Danh thắng Đại Lãnh – một tiềm năng du lịch chưa được đánh thức

Thứ Bảy, 02/04/2016, 10:22
Không riêng người dân ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, mà nhiều du khách xuôi Nam ngược Bắc trên đường đều phải nuối tiếc khi nhìn thấy một công trình khách sạn cao tầng xây dựng dở dang bên bãi biển ở địa phương đã bị bỏ hoang hàng chục năm qua. Càng nuối tiếc hơn khi tiềm năng du lịch Đại Lãnh chưa được đánh thức, cho dù vẻ đẹp thiên nhiên nơi này thật hữu tình.


Từ một công trình hoang phế

Tiếp chuyện PV, rất nhiều cán bộ và người dân ở Đại Lãnh đều nói rằng, họ không nhớ chính xác về thời gian nhưng công trình khách sạn cao tầng nêu trên đã bỏ hoang từ lâu lắm rồi. Trong khi đó, theo hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, năm 1987 UBND tỉnh Phú Khánh trước đây đã giao cho Xí nghiệp Liên hợp trục vớt cứu hộ Việt Nam (VISAL) 10ha đất ven biển Đại Lãnh để cơ quan này phối hợp với đối tác ở Cộng hòa nhân dân Hungary xây dựng Trạm lặn. 

Khi Trạm lặn chưa triển khai thì năm 1988, VISAL liên kết với UBND huyện Vạn Ninh xây dựng khách sạn Vavisal bên bãi biển ở thôn Đông, xã Đại Lãnh. Sau khi UBND tỉnh Phú Khánh chấp thuận, hai bên liên kết tiến hành xây dựng khách sạn trên diện tích 7.800m² đất, với quy mô 4 tầng, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng. 

Công trình này do UBND huyện Vạn Ninh làm chủ đầu tư và đóng góp 25% kinh phí xây dựng. Nhìn công trình khách sạn đang tất bật thi công với những khung cốt thép bê tông vươn cao, đông đảo người dân địa phương cùng với du khách trong và ngoài nước có dịp đến vùng biển Đại Lãnh  lúc bấy giờ đều hân hoan niềm vui khi tiềm năng du lịch nơi này bắt đầu khai thác. 

Khách sạn xây dựng dang dở bên biển Đại Lãnh đã bị bỏ hoang hơn 25 năm qua.

Thế nhưng, công trình mới xây dựng phần khung 3 tầng và đổ bê tông sàn tầng trệt, thì nhà đầu tư phải đối mặt với tình trạng... thiếu vốn, không thể tiếp tục thi công. Khi tỉnh Phú Khánh chia tách thành 2 tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên, giải pháp đã được UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện vào năm 1990 bằng văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí, nhưng không được chấp nhận. Không thể để hoang phí công trình xây dựng khách sạn Vavisal, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng đất và công trình khách sạn Vavisal đang xây dựng dở dang để thu hồi vốn đầu tư trả lại các khoản nợ vay ngân hàng. 

Theo đó, công trình nêu trên đã chuyển nhượng vào tháng 12-1994 với giá 2 tỷ đồng cho Tổng giám đốc Công ty Nước khoáng Tu Bông - ông Nguyễn Thanh Tùng, tức nhạc sĩ Thanh Tùng, người vừa mới ra đi vào ngày 15-3 vừa qua, đã góp vốn 50% cùng ông Hà Hùng Dũng và bà Phùng Trịnh Thị Vinh - Công ty TNHH Thương mại Việt Hà góp vốn mỗi người 25%. Tuy nhiên, sau khi nhận chuyển nhượng, chủ đầu tư mới không tiếp tục xây dựng khách sạn mà lại... bỏ hoang cho đến nay chỉ còn là “bộ xương” phủ kín rêu phong giữa um tùm bụi rậm.

Đến tiềm năng du lịch còn ngủ quên 

Đại Lãnh là một danh thắng đúng nghĩa “sơn thủy hữu tình” khi nằm giữa vòng cung dãy núi đèo Cả nối liền đèo Cổ Mã. Ở đó có huyết mạch QL1A và đường sắt xuyên Việt với ga xe lửa Đại Lãnh. Đến với nơi này, du khách không chỉ tắm biển và thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn có thể ngồi trên thuyền máy hướng mũi lái về phía Đông Nam, đến những làng đảo Khải Lương, Xuân Đừng – nơi có nhiều truyền thuyết về biển đảo và con người, rồi ngắm vịnh Vân Phong lộng gió có khu du lịch đảo Hòn Ông, danh thắng Mũi Đôi – Hòn Đầu ở bán đảo Hòn Gốm – nơi đất liền Việt Nam đón ánh bình minh sớm nhất trong ngày. 

Ngược hướng Đông Bắc, du khách tham quan danh thắng Mũi Điện – Bãi Môn ở phía cực Nam Phú Yên, có ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1890 với độ cao 26m so với mặt nền và 110m so với mặt nước biển, rồi vào vịnh biển Vũng Rô – một di tích danh thắng đậm chất huyền thoại với những con tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện vũ khí cho chiến trường Nam Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ... 

Bãi biển Đại Lãnh ví như một nàng tiên đang ngủ.

Năm 1836, Vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đại Lãnh trên Tuyên đỉnh – một trong 9 đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội Kinh thành Huế, đến năm 1853 dưới triều Vua Tự Đức, Đại Lãnh là danh thắng có tên trong Từ điển Quốc gia do triều đình biên soạn. Tổ chức Du lịch thế giới từng đánh giá Đại Lãnh là một trong những thắng cảnh đẹp nhất Đông Nam Á. 

Đến thời điểm này, Đại Lãnh là cầu nối giữa hai hầm đường bộ đèo Cả và đèo Cổ Mã trên huyết mạch QL1A có quy mô và thiết kế xây dựng hiện đại nhất Việt Nam. Với tiềm năng thiên nhiên ban tặng, lẽ ra Đại Lãnh là điểm đến của du khách trong và ngoài nước từ lâu, nhưng do chưa được đầu tư khai thác tiềm năng vốn có bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, nên hàng chục năm qua Đại Lãnh được ví như một nàng tiên còn ngủ quên bên bãi biển. 

Ngoài nhà hàng Thủy Tạ ẩn mình trong rừng phi lao lộng gió đang thời xuống cấp, du khách chỉ tìm thấy ở Đại Lãnh một công trình khách sạn bị bỏ hoang và những quán ăn bình dân xen lẫn trong khu dân cư nằm bên đường ngập tràn cát bụi sau mỗi chuyến xe xuôi ngược...

Bao giờ tiềm năng du lịch Đại Lãnh mới được đánh thức? Câu hỏi đó vẫn còn là nỗi trăn trở khi chưa có giải pháp đầu tư bền vững để thu hút du khách đến với Đại Lãnh và những vùng biển đảo lân cận giàu chất nhạc và thơ.

Hữu Toàn
.
.
.