Nỗi lo từ kho hung khí “khủng” ở Củ Chi

Thứ Tư, 10/01/2018, 09:33
Từ vụ cơ quan Công an phát hiện kho hung khí “khủng” ở huyện Củ Chi, TP HCM mới đây một lần nữa cho thấy hoạt động tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng (VKQD), công cụ hỗ trợ (CCHT) và các lọai hung khí nguy hiểm vẫn còn tiềm ẩn mối nguy lớn cho xã hội, nhất là khi chúng khi rơi vào tay kẻ xấu. 

Chính vì vậy mà công tác tấn công, trấn áp tội phạm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép VKQD, CCHT, vũ khí thô sơ (VKTS) và vật liệu nổ (VLN) luôn được ngành Công an đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên để công tác quản lý được hiệu quả thì rất cần sự hợp sức từ phía người dân.

Cất vó

Sau một thời gian dài theo dõi, 23h ngày 5-1, Đội Cảnh sát hình sự Đặc nhiệm (Đội 3) Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an huyện Củ Chi và Công an xã Tân Thông Hội kiểm tra hành chính căn nhà số 5A, đường 23, ấp Tân Định.

Qua đó phát hiện nơi đây tàng trữ số lượng lớn CCHT, VKTS, bao gồm: 2.547 cây các loại dao, kiếm, đao, lưỡi lê và mã tấu; 93 súng bắn bi; 731 súng điện, roi điện; 258 bình xịt hơi cay, 61 bình gas CO2…

Chủ nhân căn nhà này là Vũ Thị Diệp (28 tuổi) khai nhận bắt đầu mua bán CCHT, VKTS từ tháng 7-2017 qua mạng xã hội Facebook, Zalo nhưng ở quy mô nhỏ.

Khoảng tháng 9-2017, Diệp quen biết với một phụ nữ tự xưng tên là Hạnh, ở Móng Cái (Lạng Sơn) qua mạng zalo có nickmane “Nguyễn Gia Bao”. Sau khi liên lạc nhau bằng điện thoại, Hạnh nói mình có nguồn mua hàng CCHT, VKTS rất phong phú muốn phối hợp làm ăn với Diệp.

Kho hung khí được phát hiện tại nhà Vũ Thị Diệp.

Vốn tham tiền, Diệp liền đồng ý và thống nhất cách mua, Diệp sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho Hạnh, sau đó Hạnh gửi các thùng hàng theo xe khách, tàu hỏa giao cho Diệp. Để hỗ trợ cho vợ, đối tượng Phạm Thành Long (SN 1984, quê quán Hải Phòng), chồng của Diệp trực tiếp nhận hàng từ Hạnh, quản lý kho hàng và giao hàng bán lại cho khách khi có đơn đặt hàng. Để tìm nhiều mối bán hàng, Long lập Facebook với nickname “Lì Ham Vui” và “Tự Vệ Miền Tây” để quáng bá và tiếp nhận đơn hàng.

Diệp khai, mỗi lần mua CCHT và VKTS của Hạnh ít nhất 2 thùng hàng, nhiều nhất là 6 thùng hàng có giá trị từ 20-50 triệu đồng. 

Lần giao dịch gần nhất là cuối tháng 12-2017, Diệp đặt  mua 40 cây kiếm Nhật với giá 20 triệu đồng. Để qua mắt cơ quan chức năng, mỗi lần Diệp chuyển tiền cho Hạnh qua ngân hàng đều có số tài khoản khác nhau. Tính đến ngày bị bắt, Diệp đã giao dịch mua CCHT, VKTS với Hạnh tổng số tiền khoảng 700 triệu đồng.

Trước khi phát hiện kho CCHT, VKTS nói trên, tháng 11-2017, Đội 3 còn triệt phá một đường dây tàng trữ, mua bán trái phép VKQD quy mô lớn do Võ Hồng Phúc (34 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cầm đầu. Lúc bị bắt, trong chiếc cặp mà Phúc mang theo người có 1 quả lựu đạn mỏ vịt loại M67, 1 khẩu súng bằng kim loại màu đen, 3 khẩu súng rulo màu trắng, 1 khẩu súng tự chế, 7 viên đạn, 5 vỏ đạn, 2 ống kim loại dùng để bắn đạn diêm và 1 ống giảm thanh. Tất cả số vũ khí này Phúc khai mua trực tiếp của một số người quen biết và mua qua mạng Facebook của nhiều đối tượng không rõ họ tên.

Sau khi mua xong, Phúc chỉ đạo đàn em thân tín của mình là Lê Ngọc Mãi (tự Minh, 17 tuổi, ngụ TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) tìm mối bán lại kiếm lời. Đặc biệt, Phúc khai mình còn sử dụng một khu rẫy nằm sâu trong rừng thuộc thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước) để làm nơi cất giấu vũ khí, thử bắn súng và gia cố, cải tạo vũ khí trước khi mang bán lại.

Cần sự phối hợp từ người dân

Ngoài mua bán trên mạng, qua tìm hiểu của PV Báo CAND, nhiều khu chợ ở khu vực các quận 1, 5, 6 và 10 tuy không bày bán công khai nhưng khi khách có nhu cầu mua VKTS, CCHT thì đều có hàng với cam kết “muốn bao nhiêu cũng có”. Nhiều cửa hàng ngụy trang bán hàng tạp hóa nhưng phía trong nhà là cả một kho VKTS, CCHT.

Trước khi phát hiện ra kho hung khí “khủng” của Vũ Thị Diệp thì vụ mua bán CCHT lớn nhất bị phát hiện là kho CCHT, VKTS nằm trên đường Lê Lợi, quận 1 với 2.731 dao bấm, 558 dùi cui, 338 ống nhòm, 69 côn nhị khúc, 55 bình xịt hơi cay, 30 roi điện… 

Hình thức mua bán chủ yếu hiện nay là qua mạng Internet. Còn đối với VKQD, từ thực tế các vụ án mà hung thủ sử dụng súng (chủ yếu là K54, K59 và AK) đã xảy ra, cho thấy súng được mua từ Campuchia, Trung Quốc rồi “xách tay” về Việt Nam qua nhiều ngõ ngách.

Thực hiện theo Nghị định 47/CP năm 1996 của Chính phủ về quản lý VK, CCHT, VLN, hơn 20 năm qua, Công an TP HCM đã phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự và các ngành chức năng khác tổ chức kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng chục ngàn VKQD, VKTS, CCHT, VLN do tàng trữ, sử dụng trái phép, góp phần đảm bảo tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công an TP Hồ Chí Minh thì các loại VKTS, CCHT trong nhân dân còn rất nhiều vì làn sóng nhập lậu VKTS, CCHT từ nước ngoài vào Việt Nam còn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, Ban giám đốc Công an TP HCM thường xuyên chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ, Công an các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự giác giao nộp VKQD, VKTS, CCHT, VLN.

Bên cạnh đó, cơ quan Công an còn tuyên truyền vận động sâu rộng tới các chủ vựa phế liệu, lò rèn… nói không với việc mua bán các loại hung khí nguy hiểm và chế tạo VKTS như mác, mã tấu, dao… cho bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, để công tác quản lý thật sự đạt hiệu quả, Công an cấp phường - xã phải tăng cường hơn nữa công tác phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ hành vi mua bán VKTS, CCHT trái phép.

Ngoài ra, cơ quan chức năng rất cần sự hợp tác từ phía người dân, khi phát hiện ra người thân của mình tàng trữ VKQD, CCHT, VKTS thì bằng mọi cách khuyên nhủ, động viên họ tự nguyện giao nộp để tránh rắc rối về sau.

Mã Hải
.
.
.