Nuôi “con chữ” trong những lớp học tạm ở vùng cao Trà Khê

Thứ Bảy, 15/09/2018, 08:57
Bước vào năm học mới 2018-2019, gần một nửa số học sinh từ cấp mầm non tới tiểu học trên địa bàn Trà Khê, huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi lại phải tiếp tục đồng hành với các lớp học tạm bợ, vách tre lồ ô, những miếng tôn gỉ sét dùng làm cửa, cơ sở vật chất thiếu thốn trầm trọng...

Trà Khê được đánh giá là xã nghèo nhất nước, là nơi sinh sống chủ yếu của bà con dân tộc Cadong và Cor. Nhiều năm nay, xã luôn trong tình trạng thiếu phòng học, nhất là đối với bậc mầm non đến tiểu học. 

Ngoài điểm trường chính, nhà trường phải chia thành nhiều điểm lẻ và dựng các lớp học tạm bợ bằng cây lồ ô, để đảm bảo cho tất cả các em đều có thể tới lớp. 

Cô Võ Thị Ánh Tuyết (30 tuổi, giáo viên tại điểm trường thôn Sơn 1, Trà Khê) chia sẻ, năm học mới này, Trường Tiểu học Trà Khê có 5 phòng học tạm, ngoài một phòng học tạm tại điểm trường chính, 4 phòng học còn lại được phân chia tại các điểm lẻ ở thôn Đông, thôn Sơn 1 và 2. 

Các phòng học tạm này đều là do phụ huynh trong xã góp một ngày công, sử dụng thân tre lồ ô đập giập để dựng vách, phía trên lợp bằng mái tôn, cửa chính phòng học cũng được tận dụng từ những tấm tôn cũ. 

Lớp học tạm bợ, vách bằng tre lồ ô tại Trà Khê.

Nguyên nhân khiến cho học sinh phải học các lớp học tạm bợ một phần là vì số phòng học tại điểm trường chính không thể đáp ứng đủ, một phần vì địa hình đường núi xa xôi hiểm trở, các em nhỏ phải đi bộ tới trường, nhiều khi để tới được điểm trường chính có em còn phải đi bộ tới một giờ đồng hồ. 

Vậy nên việc dựng lớp học tạm tại các điểm lẻ để các em có thể rút ngắn được một đoạn đường đèo… Mặc dù vậy, con đường tới trường của các em cũng không hề dễ dàng. 

Tại thôn Sơn có 2 điểm trường lẻ là thôn Sơn 1 và thôn Sơn 2. Để tới được điểm thôn Sơn 1, các em phải vượt qua một đoạn đường đất đá lởm chởm, một bên là vực sâu, một bên là vách núi, năm nào mùa mưa cũng xảy ra sạt lở.

Trong khi đó, điểm trường thôn Sơn 2 lại nằm sâu trong rừng núi, phải đi một quãng đường đèo rất xa, băng qua một con suối mới tới trường. Mùa mưa, nước dâng cao, người dân lại tập hợp nhau để làm cầu treo bằng cây lồ ô, giúp các em học sinh có thể qua suối tới trường…

Đáng lo ngại, hiện ở Trà Khê không chỉ có trường tiểu học mà cả Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Khê cũng đang đối mặt với nỗi lo sạt lở trong mùa mưa tới. 

Năm 2017 vừa rồi, mưa lũ sạt lở đã vùi lấp 2 phòng nhà bán trú của học sinh. Nhà bán trú đã được làm lại nhưng giáo viên và học sinh của trường vẫn rất lo lắng vì nguy cơ sạt lở núi vẫn có thể xảy ra trong mùa mưa tới. 

Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Đỗ Khanh cho biết: “Mặc dù lo lắng nhưng vì chưa có kinh phí để kè chống sạt lở, nên là tạm thời nhà trường mới chỉ có thể khắc phục lại chỗ ở cho các em. Năm học mới này, nhà trường phải dựng thêm một lớp học tạm ở phía sau sân chơi cho các em, vì trường có 5 lớp nhưng chỉ có 4 phòng học thôi”. 

Ngừng một lát, thầy Khanh thông tin thêm: Hiện nay, trên địa bàn huyện Tây Trà có 34 phòng học tạm từ bậc mầm non đến THCS, 7 điểm trường bị sạt lở, mới chỉ có thể khắc phục 4 điểm, còn 3 điểm trường chưa xử lý được do thiếu kinh phí… 

Theo ông Hồ Văn Hai, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Khê, chính quyền xã đã đề xuất lên cấp trên xin kinh phí xây dựng thêm phòng học, nhưng vấn đề khó khăn nhất đối với Trà Khê đó chính là không có mặt bằng. 

“Địa hình đặc trưng của xã Trà Khê là núi rừng hiểm trở, thế nên để tìm được vị trí phù hợp với chuẩn diện tích đối với yêu cầu xây dựng trường học là rất khó, tìm được mặt bằng tốt mà xa vùng có nguy cơ sạt lở lại càng khó hơn”, ông Hai nói.

Linh Nguyễn
.
.
.