Cuộc gặp đặc biệt của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tại Việt Nam

Thứ Sáu, 28/04/2017, 10:49
“Yêu hòa bình, yêu thiên nhiên, yêu nước mẹ Việt Nam và nhớ về quê cha Nhật Bản”, đó là những gì mà Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko của Nhật Bản đã nói trong cuộc gặp đầy xúc động và chân tình với 16 thân nhân, gia đình các cựu binh Nhật nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.


Cuộc gặp đặc biệt này diễn ra vào buổi trưa 2-3 tại khán phòng nhỏ ở khách sạn Sheraton ở Thủ đô Hà Nội.  Theo lịch trình, cuộc gặp được tiến hành trong 15 phút nhưng trên thực tế, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đã trò chuyện với thân nhân, gia đình các cựu binh Nhật ở Việt Nam tới gần 1 tiếng đồng hồ.

16 thân nhân các cựu binh Nhật tham dự cuộc gặp đã được Nhà vua cùng Hoàng hậu Nhật Bản ân cần, hỏi han, động viên. Mỗi câu chuyện được kể đều thấm đẫm nước mắt và tình người.

Thân nhân, gia đình các cựu binh Nhật tại Việt Nam không chỉ xúc động bởi tình cảm mà Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã dành cho họ mà bởi cả cách mà Nhà vua và Hoàng hậu trò chuyện. Sẽ khó có ai ngờ được rằng vị vua ở tuổi ngoài bát thập ấy lại có thể nắm tay rồi thì thầm nói chuyện với những người con mang hai dòng máu Việt-Nhật một cách say sưa đến vậy.

Cuộc gặp giữa Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản với thân nhân, gia đình các cựu binh Nhật tại Việt Nam diễn ra ngày 2-3 tại Hà Nội.  Ảnh: AP

Và cũng không ai có thể cầm được nước mắt khi thấy đôi mắt đỏ hoe của Hoàng hậu Michiko trong lúc lắng nghe cụ Nguyễn Thị Xuân (94 tuổi), vợ một cựu binh Nhật và cũng là người cao tuổi nhất trong số 16 thân nhân đến gặp mặt, kể lại câu chuyện về cuộc đời mình và mối tình với người chồng Nhật Bản cách đây hơn 70 năm.

Mời cụ Nguyễn Thị Xuân ngồi xuống bên cạnh, Hoàng hậu Michiko đã nắm chặt tay cụ Nguyễn Thị Xuân mỗi khi người phụ nữ này dừng lời kể. Theo những gì mà cụ Xuân tiết lộ thì cụ chỉ có 9 năm sống chung với người chồng tên là Shimizu Yoshiharu, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Đức.

Trong quãng thời gian sống chung ngắn ngủi đó, cụ Đức chưa hề to tiếng với cụ và rất hay giúp đỡ người khác. Cụ Đức cũng là một trong những cựu binh Nhật ở lại Việt Nam cùng tham gia Việt Minh đánh Pháp giai đoạn 1945-1954.

Thời gian sau đó, cụ Đức quay về Nhật và khi không có tin tức gì, cụ Xuân đã lấy ngày chia tay làm ngày giỗ. Thế nhưng, đến năm 2005, cả hai cụ đã có cuộc hội ngộ bất ngờ khi một đoàn truyền hình của Nhật Bản tới thăm và đưa đến những thước phim quý giá về cuộc sống của cụ Đức ở Nhật Bản.

Nhìn thấy cụ Đức qua hình ảnh phải ngồi xe lăn vì vừa qua tai biến, cụ Xuân trào nước mắt vì thương. Sau những lần gặp gỡ gián tiếp đó, cụ Xuân đã ao ước có thể gặp cụ Đức bằng xương bằng thịt và ước mong đó đã thành sự thật vào năm 2006.

Cụ Đức, dù ngồi xe lăn vẫn quyết tâm về Việt Nam cùng người vợ Nhật Bản để thăm cụ Xuân và các con. Cuộc gặp sau nửa thế kỷ của cha con cụ Đức chìm trong nước mắt. Riêng cụ Xuân không khóc được. Cụ bảo khó khăn đã qua, giận hờn cũng đã hết và việc cụ Đức dù ốm yếu vẫn lặn lội tìm về cụ và các con đã đủ cho thấy tình nghĩa của cụ dành cho vợ con như thế nào.

Lắng nghe chăm chú câu chuyện của cụ Xuân, Hoàng hậu Michiko bảo, là một phụ nữ, bà thấu hiểu rõ nỗi đau phải chia cách chồng của cụ Xuân và thực sự khâm phục khi cụ đã vượt qua được mọi khó khăn để nuôi dạy 4 người con trưởng thành. Bản thân Hoàng hậu cũng cảm thấy hạnh phúc khi được tiếp xúc với một người vợ và một người mẹ kiên cường đến vậy.

Vẫn nụ cười đôn hậu, Hoàng hậu Michiko chúc cụ Xuân sức khỏe dồi dào và tiếp tục có một cuộc sống hạnh phúc, êm đềm bên các con, cháu. Hoàng hậu còn gửi lời dặn dò 3 người con của cụ Xuân phải chăm sóc mẹ chu đáo, bù đắp cho những năm tháng vất vả của mẹ.

Trong khi đó, Nhà vua lại có một cách tiếp cận khá riêng khi trò chuyện với thân nhân, gia đình các cựu binh Nhật. Chẳng hạn với ông Ngô Gia Khánh, một người đàn ông hơn 50 tuổi vốn tính ít nói, Nhà vua Akihito đã khơi gợi câu chuyên để ông Khánh cứ thế kể lại lần duy nhất gặp cha vào năm 1981 khi ông này trở lại Việt Nam.

Ông Khánh cho biết, cha của ông là Iukawa Kachio, tên tiếng Việt là Ngô Tử Câu, tham gia kháng chiến chống Pháp, là thành viên của Trung đoàn 66 và đã mất năm 1990 sau 36 năm trở về Nhật Bản…

Hay như với ông Trần Đức Dũng đến từ Thanh Hóa, Nhà vua Akihito cũng đã bày tỏ cảm thông sâu sắc khi ông này chia sẻ rằng bất đồng ngôn ngữ là một trong những rào cản khiến bố con gặp khó khăn trong việc duy trì liên lạc thường xuyên.

Và rồi khi ông Dũng cho hay đã sang tận thành phố Kobe để gặp cha và cho con trai sang Nhật Bản du học rồi trở về Việt Nam để làm việc, đóng góp cho đất nước, Nhà vua Akihito đã không kìm nén được niềm vui. Nhà vua gọi hành động này là một nỗ lực nhằm thúc đẩy mối gắn kết Việt-Nhật trong mỗi gia đình cựu binh Nhật tại Việt Nam nói riêng và giữa hai nước nói chung.

Chưa hết, Nhà vua Akihito còn gửi lời động viên tới bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt đến từ thành phố Hồ Chí Minh khi đến nay bà là một trong số ít người vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về người cha Nhật Bản của mình.

Đặc biệt, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đều rất bất ngờ khi tiếp xúc với gia đình ông Hồng Nhật Quang và bà Lê Thị Sáng. Cả ông Hồng Nhật Quang và bà Lê Thị Sáng đều là con của cựu binh Nhật tại Việt Nam.

Nhà vua và Hoàng hậu khẳng định, mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản luôn bền chặt bởi sự gắn bó máu thịt của những người con mang hai dòng máu này và rằng mang hai dòng máu của hai quốc gia có quan hệ hữu nghị sâu sắc là một nhân duyên.

Nhà vua Akihito cho biết, ông vui mừng khi những người con mang hai dòng máu Việt - Nhật giờ đây đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định tại Việt Nam và luôn hướng về đất nước Nhật Bản.

Qua phiên dịch viên, Nhà vua Akihito còn nhờ những người con, dâu, rể ở độ tuổi ngoài 60 tham gia cuộc gặp mặt này lời bày tỏ sự cảm phục tới những bà mẹ Việt của họ - những người đã nuôi con cái mang hai dòng máu Việt-Nhật trưởng thành.

Nhà vua Akihito bày tỏ hy vọng rằng, quan hệ Việt-Nhật sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai và mong những thân nhân các cựu binh Nhật Bản tiếp tục đóng góp để thúc đẩy mối quan hệ hòa bình, hữu nghị này.

Nhà vua Akihito căn dặn, những người con mang hai dòng máu Việt-Nhật phải luôn nhớ câu: “Yêu hòa bình, yêu thiên nhiên, yêu nước mẹ Việt Nam và nhớ về quê cha Nhật Bản”.

Nghe những lời nói của Nhà vua Nhật Bản, một người con của cựu binh Nhật đã chảy nước mắt nói: “Đó cũng chính là những lời căn dặn mà cha con nói với con khi ông có dịp trở lại Việt Nam năm 1976. Khi đó cha con nói rằng, Việt Nam là mảnh đất ông đã gắn bó hơn 10 năm tuổi trẻ, là mảnh đất máu thịt của ông và rằng chúng con không bao giờ được quên lời dặn đó”.

Tâm sự với những thân nhân các cựu binh Nhật có mặt trong cuộc gặp, Nhà vua Akihito nhấn mạnh, hòa bình là điều quan trọng nhất và cũng là ước ao lớn nhất của con người.

Là những minh chứng sống về nỗi đau chiến tranh, Nhà vua Akihito mong muốn rằng, những con, cháu các cựu binh Nhật tại Việt Nam sẽ tiếp tục gìn giữ giá trị của hai chữ “hòa bình” cùng việc vun đắp tình yêu thiên nhiên để cuộc sống luôn tươi đẹp.

Được biết, trong thời gian diễn ra các cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, có một số binh sĩ và thường dân nước ngoài do nhiều lý do khác nhau đã ở lại Việt Nam và tham gia cùng nhân dân Việt Nam chống Pháp.

Họ trở thành những người “Việt Nam mới” như cách gọi của Việt Nam lúc đó. Có gần 200 cựu binh Nhật ở lại Việt Nam đã tham gia Việt Minh chống thực dân Pháp giai đoạn 1946-1954.

Trong một nghiên cứu của mình về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Hồng thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, những người Nhật Bản này đã có những đóng góp nhất định đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Hoạt động nổi bật nhất của người Nhật “Việt Nam mới” là lĩnh vực huấn luyện quân sự và trực tiếp tham gia chiến đấu.

Là những binh sĩ được đào tạo bài bản nên trong các đơn vị chiến đấu, những người Nhật “Việt Nam mới” thường phát huy được khả năng về 4 kỹ thuật, chiến thuật góp phần tích cực cho thắng lợi của nhiều trận đánh.

Theo thống kê, có 41 người Nhật tham dự những chiến dịch lớn hoặc chiến đấu ở các mặt trận địa phương như: Chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch đường số 14; các mặt trận: Pleiku, Buôn Mê Thuột, Campuchia, Lào, Cà Mau, Biên Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang...

Huyền Chi
.
.
.