Người thầy giáo “giữ lửa” cho làng rèn 500 năm tuổi

Thứ Bảy, 24/09/2016, 10:55
Vốn theo nghiệp dạy chữ nhưng bằng niềm đam mê, nhiều năm qua thầy giáo Huỳnh Thế Tiến (47 tuổi, sống ở phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên -Huế) đã nỗ lực “giữ lửa” nghề rèn truyền thống làng Vực do cha ông để lại.

Thầy Tiến là một trong số ít người làm nghề rèn được phong tặng danh hiệu “nghệ nhân nghề rèn”…

Nghề rèn làng Vực hình thành cách đây khoảng 500 năm, kể từ khi có nhiều hộ dân ở làng rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) di cư vào khu vực Thủy Châu, Hương Thủy và dần hình thành nên làng rèn.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề rèn nằm sát bên Cầu Vực, từ lúc 10 tuổi, thầy Tiến đã theo cha mình (ông Huỳnh Thế Toàn), một thợ rèn có tiếng thời bấy giờ để phụ giúp các công việc phụ rèn.

Thầy giáo Huỳnh Thế Tiến ở xưởng rèn của mình.

Đầu những năm 1980, mặc dù làm nghề rèn chịu nhiều vất vả, cực nhọc song gần 60 hộ dân ở Cầu Vực vẫn quyết tâm “đỏ lửa” để sản xuất ra các vật dụng như dao, kéo, cuốc, xẻng... phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Uy tín nghề rèn làng Vực vẫn vững vàng khi sản phẩm rèn của các hộ dân trong làng chế tạo luôn đạt chất lượng cao.

“Thế nhưng càng về sau, trước sự phát triển của ngành công nghiệp hiện đại, các công cụ dần được thay thế bằng những mặt hàng do máy móc sản xuất hoặc nhập từ nước ngoài về khiến cho sản phẩm của làng rèn mất dần chỗ đứng trên thị trường. Không bám trụ được với nghề, nhiều hộ dân trong làng buộc phải chuyển sang nghề khác mưu sinh và hiện còn chưa đến 20 hộ đeo đuổi cái nghề cực nhọc này”, thầy Tiến chia sẻ.

Mặc dù là giáo viên đang dạy học tại Trường Tiểu học Thủy Lương, thị xã Hương Thủy nhưng bằng niềm đam mê và mong muốn khôi phục lại nghề rèn truyền thống của tổ tiên, nên đầu năm 2008, thầy Tiến bắt đầu thực hiện đề án “Khôi phục nghề rèn truyền thống Cầu Vực” và nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế và chính quyền địa phương.

Vợ chồng thầy Tiến đã đầu tư nhiều tiền của, công sức để mở xưởng rèn “Trường Tiến” tại nhà. Với suy nghĩ, phải làm nên những sản phẩm rèn khác biệt về mẫu mã, đạt chất lượng hơn so với sản phẩm trên thị trường mới hy vọng sản phẩm rèn làng Vực có đầu ra ổn định, thầy Tiến đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng để đầu tư sắm nhiều máy móc, trang thiết bị nhằm… “cơ khí hóa” nghề rèn.

“Nếu rèn thủ công thì một sản phẩm làm ra mất rất nhiều thời gian, lại khó cạnh tranh trên thị trường nên tôi quyết định đầu tư một máy dập sắt trọng lượng 2,5 tấn; máy cán thép, đồng thời cải tiến một số loại máy như máy cắt cầm tay, máy hàn điện, búa nén khí để phục vụ cho nghề rèn.

Bên cạnh đó, xưởng còn giúp đỡ nhiều lò rèn trong làng bằng cách cung cấp phôi thép giao cho các chủ lò chế tạo sản phẩm”, thầy Tiến nói về công việc của mình.

Ngoài giờ đứng lớp vào ban ngày, hàng đêm thầy Tiến vào xưởng rèn “soạn đồ nghề” để hoàn thành các sản phẩm do khách đặt hàng. Để duy trì nghề, thầy Tiến còn tâm huyết truyền những kỹ thuật cơ bản của nghề rèn cho 3 học trò của mình. Hiện xưởng rèn của thầy Tiến là địa chỉ tin cậy cung cấp các dụng cụ phục vụ cho nông, lâm, ngư nghiệp với những đơn đặt hàng khắp mọi miền đất nước; trong đó có những sản phẩm do thầy Tiến tự sáng chế như “thuổng đa năng”, “dao siêu sạch”...

Chính nhờ những sáng kiến, nỗ lực phục dựng nghề rèn làng Vực nên giữa tháng 9-2016, thầy giáo Huỳnh Thế Tiến là thợ rèn duy nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên -Huế vinh dự được UBND tỉnh này công nhận là nghệ nhân nghề rèn truyền thống. Trước đó, vào năm 2014, nghề rèn làng Vực cũng đã được công nhận là nghề truyền thống.

Anh Khoa
.
.
.