Người cựu binh với tình yêu rừng

Thứ Bảy, 28/05/2016, 07:02
Với cây rựa, cây cuốc, đôi chân trần và một ý chí làm việc miệt mài, ngày qua ngày, Anh hùng LLVTND Dương Đức Thùng (ngụ ấp 2, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) vẫn hăng say phát triển kinh tế gia đình.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà riêng nằm ven đường liên thôn thuộc ấp 2, xã Tiến Thành, Anh hùng LLVTND Dương Đức Thùng kể lại những năm tháng chiến tranh ác liệt của đời mình. Tháng 8-1971, khi vừa tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ.

Với Anh hùng LLVTND Dương Đức Thùng, rừng luôn là tài sản vô giá.

Trải qua biết bao trận đánh ác liệt, cuối cùng ông và đồng đội cũng chứng kiến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Tưởng chừng nhiệm vụ của một người lính đối với Tổ quốc đã hoàn thành, nhưng chỉ sau một năm ông lại phải lên đường làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia trước nạn diệt chủng Pol Pot. Ông Thùng nhớ lại: “Khi ấy, tôi là lính trinh sát có nhiệm vụ nắm tình hình nơi có địch đang hoạt động, rồi dùng truyền đơn dán vào những gốc cây, tảng đá để giác ngộ lính địch.

Cứ thế, sau nhiều năm kiên trì, bí mật hoạt động trong lòng địch, tôi cùng đồng đội vận động rất nhiều lính địch ra hàng cách mạng, góp phần làm suy yếu dần chế độ diệt chủng Pol Pot, một chế độ độc tài tàn bạo nhất tại đất nước Chùa Tháp”.

Thua cuộc, tàn quân Pol Pot rút vào rừng hoạt động. Chúng gài bom, mìn khắp nơi, rồi tổ chức đánh du kích đã gây cho quân tình nguyện Việt Nam không ít tổn thất. Theo ông Thùng, những quả bom, mìn được quân địch gài chôn khắp nơi trong các khu rừng rất khó phát hiện, chỉ một sơ suất là cả tiểu đội hy sinh.

Phần lớn quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn là do bom mìn địch gài. Vì thế, nhiệm vụ lính trinh sát như ông, ngoài thu phục lính địch còn phải nắm chắc tình hình khu vực nào có bom mìn để giảm bớt thương vong khi quân ta truy kích địch. Gan dạ, không ngại vào sinh ra tử, lập được nhiều chiến công, năm 1983 trên đất bạn Campuchia, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Năm 1990, ông phục viên, trở về với gia đình, định cư tại xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài. Những năm đầu, gia đình ông loay hoay với đủ thứ nghề để kiếm sống. Với bản chất của người lính Cụ Hồ, không đầu hàng trước mọi khó khăn, ông bắt tay vào công việc khai hoang mở đất. Lúc đầu chỉ là một vài sào đất trồng hoa màu, lúa để kiếm cái ăn lấy ngắn nuôi dài, vậy mà chỉ qua một thời gian, vợ chồng ông đã định hình nên mảnh vườn 6ha.

Có đủ lương thực để ăn, gia đình ông lại trồng cây lâu năm, xen canh cây ngắn ngày, kết hợp với chăn nuôi để có nguồn thực phẩm tại chỗ. Cuộc sống gia đình cứ thế khá dần lên qua từng mùa rẫy. Sau nhiều năm, vườn cây cao su, cây điều cho thu hoạch, kinh tế gia đình càng trở nên no đủ hơn trước. “Muốn có ăn thì phải làm, mà lao động thì phải có lòng kiên nhẫn, có niềm tin vào ngày mai” – ông Thùng nhớ lại những ngày tháng gian khổ trước đây.

Sau câu chuyện làm kinh tế của mình, ông Thùng đưa chúng tôi thăm khu vườn phía sau nhà. Ở đây có thể nhìn thấy vô số những cây lim xẹt, bằng lăng đang vươn mình trong gió. Ông Thùng bảo, khi khai hoang mở đất, ông đã giữ lại một diện tích khoảng 2 sào cây rừng tái sinh để nuôi dưỡng, chăm sóc. Sau gần 30 năm, những cây rừng giờ đã cao lớn, vươn mình lên trời xanh, tỏa bóng mát.

Nhắc lại cho chúng tôi nghe lời căn dặn của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Ông nói, sinh thời, Bác Hồ đã từng coi rừng là vàng, “nếu biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Ông cho biết, để có được “khu rừng” này ông đã cùng những người thân trong gia đình “phải lao động cần mẫn với một tình yêu cây rừng thì mới có được chứ không dễ dàng đâu”.

Vỗ vào từng thân cây rồi chỉ vào từng hố bom còn hiện hữu bên gốc cây, ông Thùng nói: “Tôi giữ khu rừng này lại, mỗi năm đều trồng thêm cây để làm kỷ niệm. Đây là miền ký ức xanh của tôi để nhớ mãi những năm tháng trong đời bộ đội đã từng sống chết với rừng, nhờ rừng cây chở che, nhớ những người đồng đội đã ngã xuống”.

Ông Thùng cho biết, mấy năm trước có một ông giáo sư người Nhật, được Hội Cựu chiến binh tỉnh dẫn vào đây tham quan, ông ấy mê những cây rừng này lắm. Nói đến tình yêu cây rừng, có thể nói đến ông - một người lính Cụ Hồ. Ông đã từng dặn con cháu dứt khoát không được phá đi một cây rừng nào khi chưa trồng được một vườn cây rừng khác như thế.

Vươn lên từ đôi bàn tay trắng, với nghị lực của mình, Anh hùng LLVTND Dương Đức Thùng đã khẳng định được tinh thần, phẩm chất của người lính Cụ Hồ trong thời đại mới. Ông xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh nêu gương sáng, nguyện làm theo lời Bác Hồ dạy”.

Đức Trí – Văn Đoàn
.
.
.