Những chuyện xúc động ghi được ở Khu Di tích Phủ Chủ tịch

Thứ Sáu, 19/05/2017, 08:49
Phủ Chủ tịch, nơi Bác Hồ sống và làm việc trong 15 năm cuối đời tấp nập bước chân người. 100 cán bộ, công nhân viên đang làm nhiệm vụ tại đây cảm nhận được bao tình cảm kính trọng, yêu thương mà đồng bào, bạn bè quốc tế dàng cho Bác Hồ.



Ngày 18-5, cơn mưa nặng hạt không ngăn được dòng người vào thăm Khu Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình. Phủ Chủ tịch, nơi Bác Hồ sống và làm việc trong 15 năm cuối đời tấp nập bước chân người. Hơn 100 cán bộ, công nhân viên đang làm nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị hiện vật trong Khu được huy động hết công suất, nhưng họ lại đón nhận được bao tình cảm kính trọng, yêu thương mà đồng bào, bạn bè quốc tế dàng cho Bác Hồ.

Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Công cho biết, hàng năm, cứ vào dịp sinh nhật Bác, Khu di tích luôn đông nghẹt khách tham quan. Ngày cao điểm 19/5, bình quân, khu Di tích đón khoảng 40.000 lượt người. Hoạt động trong ngày thường bắt đầu từ 5h với công tác dọn dẹp vệ sinh, kiểm tra sân vườn, cơ sở vật chất.

Trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, Phủ Chủ tịch là nơi người dân và du khách quốc tế đến viếng thăm nhiều, có lẽ chỉ sau Lăng Bác. Đây là nơi Bác sống và làm việc trong 15 năm cuối đời từ 1954 đến 1969.

Hướng dẫn viên Nguyễn Thị Lệ Thủy cho chúng tôi biết, những ngày này, cán bộ công nhân viên làm việc thông trưa là chuyện bình thường. Khách tham quan thường dừng chân nhiều ở khu nhà sàn và khu nhà 54  – nơi Bác Hồ từng sống và làm việc.

Các em học sinh và du khách xếp hàng chờ tham quan di tích Phủ Chủ tịch.

Thực tế, Phủ Chủ tịch vốn là Phủ Toàn quyền Đông Dương – một trong số các địa chỉ sang trọng nhất tại Hà Nội trước khi đất nước giành độc lập.

Ngày tiếp quản Thủ đô, Đảng, Nhà nước đón Bác về nơi đây. Đến nơi, Bác đi 1 vòng khu nhà rồi nhất định chọn ngôi nhà dành cho người làm điện (nay là ngôi nhà 54) làm nơi ăn, nghỉ, làm việc.

Vì theo Người, sống trong ngôi nhà của thợ điện như thế đã sung sướng hơn rất nhiều đồng bào cả nước. Tòa nhà chính dành cho Đảng, Nhà nước tiếp khách.

Đến nay, ngôi nhà Bác từng sống và làm việc từ nửa thế kỷ trước vẫn giữ nguyên trạng. Phòng ở vẫn còn chiếc tủ xếp ngay ngắn vài bộ quần áo cũ, sờn. Trên chiếc bàn ăn vẫn bày bộ bát đĩa, chiếc cặp lồng nhôm cũ ngay ngắn trên chiếc khăn trắng nhỏ, trải gọn một góc bàn.

Nữ hướng dẫn viên cho biết, chiếc cặp lồng vốn được Bác dùng để đựng cơm, thức ăn mỗi lần đi công tác. Người chuẩn bị sẵn đồ ăn từ nhà vì không muốn phiền hà người dân và cán bộ công nhân viên các cơ quan đơn vị nơi Người đến làm việc.

Dòng người xếp hàng chờ vào thăm nhà sàn Bác Hồ.

Tại Nhà sàn Bác Hồ, nữ hướng dẫn viên cho biết, ngôi nhà sàn này chỉ được xây dựng sau 4 năm Bác chuyển về Phủ.

Ngôi nhà 54 mà bác chọn ở khi mới về có phòng ăn, phòng ở, phòng làm việc nhưng diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 10 m²/phòng. Mùa đông gió lùa thẳng vào phòng, mùa hè lại nóng. Thương Bác, các đồng chí lãnh đạo Trung ương đều đề nghị Bác chuyển nơi ở hoặc làm nhà mới riêng nhưng Bác không đồng ý.

Mãi đến năm 1958, một đoàn cán bộ từ  Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn về Hà Nội thăm và báo cáo Bác là ngôi nhà bằng tre nứa lá mà Người từng sống và làm việc trước đây tại địa phương đã bị gió bão phá hủy. Ngay sau đó, Bác còn có một chuyến đi về với đồng bào các địa phương này. Thấy cuộc sống người dân tốt đẹp, Người rất vui.

Trở lại Hà Nội, Người mới đồng ý cho làm mới một ngôi nhà riêng. Tuy nhiên, Bác yêu cầu, đây phải là nhà nhỏ, gỗ thường, bên dưới thoáng, cầu thang đủ 2 người cùng lên, tầng trên có 2 phòng. Bác sử dụng 1 phòng làm việc. Phòng còn lại Bác dành cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng.  Toàn bộ sinh hoạt ăn, ở cá nhân, Bác vẫn tận dụng khu nhà cho thợ điện 54. 

Ngày mưa to, đường từ nhà sàn về nhà 54 ngập nước, đến giờ ăn trưa, những người phục vụ đề nghị mang cơm sang. Bác không đồng ý với lý do: Nếu để Bác tự về thì chỉ một người vất vả, nếu đưa cơm đến nhà sàn sẽ có nhiều người vất vả. Giữa một người và nhiều người phải vất vả vì bữa ăn, Bác chọn một người…

Các em thiếu nhi viếng thăm Khu di tích

Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Công cho biết, những câu chuyện xúc động về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các cán bộ công nhân viên ở Khu di tích Phủ Chủ tịch tìm hiểu, sưu tầm rất nhiều. Du khách đến tham quan nhà sàn Bác Hồ sẽ thấy một hầm trú ẩn nhỏ, diện tích khoảng 10 m².

Ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ từng kể rằng, năm 1966 – 1969, tình hình chính trị căng thẳng, các đồng chí lãnh đạo quyết định làm hầm trú ẩn cho Bác, đề phòng trường hợp Phủ Chủ tịch bị giặc ném bom.

Một lần, Bác đang nói chuyện với một cán bộ chuẩn bị sang làm việc tại Đại sứ quán Pháp thì đồng chí cảnh vệ vào báo, máy bay Mỹ đang ném bom rất gần nên mời Bác vào hầm trú ẩn. Bác nói đùa, đại ý: Bác già rồi, máy bay Mỹ nó cũng không muốn ném Bác đâu. Các chú còn trẻ, còn phải giữ mình để lo cho đất nước. Sau đó, Bác đẩy người cán bộ và người Cảnh vệ xuống trước. Bác là người xuống sau cùng... Những câu chuyện như thế là minh chứng cụ thể, xúc động về vị lãnh tụ vĩ đại của toàn dân tộc.

Nữ hướng dẫn viên Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng tâm sự rằng, với các cán bộ công nhân viên của Khu di tích, được tìm hiểu, sưu tầm các câu chuyện về Bác cũng là niềm tự hào, hạnh phúc. Riêng chị còn có cả một cuốn nhật ký ghi lại các câu chuyện mới sưu tầm, những vị khách đặc biệt, những kỷ niệm đặc biệt trong quá trình công tác tại Phủ Chủ tịch. Gần 10 năm gắn bó với khu di tích, những kỷ niệm, những câu chuyện ấy đã đầy ắp trong cuốn sổ dày cộp của chị. 

N.Nguyễn
.
.
.