Quê nghèo choáng váng vì vỡ hụi hàng chục tỷ đồng

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:46
Vợ bán đậu phụ ngoài chợ, chồng làm bảo vệ, nhưng việc hai vợ chồng huy động hàng chục tỉ đồng của hàng trăm người dân trong vùng rồi đột ngột “biến mất” khỏi địa phương đã làm cho nhiều người choáng váng.


Xác nhận với phóng viên, ông Cao Bá Đinh, Phó Trưởng Công an xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, liên quan đến vụ vỡ hụi của hai vợ chồng bà Trần Thị Soa (51 tuổi) và ông Cao Xuân Năm (56 tuổi), trú tại xóm 9, xã Diễn Thành, tính đến thời điểm hiện tại Công an xã Diễn Thành đã nhận được 116 đơn thư tố cáo, với số tiền hơn 6 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo ông Đinh, con số này chỉ mới phản ánh được khoảng một nửa thực tế, bởi qua thăm dò, xác minh thông tin ban đầu được biết, có rất nhiều người là nạn nhân của bà Soa, nhưng phần vì tâm lý cả nể, phần nữa với mong muốn im lặng để vớt vát lại một phần đã cho vay nên không đứng ra tố giác.

Sau ngày 16-9, khi hai vợ chồng bà Soa biến mất khỏi địa phương, đã có hàng trăm người là chủ nợ, hoang mang, lo lắng đã kéo đến đập phá ngôi nhà của họ và lấy đi tất cả đồ đạc bên trong nhà. 

“Hiện chính quyền địa phương đã cử người trông giữ ngôi nhà của vợ chồng bà Soa để không cho ai đến đập phá tiếp. Công an xã Diễn Thành cũng đã làm báo cáo đề nghị Công an huyện Diễn Châu vào cuộc điều tra, làm rõ bởi số tiền trong vụ việc có thể đến cả chục tỷ đồng”, ông Đinh cung cấp thêm thông tin. 

Nhiều hộ dân tiếp tục tố là nạn nhân của bà Soa, ông Năm.

Trong khi đó, theo thông tin từ ông Cao Đức Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thành thì bà Soa, ông Năm có 3 người con gái, một người đi xuất khẩu lao động ở Nhật, còn lại lấy chồng ở xa, hiện chỉ có hai vợ chồng ở nhà. 

Bà Soa trước đây bán đậu phụ ở chợ, còn ông Năm làm bảo vệ ở TAND huyện Diễn Châu. Hai vợ chồng làm nghề huy động vốn hơn chục năm nay, chủ yếu là huy động chung phường từ các tiểu thương ở chợ Phủ Diễn, góp vốn cho mình để hưởng lãi suất chênh lệch cao. Để hợp thức hóa hoạt động phường hụi trái phép của mình, bà Soa đã núp bóng danh nghĩa “Quỹ giúp đỡ tình thương”.

Thời gian đầu, “Quỹ giúp đỡ tình thương” của vợ chồng họ chi trả tiền lãi, gốc, rất đúng thời hạn. Vì vậy, không chỉ tiểu thương chợ Phủ Diễn mà đông đảo người dân ở các xã lân cận, làm ăn tích cóp được bao nhiêu đều tự nguyện mang đến đóng cho bà Soa để lấy tiền lãi hằng tháng, vì tiền lãi bà Soa trả cao hơn rất nhiều lần tiền gửi ngân hàng. 

Đơn cử, chị Nguyễn Thị Mai, một tiểu thương tại chợ Phủ Diễn, hằng ngày góp cho bà Soa 2 triệu đồng, dù không có bất cứ hóa đơn, chứng từ nào liên quan nhưng cứ 4 tháng nhận tiền lãi hơn 40 triệu đồng. 

Có rất nhiều người là nạn nhân của vợ chồng bà Soa, như chị Nguyễn Thị Thủy (49 tuổi), trú ở xã Diễn Bích, đã góp cho bà Soa 185 triệu đồng; bà Lê Thị Biên (57 tuổi) ở xã Diễn Tân, đóng 126 triệu đồng tiền hụi; chị Trần Thị Hường ở xã Diễn Thành, đóng 165 triệu đồng…

Trong số hàng trăm nạn nhân của vụ vỡ phường hụi này, có nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Trong số đó phải kể đến trường hợp của chị Hoàng Thị Việt, trú xóm 5, xã Diễn Thành, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Chồng mất vì TNGT cách đây 2 năm, một mình chị bán đậu phụ, bánh rán ở chợ để nuôi 2 đứa con nhỏ đang ăn học, đứa lớn 11 tuổi còn đứa nhỏ 7 tuổi. 

“Tui bán ở chợ, mỗi ngày kiếm từ vài chục đến khoảng 100.000 đồng. Thấy mọi người bàn tán, vận động nhau chơi phường, hụi để có thêm đồng ra đồng vào, tui tích cóp mãi được 30 triệu đồng đưa cho bà Soa. Đến nay, tui chưa nhận được đồng tiền lãi nào, giờ vợ chồng bà ấy bỏ trốn, chẳng biết kêu ai”, chị Việt rơm rớm nước mắt chia sẻ.

Những người gửi tiền chỉ được bà Soa ký nhận bằng cuốn sổ này.

Công an huyện Diễn Châu cho biết, sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Công an huyện đã tiến hành các thủ tục cần thiết đề nghị các cơ quan chức năng không cho xuất cảnh đối với vợ chồng bà Soa, ông Năm. 

Ngoài ra, đơn vị cũng bác thông tin trong những ngày qua, vợ chồng ông Năm, bà Soa đã bị bắt. Hiện Công an huyện Diễn Châu đã nhận được báo cáo từ Ban Công an xã và đơn thư tố giác của các nạn nhân, hiện đang trong quá trình điều tra để làm rõ vụ việc.

Được biết, vụ vỡ phường hụi ở Nghệ An lần này không phải là yếu tố mới, trước đó tại nhiều vùng quê nghèo cũng đã xảy ra tình trạng vỡ hụi. 

Có thể kể đến vụ vỡ phường, hụi tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn của cặp vợ chồng Lê Thị Sen và Hoàng Nghĩa Hùng với số tiền gần 20 tỉ đồng vào tháng 5-2016; vụ vỡ nợ tập thể của 7 “đại gia” ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) với số tiền hơn 80 tỷ đồng diễn ra vào tháng 4-2016, khiến cả 7 hộ gia đình bỏ trốn trong một đêm, gây chấn động xứ Nghệ thời gian qua.

Ngoài ra, còn phải kể đến một số vụ việc đã được cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc như vụ vỡ phường hụi tại xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) của “nữ quái” Ngô Thị Trang, đã huy động vốn của 68 hộ dân với số tiền 8,3 tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ.

Thiên Thảo
.
.
.