Vị tướng với tấm lòng tri ân những người thầy đặc biệt…
- Người thầy giáo nhân ái
- Người thầy giáo “giữ lửa” cho làng rèn 500 năm tuổi
- Vị thủ trưởng, người thầy khả kính
Dân tộc ta từ xưa đến nay vẫn luôn giữ được truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Nét đẹp ấy đã được bao thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát huy. Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2016, tôi vinh dự có được buổi tiếp xúc với Thượng tướng, Viện Sỹ Nguyễn Huy Hiệu tại văn phòng làm việc của Thượng tướng. Trong buổi gặp mặt trò chuyện, tôi đã được Thượng tướng chia sẻ những ấn tượng sâu sắc về 7 người thầy đặc biệt có sức ảnh hưởng lớn trong cuộc đời Tướng Hiệu.
Chúng ta, ai cũng có những người thầy, có người học được từ người thầy trong cuộc sống, có những người học được từ người thầy ở lớp học mà người ta vẫn nói là trường lớp và trường đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài học ở những nhà chính trị lỗi lạc thì cũng có những người quét tuyết ở Pháp, người đánh giầy ngoài phố, những người ở kiếp sống lầm than. Có đôi khi người thầy không phải ở trường lớp, không phải người dạy cho chúng ta kiến thức mà là người thầy ở trường đời, người dạy cho chúng ta kinh nghiệm, người cho chúng ta những hiểu biết đơn thuần về cuộc sống.
Tướng Hiệu được biết đến là một vị tướng trưởng thành nơi trận mạc, nhưng trở lại với thời bình ông có nhiều những đóng góp cho khoa học quân sự của nước nhà, trong hoạt động đối ngoại, khoa học công nghệ, đào tạo…
Tôi đã may mắn vì được đọc cuốn sách “Vị tướng có duyên với con số 7”, đây là cuốn sách vô cùng đặc biệt về một đời người gắn liền với trận mạc của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, một vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng lại càng may mắn hơn khi tôi trực tiếp được nghe Tướng Hiệu chia sẻ về 7 người thầy trong cuốn sách này.
Khi được hỏi ấn tượng về những người thầy trong cuộc sống, Tướng Hiệu đã nhắc đến rất nhiều người thầy. Ông nói trong cuộc đời ông có rất nhiều người thầy, nhân dân cũng là người thầy, đồng đội cũng là người thầy… Nhưng câu chuyện về 7 người thầy trong cuộc đời Tướng Hiệu dường như đã hằn sâu vào trí óc ông, để khi được hỏi ông như kể lại một hành trình, một chặng đường đã đi qua.
Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, người mà để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho đến bây giờ để ông tổng kết viết thành sách và để truyền thụ kinh nghiệm cho các thế hệ thì đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là một người thầy đặc biệt, một người có nhiều ảnh hưởng tới cuộc đời binh nghiệp của Tướng Hiệu cả trong thời chiến cũng như trong thời bình.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ: Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi có một ấn tượng cực kì sâu sắc, có thể Đại tướng biết nhiều lĩnh vực nhưng tôi nghĩ giỏi nhất của Đại tướng đó là thiên tài quân sự. Có một điều mà tôi còn nhớ mãi Đại tướng nói là: “Đánh giỏi đánh thắng địch nhưng phải giảm thương vong tới mức thấp nhât”. Đặc biệt là Đại tướng rất quan tâm đến các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ rồi gia đình có công với cách mạng.
Còn các vị tướng khác như Hoàng Minh Thảo, đồng chí Văn Tiến Dũng, đồng chí Lê Trọng Tấn, rồi đồng chí Nguyễn Hữu An, đồng chí Cao Văn Khánh, đồng chí Lê Quang Đạo, đồng chí Lê Nam Phong...thì đấy là những người thầy mà tôi được tiếp cận ngay từ ngày còn làm lính. Những người đó giúp tôi tư duy về chính trị, về quân sự, về ngoại giao để tôi hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
Mỗi người thầy là mỗi câu chuyện, mỗi bài học khác nhau có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời Tướng Hiệu. Nhiều điều đặc biệt, có lẽ không bao giờ tôi có thể kể hết được về những người thầy mà ông đã chia sẻ. Chỉ có thể thấy rằng, tất cả những kỉ niệm với những người thầy, Tướng Hiệu đều nhớ như in, như những việc chỉ vừa mới xảy ra hôm qua.
Phải khoan dung, phải độ lượng và cũng phải rất nhân hậu. Các bạn hãy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải có tính quyết đoán để mình vươn lên làm chủ vận mệnh của mình và phải biết tôn sư trọng đạo, đấy là truyền thống, đấy là văn hóa của Việt Nam.
Các bạn trẻ bây giờ có đầy đủ trí tuệ, các bạn tiếp cận về khoa học, về công nghệ, về môi trường, về thông tin đa chiều nên các bạn sẽ nhìn thấy cái đúng, cái sai, cái thật, cái giả. Tôi rất tin các bạn sẽ vươn lên để làm chủ vận mệnh của mình. Trong bất cứ tình huống nào, người Việt Nam sẽ chiến thắng mọi kẻ thù bằng trí tuệ Việt Nam, bằng sức mạnh Việt Nam, bằng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam”.
Những khát vọng, ý chí và bản lĩnh… Đó cũng chính là những gì mà ông đã học được từ chính những người thầy đặc biệt trong cuộc đời mình. Qua đó cũng để thấy rằng mặc dù là một vị tướng trở lại với thời bình đã bao năm tháng, nhưng trong Tướng Hiệu luôn có suy ngẫm về “Tôn sư trọng đạo” để luôn thể hiện lòng biết ơn với những người thầy của cuộc đời mình.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
“Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Đây cũng là những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã xuyên suốt lịch sử hàng ngàn đời với biết bao thế hệ. Qua đây, Tướng Hiệu cũng muốn gửi gắm thông điệp cho các thế hệ mai sau về lòng biết ơn với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” để những thế hệ trẻ luôn biết kế thừa và phát huy những giá trị và nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Và qua buổi tiếp xúc với Tướng Hiệu, tôi thấy mình thực sự may mắn khi được nghe Tướng Hiệu chia sẻ về những con người đặc biệt, những bài học đặc biệt, bởi qua đó đã giúp cho tôi hiểu thấu sâu sắc hơn về những giá trị của lòng biết ơn, để làm nên sự thành công của một đời người.