Nguy cơ xóa sổ rừng ngập mặn
- Hơn 2 triệu USD cho phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình
- 8,8 triệu euro để bảo vệ rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long
- Khôi phục rừng ngập mặn ven biển để thích ứng với biến đổi khí hậu
- Cần khẩn cấp bảo vệ rừng ngập mặn ở ĐBSCL
Theo ghe của người dân, chúng tôi đã có mặt tại khu vực RNM thuộc xã Tân Hòa và Phước Hòa, huyện Tân Thành. Tại khu vực này, chúng tôi chứng kiến cảnh cây đước bị lâm tặc đốn ngã để lấy gỗ nằm ngổn ngang trên mặt nước. Trên một số lồng bè nuôi thủy sản, gỗ đước được chất thành đống.
Chị T buồn rầu nói, cả cánh rừng đước bạt ngàn, giờ đây chỉ còn lác đác như vậy đấy. Cây lớn bị chặt hết, chỉ còn lại toàn cây nhỏ, tái sinh. Khi ghe chạy qua đoạn gần thôn Phước Hiệp (xã Tân Hòa), nhìn thấy một đám đước có khoảng vài chục cây gỗ lớn, chúng tôi hỏi chị T, sao chỗ này vẫn còn cây gỗ lớn. Chị T cho biết đây là nơi đặt miếu thờ người khai sinh ra vùng đất này nên họ sợ không dám phá. Nếu không có miếu thờ thì đước ở đây cũng bị chặt phá hết từ lâu rồi.
Rừng ngập mặn bị chặt phá. |
Huyện Tân Thành trải dài theo 5 xã và 1 thị trấn dọc theo bờ sông Thị Vải từ xã Mỹ Xuân đến xã Tân Hòa với các loại cây như cây mắm, cây bần, cây đước… nhưng đến thời điểm này, RNM nhiều nơi trên địa bàn huyện đang giảm mạnh, từ 5.135ha xuống còn 2.000ha (giảm trên 50% so với trước năm 1991).
Theo những người dân sống lâu năm ở xã Tân Hòa, việc rừng ngập mặn bị tàn phá là do sau giải phóng nhiều người dân ở các địa phương lân cận đã đến chặt phá rừng làm đùng nuôi tôm, cá, dựng nhà tạm để ở và khai thác lâm sản trái phép.
Cũng theo các hộ dân, do việc quản lý không chặt chẽ nên gần như toàn bộ các loại cây đặc hữu có chức năng phòng hộ ở đây đều đã bị triệt hạ, mà phần lớn là cây đước. Loại cây này gỗ rất chắc, bền, giá trị kinh tế cao.
Do lực lượng kiểm lâm buông lỏng trong khâu quản lý nên các đối tượng thường lén lút vào rừng đốn cây để bán cho những người cần gỗ làm nhà, dựng lều quán hoặc đốt gỗ đước để lấy than bán kiếm lời. Lợi nhuận cao như vậy nên rừng đước ở đây đã bị tàn phá nặng nề.
Theo thống kê, năm 1993, toàn tỉnh BR-VT có khoảng 9.035ha RNM, nhưng đến nay chỉ còn trên 2.200ha. Việc RNM ở BR-VT bị thu hẹp làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở vùng bờ, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nước ven bờ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng bị chặt phá, theo ông Nguyễn Duy Bắc, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh BR-VT là do lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng và còn nhiều hạn chế cả về chất lượng, số lượng, trang thiết bị phương tiện nên chưa tổ chức lực lượng đủ mạnh để bảo vệ diện tích rừng được giao dẫn tới nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng này phải đối mặt với nhiều đối tượng côn đồ, hung hãn, rất nguy hiểm, phức tạp; trong khi đó việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng người thi hành công vụ bị đánh, chống trả vẫn còn xảy ra; công tác xử lý đối tượng vi phạm chưa kịp thời, thiếu tính răn đe, không có biện pháp chế tài khi các đối tượng không chấp hành quyết định xử lý. Sự tham gia của người dân địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn chưa nhiều.
Để bảo vệ diện tích rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, công tác bảo vệ rừng là trách nhiệm của các ngành, các địa phương trong tỉnh nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về lực lượng Kiểm lâm. Nếu lơ là, không quản lý chặt chẽ vẫn để xảy ra phá rừng bừa bãi như hiện nay thì trong tương lai không xa những cánh RNM trên địa bàn tỉnh BR-VT sẽ có nguy cơ bị xóa sổ.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Duy Bắc cho biết, trước thực trạng diện tích RNM giảm mạnh, trong mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh BR-VT đã đặt ra yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch và triển khai trồng rừng mới để tăng tỷ lệ che phủ rừng; trong đó tập trung trồng RNM.
Theo ông Bắc, việc kiểm tra xử lý phải đi đôi với các biện pháp ngăn chặn trước, muốn như vậy cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chủ rừng, là đơn vị được Nhà nước giao rừng để quản lý, chủ rừng phải tổ chức lực lượng đủ mạnh để bảo vệ rừng, phối hợp các lực lượng tăng cường công tác bảo vệ rừng để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng.
Chủ rừng phải thành lập các tổ đội tuần tra, bảo vệ rừng là các hộ nhận khoán rừng, nâng cao trách nhiệm của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân ven rừng. Có chính sách thu hút để người dân tại địa phương có lợi ích và nguồn thu nhập trực tiếp từ bảo vệ và phát triển rừng để tham gia bảo vệ rừng. Tăng cường thực thi và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản.