Sào đáy bến sông xưa

Chủ Nhật, 29/01/2017, 16:04
Với hàng ngàn con sông, suối, kênh, rạch đan dày trên đất Việt, nó sẽ để lại bao kỷ niệm vui buồn cho những thần dân nơi nó trôi qua.

Với tác giả bài viết này, ngoài hai con sông: sông Đà và sông Hồng – ranh giới phía Đông Bắc và Tây Bắc, đất Hà Tây với Phú Thọ đã khắc ghi bao kỷ niệm từ thuở thiếu thời cho đến ngày tòng quân lên đường chiến đấu.

Còn có một dòng sông thứ ba, dòng Ba Lai máu lửa một thời ở quê dừa Đồng Khởi – Bến Tre, đã gắn bó với tôi và đơn vị của mình tới một phần hai con giáp (năm 1969 tới ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước). 

Dòng sông ấy chỉ dài trên năm chục cây số. Cuộc viễn du của nó trọn vẹn trên đất Bến Tre. Là một nhánh của sông Tiền, khởi nguồn từ xã Tân Lợi, băng qua các xã của huyện Châu Thành, xuyên qua kênh Chẹt Sậy về đất Giồng Tôm và kết thúc ở cửa biển (cửa Ba Lai).

Đón Tết trong cứ.

Thời chúng tôi về xây dựng căn cứ bám trụ ở cụm tình báo chiến lược H67 tại xã An Phước, huyện Châu Thành, một xã nằm bên tả ngạn sông Ba Lai. Đối diện bên hữu ngạn là xã Phước Thạnh, địa bàn giáp ranh với thị xã Kiến Hòa. 

Dòng sông thanh bình lắm, bởi địch lo đối phó chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Qua lại đôi bờ vẫn bằng xuồng ba lá. Nước triều lên, dòng sông tím ngát một màu bởi bạt ngàn những hoa lục bình nổi trôi. 

Nước ròng, chúng tôi kéo ra sông buông chài, giăng lưới chặn các cửa rạch để bắt tôm, cá cải thiện đời sống đơn vị. Dòng sông đã nuôi dưỡng, cưu mang chúng tôi và trở thành lá chắn mỗi khi địch càn vào An Phước là đơn vị bùng sang căn cứ dự bị ở Phước Thanh. Địch rút quân lại trở về.

Sự thanh bình chẳng được bao lâu thì chiến trường đồng bằng sông Cửu Long sôi động trở lại. Bến Tre đặc biệt là các xã thuộc phía Nam huyện Châu Thành, trở thành trọng điểm tiến công bằng các trận càn lớn với thủy lục không quân tăng cường tối đa nhằm cắm đồn bót sâu trong vùng giải phóng. 

Rừng dừa các xã ven sông tan hoang bởi bom, pháo hủy diệt; bởi kế hoạch khai quang, dồn dân vào ấp chiến lược; phong tỏa các cửa ngõ ra vào căn cứ nhằm ngăn chặn tiếp xúc giữa quân và dân, thực hiện âm mưu thâm độc “tách cá khỏi nước”. 

Đời sống các đơn vị cực kỳ khó khăn – thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm. Việc qua lại dòng sông chủ yếu là bơi bộ. Nhiều chuyến công tác từ Châu Thành sang Giồng Trôm không thể đi bằng đường bộ vì quá nhiều ổ phục kích của địch, mà phải “đi thủy” – đó là đặc thù chỉ có ở vùng sông nước thủy triều lên xuống. 

Từ An Phước, muốn về các xã Phong Mẫm, Phong Mỹ, Châu Hòa, Châu Bình thuộc Đông-Bắc huyện Giồng Trôm, toàn bộ trang bị cá nhân (cả súng đạn), túm gọn trong vải mưa, tạo thành chiếc phao, đợi con nước ròng vào ban đêm, tấp vô một dề lục bình, ngụy trang thật kỹ xuôi theo dòng nước. Mười mấy cây số, chỉ hơn một tiếng đồng hồ đã tới nơi. 

Qua mặt bọn cú vọ phục kích, kể cả bọn lính canh đồn bốt với đèn pha chiếu sáng rực mặt sông. Khi trở về, cũng theo quy trình ấy, theo chiều con nước lớn mà xuất quân.

Trước tình hình căng thẳng như thế, đơn vị chúng tôi đề nghị lãnh đạo địa phương tổ chức cuộc họp liên cơ bàn biện pháp phối hợp chống càn giữ đất; bao vây bức rút đồn bốt; phá khu gom dân, vận động quần chúng đấu tranh chính trị đòi trở về vườn cũ làm ăn sinh sống. Những chiếc tàu chiến tuần tiễu trên sông Ba Lai giao cho lực lượng du kích phục kích bắn tỉa. 

Cảnh giăng đáy bắt cá trên sông. (Ảnh do tác giả bài viết chụp năm 1972)

Chỉ sau 6 tháng đã bẻ gãy nhiều cuộc càn quy mô cấp tiểu đoàn vào An Phước. Bót Cầu Đình án ngữ sát bờ sông không chịu nổi áp lực vây ép đã phải rút chạy. Tình hình chiến sự bớt căng thẳng hơn. Tuy nhiên, đời sống vẫn quá khó khăn. 

Trước tình hình đó, cấp ủy Đảng và  lãnh đạo Cụm họp bàn thống nhất chủ trương phát động tinh thần cán bộ, chiến sĩ tự túc lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống đơn vị. Một tổ tăng gia sản xuất được thành lập, gồm 7 người nòng cốt, có kinh nghiệm trồng tỉa, chăn nuôi. Mượn ruộng bỏ hoang của dân ở ven đồng để cấy lúa, trồng rau. 

Mượn những bờ mương dừa ở vườn cũ của bà con đã bị bom tàn phá để trồng ngô, khoai, sắn. Những hố bom đìa thành ao thả rau nhút và nuôi vịt. Dựng một sào đáy ở sông Ba Lai. Đây là nội dung hấp dẫn nhất và tốn nhiều thời gian bàn luận nhất. 

Nó hấp dẫn bởi, sẩm tối, khi nước chớm ròng, thả đáy xuống, chừng hai, ba giờ sau khi nước ròng sâu, ra kéo đáy lên là có cả một cần xé (sọt to) tép bạc, tôm, cá. Cái khó là tiền đâu để mua đáy, mua xuồng? Có phương tiện rồi thì đào đâu ra người sử dụng? 

Bàn tới, bàn lui, cuối cùng đi tới thống nhất: Tạm vay tiền của một số gia đình cơ sở điều kiện kinh tế khá giả và sẽ trả lại sau một thời gian có thu hoạch. Không phải mua thực phẩm, rau xanh và một phần lương thực thì tiền sinh hoạt theo chế độ của toàn đơn vị sẽ đủ sức trả nợ. 

Còn lại vấn đề khó khăn là “thợ đáy”, Cụm phó Năm Phương hứa sẽ về quê ở Châu Bình, Giồng Tôm thuyết phục cha mình là ông già Năm, một “chuyên gia” nghề đóng đáy lên giúp đỡ một thời gian. 

Công tác chuẩn bị cuối cùng đó là cặp sào đáy. Phải có 2 cây cau già, mỗi cây dài ít nhất 10m, cắm sâu xuống sông làm trụ để giăng đáy. Đường kính miệng đáy rộng chừng 5m, chiều dài của đáy cỡ gần 20m, phần cuối cùng là bầu đáy, nơi tôm tép đổ dồn về đó.

Ngày “khai trương” sào đáy, đơn vị vui như mùa hội. Ông già Năm từ lúc đóng đáy cho tới khi dỡ đáy, thoăn thoắt vừa làm vừa hướng dẫn cho anh em. Mẻ đáy đầu tiên trúng lớn. Tôm tép dồn cứng bàu đáy, đổ đầy cả cần xé. 

Sông nước miền Tây vào mùa Tết.

Cụm trưởng Bảy Vĩnh quyết định luộc toàn bộ để liên hoan mừng thắng lợi. Rượu đế Lương Hòa nhắm với tép bạc luộc chấm muối ớt, ai cũng ăn tới no mà không hết. Đơn giản vậy thôi, song lại là kỷ niệm nhớ đời đối với chúng tôi.

Những mẻ đáy sau đó, khi “xuất quân”, chúng tôi đều bố trí một tổ trinh sát cảnh giới, đề phòng trực thăng tuần tiễu theo sông. Người và xuồng đều ngụy trang cẩn thận. Khi phát hiện có máy bay, nhanh chóng tấp vào bờ, luồn dưới những cây bần cành lá xòa tới mặt nước.

Một lần, do tính sai con nước ròng, thời gian ra sào đáy chậm, nước cạn tới gần nửa sông, anh em đã giốc tép từ bầu đáy vào cần xé thì bộ phận cảnh giới hô lớn: “Trực thăng từ phía kênh Chẹt sậy bay lên”. 

Tình huống quá bất ngờ, anh em đành phải đánh đắm xuồng, mỗi anh nhanh chóng tấp vào một dề lục bình thả xuôi theo nước. Thật hú vía! Sau mấy loạt đại liên bắn vu vơ hai bên bờ sông, chiếc trực thăng cất cánh bay xa. Anh em trở về sào đáy, đánh nổi xuồng rồi cùng nhau đẩy vượt giốc, giấu xuồng vào lùm cây.

Năm đó chúng tôi ăn tết thật to. Có thể nói, nhu yếu phẩm không thiếu thứ gì. Bánh tét do đơn vị tự gói bằng nếp tăng gia. Lợn do bà con nuôi giúp bằng cám, ngô, rau của đơn vị. Có vịt, gà tự túc. Tôm, cá, tép thì ê hề, phải chia bớt cho đơn vị bạn. Kẹo, mứt các loại do bà con ngoài ấp chiến lược gửi tặng. 

Trưa mùng Một tết bà con ngoài ven đồng vào ăn tết với đơn vị rất đông. Các bà, các cô diện như đi hội. Sáng 30 tết cả đơn vị tập trung “sản xuất” bàn ghế để đón tiếp bà con. Bàn ghép bằng tre, ghế bằng thân cau, thân cây dừa khô. 

Một cái tết thắm tình quân dân, trở thành một trong những yếu tố tạo nên những mối tình của các chàng trai đơn vị chúng tôi với một số cô thôn nữ quê dừa An Phước, để rồi có tới nửa tá cán bộ, chiến sĩ H67 trở thành chàng rể của miền quê yêu dấu ấy.

Kết thúc chiến tranh, tôi trở về miền Bắc, thi thoảng có chuyến công tác tới các miền quê có cửa biển, cửa sông, gặp những sào đáy, lòng lại bâng khuâng nhớ về bến sông xưa nơi xứ dừa Đồng Khởi, nơi khắc ghi trong tôi bao kỷ niệm của một thời đầy niềm thương, nỗi nhớ. 

Khổng Minh Dụ
.
.
.