Lớp học của “thầy giáo thiện nguyện” ở làng biển Tiên Châu

Thứ Hai, 09/07/2018, 08:32
Về làng biển Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (Phú Yên) giữa buổi sáng cuối tháng sáu ngập tràn nắng gió, hỏi đến Huỳnh Xuân Hoàng, nhiều người dân ở đó đều bày tỏ tình cảm mến thương khi gọi chàng trai 30 tuổi này là “thầy giáo thiện nguyện”.

Gặp anh Hoàng tại tiệm cắt tóc bên con hẻm nhỏ ở làng biển do anh tạo lập để mưu sinh, chàng trai nhanh nhạy, có gương mặt thông thái, hiền lành chia sẻ: “Tôi sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, nhưng vẫn được ba má tạo điều kiện đi học văn hóa. Sau khi tốt nghiệp PTTH giữa năm 2007, tôi gác lại ước mơ vào đại học vì ba má còn phải vất vả chăm nuôi hai đứa em, nên tôi vào Đồng Nai xin làm công nhân hơn 6 năm. 

Trong những tháng cuối trước khi rời Đồng Nai về quê, tôi mua bộ đồ nghề hớt tóc để tự cắt tóc cho một số đồng nghiệp bằng kỹ năng… tự học sau nhiều lần ngồi ở tiệm cắt tóc quan sát từng thao tác của những người thợ chuyên nghiệp”.

Không ngờ bàn tay của Hoàng tạo dáng những kiểu tóc đẹp khiến cho nhiều người khen, nên anh về quê mở tiệm cắt tóc để mưu sinh, góp chút tiền cùng bố mẹ chăm lo cho đứa em gái Huỳnh Thị Mỹ Toàn tốt nghiệp khoa kinh tế Trường Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh. Khi những người già neo đơn và trẻ em nghèo đến hớt tóc, Hoàng không chỉ từ chối nhận tiền mà còn nghĩ đến chuyện mở “lớp học tình thương”.

Khởi đầu, Hoàng vận động bạn bè, người thân quyên góp kết hợp sưu tầm, tìm mua nhiều loại sách giáo khoa, giáo dục nhân cách, phật pháp, truyện tranh, văn học, hướng dẫn nấu ăn, kỹ năng sống,… để tạo lập một “thư viện mi ni” kế bên tiệm hớt tóc. 

Khi nhìn thấy số lượng bạn đọc mỗi ngày thêm nhiều, một số người đã tự nguyện bổ sung thêm sách nên đến nay “thư viện mi ni” của Hoàng có hơn 100 đầu sách. Mỗi khi có học sinh nghèo đến đọc sách hay hớt tóc miễn phí, Hoàng tìm hiểu gia cảnh, nguyện vọng và vận động đến “lớp học tình thương” từ năm 2014. 

Lúc đầu chỉ gần 10 học sinh, nhưng ba tháng sau tăng lên gần 100, trong khi lớp học là tiệm hớt tóc và “thư viện mi ni” nhỏ hẹp nên Hoàng phải phân chia 4 ca học, thời gian còn lại anh kiếm cơm bằng nghề hớt tóc. Hoàng đảm trách bồi dưỡng kiến thức các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh cho học sinh từ lớp 6 đến 12.

Một buổi học ở lớp học tình thương do thầy Huỳnh Xuân Hoàng sáng lập và giảng dạy.

Dù chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nhưng dường như kỹ năng sư phạm đã hình thành trong tư chất từ lâu, kết hợp với niềm đam mê và tấm lòng thiện nguyện đã giúp cho Hoàng trở thành một “thầy giáo” có năng lực với phương pháp giảng bài dễ hiểu.

“Tiếng lành đồn xa”, không riêng học sinh ở xã An Ninh Tây mà nhiều học sinh ở xã An Ninh Đông, An Thạch tìm đến lớp học của Hoàng nên đến mùa hè năm ngoái số lượng tăng hơn 200. Trước thực tế đó, Hoàng đề xuất và được Trưởng thôn Tiên Châu xin ý kiến người dân cho mượn nhà văn hóa để dạy học. Hoàng tổ chức giảng dạy từng môn học theo nhóm lớp, trong đó nhiều môn học có hơn 80 học sinh, nên Hoàng phải giảng bài bằng micro qua loa âm thanh bên trong nhà văn hóa. 

Để nâng cao hiệu quả dạy và học, mỗi tháng Hoàng trích một phần nhỏ trong nguồn thu nhập từ nghề hớt tóc để mua sách giáo khoa nâng cao các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh để rèn luyện, bồi dưỡng trình độ cho những học sinh có khả năng học tốt môn học đó. Ngoài ra, Hoàng còn mua thêm bút, tập vở để “thưởng nóng” cho những học sinh giải được những bài tập khó tại “lớp học tình thương”.

Điều đáng ghi nhận là từ học lực trung bình, nhiều thanh thiếu niên nghèo được Hoàng bồi dưỡng kiến thức đã trở thành học sinh khá, giỏi. Nổi bật trong số đó là Nguyễn Ngô Thanh Trúc, Nguyễn Phạm Trúc Quỳnh, Nguyễn Huỳnh Thục Đoan đạt danh hiệu học sinh giỏi khối lớp 8 Trường THCS Võ Thị Sáu. Và trong cuộc thi học sinh giỏi toàn tỉnh Phú Yên, Bùi Đăng Huy, Phan Bích Hợp đạt giải nhì, Trần Thị Hiền đạt giải khuyến khích môn Hóa lớp 9; Lê Kim Hiếu đạt giải ba môn Hóa lớp 10…

Đến “lớp học tình thương” của “thầy giáo” Huỳnh Xuân Hoàng những ngày đầu mùa hè năm nay, chúng tôi thật sự bất ngờ khi ghế ngồi bên trong nhà văn hóa thôn Tiên Châu khép kín, trong đó có cả một số ghế do Hoàng tự đóng thêm và ghế ngồi của học sinh mang theo, thế nhưng vẫn còn một số học sinh phải ngồi tạm dưới…sàn nhà để học. Để góp phần sẻ chia khó khăn ở “lớp học tình thương”, một nhóm bạn trẻ ở TP Tuy Hòa đã trao tặng 20 ghế nhựa, 150 tập vở, 200 cây bút, 2,5 triệu đồng cho lớp học và tặng xe đạp cho “thầy giáo thiện nguyện” Huỳnh Xuân Hoàng – người đã 7 năm ăn chay trường.

Bà Đinh Thị Thiên Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Ninh Tây cho biết: “Không riêng chính quyền địa phương mà nhiều người dân ở đây thật sự cảm phục trước hành động thiện nguyện của Hoàng. “Lớp học tình thương” của chàng trai nay đã góp phần xã hội hóa và nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa ở một vùng quê”. 

Huỳnh Xuân Hoàng cho biết anh mong ước được tiếp tục bồi dưỡng kiến thức văn hóa, cắt tóc miễn phí cho học sinh nghèo và mong sao có thêm những tấm lòng thiện nguyện góp sách cho “thư viện mi ni”, trao tặng sách vở, đồ dùng học tập cho những trường hợp nghèo khó ở “lớp học tình thương”.

Hữu Toàn
.
.
.