Nghệ nhân Lê Bá Chung, một đời khôi phục, giữ lửa làng nghề

Thứ Bảy, 23/09/2017, 10:02
Vừa qua, nghệ nhân Lê Bá Chung đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đề xuất xét tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017 cho những đóng góp của ông trong việc phục dựng làng nghề cổ truyền. 

Qua 34 năm gắn bó với nghề sơn son thếp vàng, nghệ nhân Lê Bá Chung là một trong những người có công khôi phục và phát triển nghề làm vàng quỳ tại làng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), đem lại công ăn việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn.

“Dựng một làng nghề phổ độ chúng sinh”

Sinh ra trong một gia đình có 3 đời làm nghề sơn son thếp vàng, từ nhỏ ông Lê Bá Chung đã được dạy nghề và sớm trở thành một người thợ giỏi. Năm 1981, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về quê và tiếp tục kế nghiệp gia đình. Chúng tôi gặp ông Chung lúc ông đang tất bật với công việc ở xưởng. 

Biết tin được đề cử vào danh sách "Công dân Thủ đô ưu tú" với những góp cho làng nghề truyền thống, ông khiêm tốn nói với chúng tôi rằng: Việc gìn giữ làng nghề Kiệu Kỵ là trách nhiệm của bản thân với tổ tiên. Ông chỉ mong sao Nhà nước ngày càng quan tâm để làng nghề Kiêu Kỵ phát triển bền vững.

Nếu như nghề sơn son thếp vàng nổi danh ở rất nhiều địa phương thì tại làng Kiêu Kỵ lại là nơi duy nhất ở Việt Nam làm vàng quỳ phục vụ nghề này. Khắp làng Kiêu Kỵ giờ đây đâu đâu cũng vang lên tiếng búa đập chan chát. Ít ai biết rằng, cách đây gần 15 năm, những âm thanh đó tưởng như chỉ còn trong ký ức. Tác động của nền kinh tế thị trường đến những nghề truyền thống khiến nó tưởng chừng như bị xoá sổ. 

Nghệ nhân Lê Bá Chung kiểm tra lại sản phẩm trước khi bàn giao cho khách.

Năm 2003, trong làng Kiêu Kỵ chỉ còn ba, bốn hộ gia đình nhỏ lẻ còn gắn bó với nghề. Đau đáu trước nguy cơ làng nghề của cha ông bị mai một, ông Chung cùng một số người bạn bàn cách khôi phục lại làng nghề. Tuy nhiên, lần lượt những người bạn đều từ bỏ ý định vì không ai đủ ý chí.

Trong một lần đi giao hàng tại chùa Hoàng Mai, ông Chung đem câu chuyện của mình tâm sự với sư thầy. Cảm nhận được sự chân tình của ông Chung, sư thầy giảng giải và động viên ông tiếp tục giấc mơ. 

Ông nhớ lại: "Thầy bảo tôi rằng, cứu 1 mạng người còn hơn xây 7 toà tháp, dựng 1 làng nghề phổ độ chúng sinh". Thầy căn dặn ông hãy làm vì cái tâm, chịu khó vất vả sau này sẽ được báo đáp. 

Để mở lớp dạy nghề, thầy cũng khuyên ông nên mở từng lớp nhỏ để ông Chung có thể cầm tay chỉ việc cho từng người. Tối hôm đó nằm ngủ, ông nằm mơ thấy các cụ đang ngồi đập quỳ vàng trước hiên nhà. Ngày hôm sau, ông Chung liền ra đình làng Kiêu Kỵ thắp hương. Kể từ đó, lòng ông rạo rực ý chí khôi phục làng nghề mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Thổi bùng khát vọng trở lại với làng nghề

Ông Chung xác định để khôi phục làng nghề và phát triển lâu dài, việc quan trọng đầu tiên là phải đào tạo ngay lớp thợ trẻ. Việc thu hút thanh niên trong làng theo học nghề là điều không hề đơn giản. 

Cách làng Kiêu Kỵ không xa, những khu công nghiệp mới của tỉnh Hưng Yên đã mọc lên và dành được sự quan tâm của nhiều người. Ông cùng với cán bộ xã đến tận nhà những hộ gia đình đã từng có truyền thống làm nghề, vận động con em họ tiếp tục gắn bó với sự nghiệp của tổ tiên. 

Ông mạnh dạn đầu tư, bỏ ra hàng chục triệu đầu tư nguyên vật liệu cho học viên thực hành. Ông Chung cũng phải đứng ra cam kết sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho họ. Với thu nhập khởi điểm từ 3 đến 5 triệu đồng, đủ cạnh tranh với mức lương ở các khu công nghiệp gần làng.

Để nhiều người học được nghề hơn, ông Chung tự mày mò nghiên cứu, cho ra quy trình sản xuất mới, từ 40 công đoạn nay chỉ còn 20. Ông cũng tìm ra chất liệu giấy thay thế được giấy gió hiện tại đang phải nhập từ nước ngoài về. Bà con trong làng dù quen với phương thức sản xuất cũ nhưng sau khi được ông Chung phổ biến kỹ thuật, mọi người đều mạnh dạn thay đổi.

Mong muốn làng nghề phát triển bền vững, ông Chung lại là người đứng mũi chịu sào, vận động bà con phát triển làng nghề từ gia đình thành tổ hợp sản xuất, hợp tác xã (HTX). Đây là điều không hề đơn giản. Theo các cụ già có thâm niên trong nghề quỳ vàng thì việc giữ bí quyết nghề là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt với người thợ. Do vậy, không phải hộ gia đình nào cũng muốn tham gia tổ hợp sản xuất. 

Đến nay, trong làng đã có HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ và 13 tổ hợp tác, 60 hộ cá thể với tổng số hơn 500 lao động, thu nhập bình quân của mỗi người từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. "Mong sao cái cần câu cơm tôi cho các học viên không những giúp họ giữ được nghề mà còn ổn định được cuộc sống", ông Chung tâm sự.

Năm 2014, anh Lê Bá Tươi, con trai ông Chung được UBND TP Hà Nội công nhận là nghệ nhân dát vàng quỳ khi mới 28 tuổi, đây là người trẻ nhất dành được danh hiệu này. Thành công của anh Tươi góp phần thổi bùng khát vọng của thanh niên trong làng, giúp họ trở lại và khơi dậy tình yêu với nghề. 

Từ việc khơi dậy niềm tự hào trong lòng người dân địa phương về nghề truyền thống của cha ông, các lớp học của ông ngày càng đông học viên theo học. Một số thợ giỏi còn cùng ông đi làm công trình trên khắp cả nước.

"Làm vàng nhưng nghề này cũng có cái bạc lắm", ông Chung tủm tỉm nói. Khi tôi chưa hiểu rõ câu nói trên, ông liền bộc bạch: Mình đào tạo càng được nhiều thợ lành nghề thì nguy cơ bị mất khách hàng ngày càng cao. Một số thợ đang làm việc cho ông nhưng bắt được mối khách hàng liền bỏ ra ngoài làm khiến ông bị mất khách. 

"Tôi đã quen với điều này, được tiếng là đào tạo giỏi thì sẽ phải mất đi những thứ khác, quan trọng nhất là ngày càng nhiều người theo nghề thì sẽ giữ gìn được nghề tổ của cha ông", ông Chung chia sẻ. 

Với những đóng góp không nhỏ của mình, năm 2004, ông Lê Bá Chung được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Năm 2016, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Cuộc sống hiện đại dù có nhiều thay đổi nhưng những tác phẩm thủ công mỹ nghệ của người thợ Kiêu Kỵ vẫn luôn có chỗ đứng nhất định.
Từ những công trình mang kiến trúc cổ kính như Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, kinh thành Huế... đến những công trình hiện đại như Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia... đều mang dấu ấn của nghệ nhân Lê Bá Chung và người thợ tài hoa của làng Kiêu Kỵ. Chính những con người thầm lặng ấy đã và đang mang đến sự lộng lẫy cho các công trình kiến trúc khắp đất nước.
Nhật Trường
.
.
.