Thảm họa đường sắt kinh hoàng làm 200 người chết năm 1982:

Nỗi đau dai dẳng 4 thập kỷ cần được xoa dịu

Chủ Nhật, 22/04/2018, 11:19

Tháng 3-1982, một vụ tai nạn khủng khiếp nhất trong lịch sử đường sắt Việt Nam cướp đi sinh mạng của 200 người. Gần 4 thập kỷ đã trôi qua, với gia đình nhiều nạn nhân, nỗi đau vẫn chưa thể nguôi ngoai...

Tròn 36 năm về trước, ngày 17-3-1982, xảy ra vụ tai nạn giao thông khủng khiếp nhất trong lịch sử đường sắt Việt Nam. Rạng sáng ngày định mệnh đó, đoàn tàu mang số hiệu 183 từ Nha Trang đi TP Hồ Chí Minh, khi đến cua chữ C (Km 1668+400, gần ga Bàu Cá, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) thì bị lật, khiến 200 người chết bao gồm hành khách và cả lái trưởng, lái phó tàu và một số nhân viên. 

Gần 4 thập kỉ đã qua song nỗi đau của nhiều gia đình chưa thể nguôi ngoai, không chỉ vì mất người thân mà còn bởi người đã thiệt mạng vẫn đang nằm trong những ngôi mộ “Vô danh” tại một nghĩa trang cô quạnh…

Bài 1: Thiếu phụ mất tích bí ẩn và bức ảnh gửi từ Sài Gòn

Trung tuần tháng 3-2018, Báo CAND nhận được một lá “Đơn kêu cứu” với lời lẽ thống thiết trình bày nỗi đau mất người thân trong vụ tai nạn đường sắt năm 1982 làm 200 người thiệt mạng. Đơn gửi kèm hai tấm ảnh đen trắng, một tấm là hình thiếu phụ bế bé trai; tấm kia là hình thiếu phụ khi còn trẻ, đầu đội mũ vải bộ đội. Gương mặt thiếu phụ trong ảnh thật ấn tượng, nổi bật với đôi mắt sáng và nụ cười tươi tắn…

Lá đơn thống thiết

Người gửi đơn là bà Trần Thị Mỹ (66 tuổi, hiện trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Lá đơn còn gửi kèm danh sách và số điện thoại của 17 người là thân nhân những nạn nhân đã mất trong vụ tai nạn đường sắt thảm khốc 36 năm về trước. Đơn nêu một số nguyện vọng với các cơ quan chức năng, đồng thời yêu cầu ngành Đường sắt có thông tin chính thức về vụ việc và đầu tư kinh phí tu tạo nghĩa trang, xây lại mộ cho các nạn nhân trong vụ tai nạn.

Bà Trần Thị Mỹ vẫn còn lưu giữ được Giấy khen của em gái Trần Thị Tâm khi còn trong quân ngũ.

Từ nội dung lá đơn, Báo CAND đã tìm hiểu vụ việc và phản ánh trên tinh thần khách quan, xây dựng. Tiếp PV tại một căn hộ trên đường Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), bà Trần Thị Mỹ vẫn day dứt nỗi đau mất người em gái ruột. Bà Mỹ kể: “Em gái tôi là Trần Thị Tâm, sinh năm 1953 tại quê nhà Nghĩa Đàn, Nghệ An. Khổ thân em tôi, đã thiệt mạng trong vụ tai nạn đường sắt năm ấy nhưng có lúc còn mang tiếng là bỏ nhà theo giai!”.

Bà Mỹ có trí nhớ rất tốt và lưu giữ được khá nhiều tư liệu về người em gái ruột. Bà kể: Vợ chồng tôi đều là giáo viên, nhiều năm công tác tại trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Nửa cuối năm 1981, em Tâm và con trai thứ hai là Nguyễn Phi Phi (SN 1980) từ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng về chơi quê ngoại Nghệ An rồi ra Hà Nội thăm vợ chồng tôi. 

Tâm ở chơi 1 tuần, hai chị em trút bầu tâm sự; tôi thấy lo lắng vì chuyện tình cảm vợ chồng Tâm đang trục trặc, không biết có ở được với nhau nữa không? Quang – chồng của Tâm, đã cắt hộ khẩu của vợ con mình tại nơi cư trú (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Hộ khẩu thời ấy rất quan trọng với mọi người, nhất là cán bộ, công nhân viên vì nó liên quan đến tiêu chuẩn lương thực hằng tháng. Vợ chồng Tâm làm việc tại Nông trường bò sữa Đức Trọng; chồng Tâm tên là Quang, tài xế xe đông lạnh chở sữa, còn Tâm là y tá.

Cuộc tìm kiếm vô vọng

Ngày đó, việc giao thông, liên lạc đều khó khăn nên sau khi Tâm trở về Lâm Đồng, hai chị em không có tin tức gì của nhau. Đến giữa tháng 4-1982, bất ngờ mẹ tôi ở quê nhận được bao thư của một hiệu ảnh ở Sài Gòn, bên trong chỉ có bức ảnh em Tâm mới chụp với con trai đầu là Nguyễn Phương Ly (SN 1978). Mẹ tôi ngơ ngác không hiểu sao chỉ có ảnh mà không có thư. 

Đến giữa năm 1982, mẹ ra Hà Nội thăm vợ chồng tôi và hỏi “Tâm có ra chơi nữa không? Chồng Tâm về Nghệ An tìm và nói với mẹ là Tâm đã bỏ nhà đi mấy tháng rồi.”.

Nạn nhân Trần Thị Tâm bế con trai đầu là Nguyễn Phương Ly. 

Đến lúc này thì cả gia đình bà Mỹ bắt đầu hoang mang trước việc cô em gái mất tích một cách bí ẩn. Phía gia đình bà Mỹ thì nghi ngờ Quang do mâu thuẫn vợ chồng đã giết Tâm rồi phi tang xác; người con rể thì cho rằng Tâm đã bỏ nhà đi theo giai. 

Sau một thời gian tìm kiếm vô vọng người em gái, đầu năm 1983, bà Mỹ làm đơn trình báo gửi Bộ Công an (khi đó là Bộ Nội vụ). “Bộ Công an đã rất khẩn trương chỉ đạo, phân công người xác minh vụ việc. Đó cũng là lí do lần này tôi gửi đơn nhờ Báo CAND giúp gia đình tôi cũng như thân nhân của 200 oan hồn được thanh thản” – bà Mỹ nói.

Bà Mỹ vẫn nhớ mình đến trình báo cơ quan Công an tại trụ sở số 16 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội; số điện thoại gọi tổng đài rồi xin nối máy lẻ là 445. Hai cán bộ Công an được cử xác minh vụ việc tên là Thắng và Quý thuộc Cục Cảnh sát hình sự. Họ đã hành trình từ Hà Nội vào Nghệ An; từ Nghệ An vào Lâm Đồng rồi TP Hồ Chí Minh. Tại căn nhà và khu vườn của vợ chồng nạn nhân Trần Thị Tâm ở huyện Đức Trọng, cơ quan Công an đã làm việc với ông Quang… 

Sau khi kết luận ông Quang không liên quan tới việc mất tích của vợ, hai trinh sát vào TP Hồ Chí Minh, tìm đến hiệu ảnh đã gửi tấm hình Trần Thị Tâm và con trai về quê Nghệ An. Thông tin họ nhận được từ chủ hiệu ảnh rất ngắn gọn: “Khi đến chụp hình, cô ấy có ghi lại địa chỉ của mẹ đẻ ở xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn, Nghệ An kèm theo lời dặn: Nếu không thấy tôi trở lại lấy ảnh thì gửi về cho mẹ tôi ở địa chỉ trên”. 

Sau khi hai cán bộ Công an trở lại Hà Nội, bà Mỹ được đồng chí Thắng thông báo kết quả xác minh và anh nhận định: “Có thể, em gái chị nằm trong số các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng vừa xảy ra ở phía Nam”.

Cuộc sống gian truân thời bao cấp, giao thông liên lạc khó khăn nên việc tìm kiếm thông tin về người em gái mất tích hết sức mông lung, trắc trở. “Chính vì thế mà mấy chục năm trời tôi cũng như nhiều gia đình không hề có thông tin cụ thể về vụ tai nạn tàu hỏa khủng khiếp đã cướp đi mạng sống của 200 con người” – bà Mỹ nói.

Duy Hiển – Trần Huy – Ngọc Thiện
.
.
.