Nghị lực vượt qua lầm lỗi

Thứ Tư, 10/01/2018, 09:43
Mô hình phát triển kinh tế trang trại của anh Đỗ Đình Đổng (35 tuổi), ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đã trở thành điểm tham quan, học tập của nhiều người dân trong vùng.

Nhìn cơ ngơi khang trang, ruộng vườn tươi tốt và những thành quả mà anh Đổng gặt hái được hôm nay, mọi người càng khâm phục hơn khi được biết, anh Đổng từng lỗi lầm, nhưng đã biết nhận ra lẽ đúng, sai, nghị lực hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng…

Nhớ lại quá khứ, anh Đổng buồn bã kể rằng, cách đây khoảng 17 năm về trước, vào một đêm khuya tháng 2, sau bữa tiệc cưới ở làng bên, anh lấy xe máy chở người bạn trong xóm về cùng.

Gia đình hạnh phúc của anh Đổng.

Anh lái xe chạy trên con đường liên thôn nhỏ hẹp, đến đoạn lên dốc, bị đèn pha của chiếc ôtô lưu thông ngược chiều làm lóa mắt, sẵn chút men rượu trong người, không làm chủ được tay lái nên đã va phải một người phụ nữ, 49 tuổi, đi xe đạp cùng chiều. Mặc dù anh đã nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu, nhưng do chấn thương sọ não nạn nhân đã qua đời.   Với tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, anh bị TAND huyện Phong Điền tuyên phạt 18 tháng tù giam, thụ án tại Trại giam Bình Điền…

Sự việc bất ngờ đã đẩy cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác, với sự mặc cảm và những nỗi niềm đè nặng trong lòng. Lúc nào anh cũng thấy xấu hổ với họ hàng, làng xóm, thương cha thương mẹ, đáng tiếc cho nạn nhân, nhưng mọi sự đều đã quá muộn màng. “Con dại cái mang”, không chỉ bản thân anh khổ, mà gia đình anh cũng phải gánh chịu nhiều chuyện khi sự việc không may xảy ra. Từ lo chạy chữa, ma chay đến xây lăng đắp mộ cho nạn nhân và còn phải có trách nhiệm nuôi con út của người phụ nữ xấu số ấy cho đến năm 18 tuổi.

Tuy nhiên, dù phải chịu nhiều hệ lụy, nhưng người thân anh không một lời trách cứ mà họ luôn bên cạnh, động viên, giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời… Nhờ sự động viên của mọi người, sự dạy bảo tận tình của các giám thị Trại giam Bình Điền, anh đã nỗ lực cải tạo tốt, nên được giảm án trước thời hạn.

Trở về địa phương, Công an huyện và chính quyền, ban ngành, đoàn thể thị trấn Phong Điền đã tạo điều kiện cho anh Đổng thuê đất, vay vốn ưu đãi để làm trang trại.

Và, sau hơn 6 năm “đổ mồ hôi sôi nước mắt” với ruộng vườn, chuồng trại, nhờ sự chăm chỉ, chịu khó của bản thân và sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn “trồng đúng cây, nuôi đúng con” của cán bộ nông nghiệp huyện, thị trấn; đến nay, mô hình kinh tế “vườn - chuồng” với hai dự án chính là trồng măng tây và chăn nuôi bò của gia đình anh Đổng đã đem lại những thành quả đáng mừng.

Vườn măng tây phát triển tốt, mỗi ngày thu 2-3kg, mỗi tháng được 6-7 triệu đồng. Đàn bò từ 4 con ban đầu, nay đã nhân lên gần 30 con. Bên cạnh đó, gia đình anh Đổng cũng đã trả được 60 triệu đồng tiền vốn vay ngân hàng. Ngoài việc chăn nuôi, trồng trọt, anh còn trang bị một lò nấu dầu tràm nhỏ. Đây là một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở xứ Huế.

Tranh thủ những lúc nông nhàn, anh đi hái lá tràm gió, một loại tràm mọc ở vùng đất cát ven biển, khi nào gom đủ 1,5 tạ lá cây thì anh nấu một mẻ, thu được khoảng 500ml dầu tràm loại 1, có giá 500 ngàn đồng. Mỗi tháng anh nấu 2 mẻ, thu nhập thêm được 1 triệu đồng…

Cũng nhờ làm kinh tế trạng trại, anh tình cờ gặp và bén duyên cô gái Văn Thị Thanh Nga, người huyện Quảng Điền. Hai người nên nghĩa vợ chồng và đã có được đứa con trai đầu lòng hiện đã 2 tuổi. Giờ đây, tuy cuộc sống vẫn còn bộn bề lo toan, nhưng với chị Nga, hạnh phúc nhất là anh Đổng rất mực hiếu thảo với cha mẹ, yêu vợ thương con, hiểu tâm lý vợ, có gì cũng chia sẻ với vợ…

Điều đáng trân trọng là khi gặt hái được những thành công trong mô hình phát triển kinh tế trang trại, anh Đổng không giấu bí quyết làm ăn mà luôn sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia kinh nghiệm với mọi người xung quanh. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho một số người tù tiến bộ trở về có công việc làm thu nhập ổn định.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đoàn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Điền, nhận xét: “Mô hình làm kinh tế của anh Đổng đã được chính quyền và Hội Nông dân thị trấn Phong Điền coi đây là mô hình điểm. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho gia đình làm tốt hơn nữa cũng như nhân rộng điển hình này ra toàn thị trấn để bà con học tập, thay đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, giúp nâng cao năng suất và kinh tế cho người nông dân”.

Trung tá Đặng Văn Định - Phó Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, Công an huyện Phong Điền, cho biết: Không chỉ riêng anh Đổng mà với tất cả các trường hợp hoàn lương khác trên địa bàn, ngay khi tiếp nhận hồ sơ trở về của họ, Công an huyện và chính quyền địa phương đã có động thái thiết thực, như liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội giới thiệu việc làm hoặc giúp đối tượng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cho thuê đất, hỗ trợ về giống và kỹ thuật nếu họ muốn phát triển trồng trọt, chăn nuôi hoặc làm mô hình kinh tế trang trại.

Bên cạnh đó, các Hội, Đoàn cơ sở cũng đã phát huy được vai trò trong việc hỗ trợ làm thủ tục vay vốn ưu đãi hướng dẫn chọn giống cây trồng vật nuôi, khuyến khích phát triển kinh tế. Nhờ đó, hầu hết các trường hợp hoàn lương trên địa bàn đều tái hòa nhập xã hội thành công, tình trạng tái phạm tội đã giảm thiểu đáng kể.


Thu Dung
.
.
.