“Rộ việc” lừa đảo xuất khẩu lao động sang Singapore

Chủ Nhật, 03/09/2017, 11:02
Xuất khẩu lao động đi Singapore đang thu hút rất nhiều lao động Việt Nam do quy trình đơn giản, đi nhanh. Chi phí thì tương đương xuất khẩu lao động Đài Loan, nhưng dựa theo tâm lý người lao động muốn đi nhanh, rất nhiều môi giới đưa ra mức phí rẻ không tưởng. Không ít người đã “sập bẫy”.


Chị Bùi Huỳnh Cẩm Tú vẫn nhớ rõ cảm giác sợ sệt khi một mình bơ vơ tại sân bay Changi (Singapore) khi dính bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động. Từng có thời gian thực tập 1 tháng tại Singapore nên chị có mong muốn được làm việc dài hạn tại đây. Trong lúc tìm hiểu các công ty đưa người đi lao động tại Singapore, chị có quen biết một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Mai Phương (quê Nghệ An).

Nguyễn Thị Mai Phương giới thiệu là người của Công ty Cổ phần Nhân lực Việt (Viettravel) và đối tác bên phía Singgapore là Công ty Inter Island. Qua bạn bè và internet thì chị Tú biết Vietravel và Inter Island đều là các công ty có tiếng tại Việt Nam và Singapore, chính vì thế chị đã tin tưởng và “sập bẫy” lừa đảo với tiền phí là 4.000 USD.

“Mấy người lừa đảo giờ cũng làm bài bản lắm. Sắp xếp phỏng vấn qua Skype. Nhưng mình không thấy được mặt người phỏng vấn. Thời gian chờ để biết kết quả phỏng vấn khoảng 1 tuần. Và khoảng hơn 2 tuần nữa để xin giấy phép lao động từ Bộ Lao động ở Singapore. Sau khi được báo là giấy phép được thông qua, đối tượng sẽ gửi giấy phép có thông tin của mình qua email. Nhưng đó là giấy phép giả”, chị Tú chia sẻ. Về nước khi tìm hiểu kỹ từ phía Công ty Viettravel, chị Tú mới biết Nguyễn Thị Mai Phương không phải là người của công ty và chỉ mượn danh để lừa đảo.

Chi phí thấp, lương cao và nhanh xuất cảnh là những chiêu bài để các “cò” lừa đảo người lao động đi Singapore.

Khác với trường hợp chị Tú, chị Nguyễn Thu Trang cũng được xuất cảnh sang Singapore, nhưng do công việc không giống như thỏa thuận trong hợp đồng nên chị phải bỏ việc. Được giới thiệu chương trình đi xuất khẩu lao động sang Singapore 3 tháng với cam kết  thời gian làm việc là 8 giờ/ngày, được bao ăn và cung cấp chỗ ở trong ký túc xá, thu nhập lên tới 1.600 SGD/tháng (khoảng 24 triệu đồng).

“Họ hứa nếu công ty không đưa được người lao động sang làm việc theo đúng hợp đồng đã ký kết mà lao động phải về nước thì phía công ty sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đóng ban đầu. Chính vì thế chúng tôi đã tin tưởng để đi theo chương trình này với tổng chi phí là 1.800 USD”, chị Trang cho biết. Tất cả lao động đều không được phỏng vấn bằng tiếng Anh, hợp đồng chỉ là một tờ giấy viết tay và một tờ giấy thông hành giới thiệu lao động.

Trong bộ hồ sơ của chị còn ghi tốt nghiệp đại học, trong khi thực tế thì chị mới chỉ học hết lớp 12. Sau khi sang Singapore, lao động phải tự tìm đến địa điểm lưu trú, ngày phải làm việc từ 10h sáng đến 11h tối, chỉ được nghỉ 1 tiếng để ăn một bữa và phải đứng suốt thời gian làm việc. Kiệt sức, những lao động như chị Trang phải bỏ việc.

Cùng đoàn với chị Trang còn có một lao động nữa cũng phải chi trả 1.700 USD và 2,5 triệu tiền vé máy bay, nhưng đến sân bay Singapore thì bị tạm giữ 2 ngày, ngoài ra còn bị phạt 1.200 SGD và trục xuất về nước. Lý do có thể là phía nước bạn nghi ngờ mục đích nhập cảnh không rõ ràng, không có địa chỉ làm việc cụ thể sau khi nhập cảnh, nghi ngờ dính dáng tới mại dâm.

Theo anh Nguyễn Hoàng Anh, Công ty Nhân lực ACC chuyên về phái cử lao động thì người lao động có mong muốn đi làm việc tại thị trường Singapore phải tìm hiểu một số kiến thức nhất định để tránh bị lừa đảo, phía bên chủ sử dụng lao động Singapore luôn tuyển lao động biết tiếng Trung hoặc tiếng Anh, phỏng vấn cũng trực tiếp bằng ngoại ngữ.

Đi xuất khẩu lao động Singapore không có phí rẻ vài chục triệu đồng. Đi Singapore lao động không có công việc nhàn nhã lương cao mà yêu cầu thấp. Thường là các công việc tại đây làm 12 giờ/ngày, nghỉ 2-4 ngày/tháng. Lương cơ bản thường là 1.200-1.600 SGD cho các công việc phổ thông, bao ăn ở hay không là do chủ sử dụng (sẽ nói rõ khi phỏng vấn trực tiếp lao động). Các công việc lương cao hơn luôn đi kèm yêu cầu khắt khe về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, ngoại hình, kinh nghiệm của người lao động.

Trước việc thời gian qua, liên tục xuất hiện tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động đi làm việc tại Singapore, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TBXH) cảnh báo, trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Singapore là một trong những thị trường khá “khó tính”. Người lao động nước ngoài muốn được cấp visa làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực.

Hơn nữa, pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Do đó, người lao động phải cảnh giác với các thông tin tuyển lao động sang Singapore làm việc.

Thời gian qua, có rất nhiều trang web đưa các thông tin đăng tuyển lao động đi làm việc tại Singapore mà hầu hết các trang web này đều là những trang không chính thống hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ- TBXH cấp.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Singapore phải được cấp một trong 3 loại visa sau: Work Permit, S Pass, E Pass. Hiện nay, lao động Việt Nam có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass hoặc E Pass. Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit (Singapore chỉ cấp Work Permit cho phép lao động phổ thông đến từ Malaysia, Hong kong, Macao, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái lan, Bangladesh, Myanmar, Phillipines và Trung Quốc).

“Những lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nói chung và Singapore nói riêng chỉ đăng ký đi tại các doanh nghiệp có giấy phép của Bộ LĐ- TBXH và có đăng ký hợp đồng đi Singapore đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận. Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thẩm định hợp đồng và chấp thuận cho 2 Công ty PITSCO và TMAS Co., Ltd tuyển và đưa lao động thuyền viên tàu du lịch và thuyền viên tàu biển sang làm việc tại Singapore”, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.