thông thường của tuổi 60. 

KTen tự tin giới thiệu, cả buôn trên xóm dưới, không ai thông thạo núi Voi bằng ông. Từ năm 17 tuổi, lúc bấy giờ ông thuộc số rất ít người Kho sớm giác ngộ cách mạng, đi theo Đảng, nằm vùng, hoạt động tại khu vực núi Voi. KTen cũng đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh tiêu diệt bọn phản động Fulro hoạt động trong vùng rừng núi này.

Ông KTen bên những cây thông cổ thụ nghìn năm tuổi ở núi Voi.

Quá rành về núi Voi, ông KTen nói có thể dẫn chúng tôi đến từng vị trí có cây thông đỏ chính xác tuyệt đối mà không cần phải dùng máy định vị. Sau gần 1 giờ đồng hồ leo rừng, khi đạt độ cao khoảng 1.600m so với mặt nước biển, cây thông đỏ cổ thụ đầu tiên gắn số 206 lộ diện trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Đây là cây thông rất lớn, ngự trị, nổi bật nhất khu rừng già mà chúng tôi gặp. 

“Chưa ăn thua gì đâu, lên nữa đi, tới độ cao gần 1.900m sẽ có một cây rất to nhưng chưa phải là lớn nhất đâu. Cây lớn nhất đánh số 100 nằm ở độ cao gần 2.000m kia, đường khó đi, sợ không lên nổi thôi!..” - KTen nói. 

Cây thông đỏ đầu tiên chúng tôi tiếp cận có đường kính gốc khoảng 1,5m, thân cây to lớn, vươn thẳng, cao vút nổi trội giữa cánh rừng già nguyên sinh, bộ rễ chắc khỏe quanh gốc nổi cộm lên khỏi mặt đất.

Tiếp tục lên cao, mỗi lần qua những gốc thông đỏ cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ cách đây khoảng 15 năm, KTen giọng đau như cắt: “Những cây to lớn nhất, đến 7-8 người ôm đã bị chúng nó chặt lấy gỗ hết rồi, những cây còn lại đến bây giờ thật ra chỉ là những cây nhỏ mà ngày đó bọn chúng không thèm chặt đó thôi!..”. 

Ở những gốc thông bị chặt hạ này, những bìa gỗ vẫn còn nằm ngổn ngang trên mặt đất. Đường kính gốc lên tới hơn 2m đã bắt đầu mục dần. Càng lên cao, thông đỏ cổ thụ xuất hiện càng nhiều, cứ vài trăm mét lại có một cây lớn với đường kính gốc trên 1m trở lên, cây nhỏ tại khu vực này rất nhiều.

Mặt trời đứng bóng, cũng là lúc chúng tôi đặt chân tới gốc cây thông được gắn số 143 ở độ cao gần 1.900m so với mặt nước biển. Đây là cây thông đỏ được cho là to lớn bậc nhất ở khu vực núi Voi. KTen cho biết, cách đây ít năm, ông dẫn đoàn nhà khoa học nước ngoài và Việt Nam tới khảo sát, đánh giá thông đỏ trong khu vực, đoàn đã dùng các thiết bị đo độ tuổi, xác định cây thông đỏ này khoảng 2.500 năm tuổi, thẳng tắp, cao vút hơn 30m, đường kính gốc gần 3m, rễ to lớn nổi lên mặt đất, vươn ra xa trong vòng 1.000m².

Theo kỹ sư sinh học Đoàn Nam Sinh (người theo đuổi những vấn đề về cây thông đỏ, và hiện đang triển khai dự án nhân trồng thông đỏ để sản xuất dược liệu ở vùng Xuân Trường, cách TP Đà Lạt 20km): “Khi sờ được một cây thông đỏ nguyên thủy là lúc bạn sờ được vào một chứng nhân của một phần lịch sử trái đất - lịch sử hình thành các loài, chạm được vào loài cổ thực vật đã tồn tại 2.000 - 5.000 năm tuổi, bởi thế giới không đâu còn những cây thông đỏ nguyên thủy như ở núi Voi. Người ta tính mất 100 năm cây thông đỏ mới to bằng bắp chân người, vì đây là loài sinh trưởng cực chậm”.

32ha rừng nguyên sinh tại núi Voi, thuộc các tiểu khu: 268, 277, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, nơi đang có những cây thông đỏ cổ thụ hàng nghìn năm tuổi ngự trị nay được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Doanh nghiệp tư nhân Trần Lê Gia Trang quản lý, khai thác phục vụ du lịch sinh thái. 

Trong diện tích được giao cho doanh nghiệp này, theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng có 57 cây thông đỏ, đường kính gốc từ 1-3m. Nếu tính toàn bộ khu vực núi Voi, thông đỏ hiện đang có trên 400 cây. Năm 2009, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tiến hành gắn chíp và đóng số vào những cây thông đỏ nhằm xiết chặt công tác quản lý, bảo vệ cho loài thông đỏ quý này.

Trước năm 2005, rừng thông đỏ cổ thụ ở núi Voi bị lâm tặc tàn phá, khai thác để lấy gỗ, rất nhiều cây thông đỏ có đường kính gốc lên tới 2-3m, hàng nghìn năm tuổi bị chặt hạ không thương tiếc. Rất may, chính quyền địa phương đã phát hiện, các cơ quan chức năng cũng đã kịp thời vào cuộc, ngăn chặn được cuộc tàn phá thông đỏ với quy mô lớn nhất lịch sử này. Dù vậy, hàng chục cây thông đỏ hàng nghìn năm tuổi đã phải ngã xuống, ứa ra rừng gọt tinh dầu.

“Người rừng” KTen được chủ rừng mời về trông coi thông đỏ từ 10 năm qua với lương 2 triệu đồng/tháng. KTen cho biết, chỉ có những người cứng đầu và “không sợ cái chết” như ông mới đủ dũng khí để đối đầu với lâm tặc liều lĩnh, bảo vệ sự bình an cho những cây thông đỏ. 

KTen lập lán án ngữ ngay lối ra vào rừng mà trước đây lâm tặc thường khai thác thông đỏ rồi vận chuyển qua để kiểm soát người ra vào rừng. Những năm đầu tiên nhận trông coi khu rừng quý này, KTen luôn bị kẻ xấu khủng bố, đe dọa đến mất ăn mất ngủ. 

“Có hôm mình đi lên phố khám bệnh cũng bị chúng chặn đường gây sự, đe dọa không được coi rừng thông đó, chúng còn đánh mình bị thương… nhưng mình vẫn không sợ. Nhà có cái ao rất nhiều cá lớn, chúng bỏ thuốc sâu xuống cá chết hết làm mình rất buồn... Bây giờ thì ổn cả rồi, mình không chịu thua nó, nó phải thua mình…” - KTen tâm sự. Từ ngày KTen được giao nhiệm vụ bảo vệ quần thể thông đỏ tại tiểu khu 268, 277, đến nay chưa một cây thông quý nào bị xâm hại.

Trong câu chuyện với chúng tôi, KTen luôn coi những cây thông đỏ là người bạn thân thiết, tri kỷ. Chính rừng thiêng với những cây thông đỏ có một không hai này đã che chở cho ông, cho cách mạng. Ngày nay, với KTen, bảo vệ thông đỏ cũng chính là để trả ơn cho người bạn gan góc đã một thời che chở, bảo vệ cho ông, cho cách mạng đánh bại bọn Fulro đến ngày toàn thắng. 

Theo tài liệu của Phân viện Sinh học Tây Nguyên, thông đỏ núi Voi có tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc, thuộc họ thanh tùng (Taxaceae). Trong lá và vỏ của thông đỏ chứa hoạt chất taxol với hàm lượng rất cao, đây là dược chất quí và hữu hiệu nhất cho đến hiện nay thế giới dùng để bào chế thuốc chữa trị các loại ung thư. Từ lâu, thông đỏ đã được y học dân gian coi là dược liệu quí, lá của nó (ở dạng dùng thô thông thường) để trị hen, suyễn, viêm phế quản, nấc, tiêu hóa; cành và vỏ dùng trị bệnh thực tích, giun đũa; nước sắc từ thân non dùng trị bệnh đau đầu...
Kim Ngân
.
.
.