Ô nhiễm tại một làng nghề truyền thống tỉnh Bình Định:

Cần xây dựng làng nghề tập trung

Thứ Bảy, 15/10/2016, 09:34
Do chưa được đầu tư về hệ thống xử lý nước thải theo quy trình chuẩn của Bộ TN-MT, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng sản xuất bún tươi bằng bột gạo Ngãi Chánh (Bình Định) đang ở mức báo động.

Đầu năm 2010, làng sản xuất bún tươi bằng bột gạo Ngãi Chánh, ở thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn được UBND tỉnh Bình Định công nhận là Làng nghề truyền thống. Từ đó đến nay, chất lượng và thương hiệu bún Ngãi Chánh ngày một được khẳng định, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, do chưa được đầu tư về hệ thống xử lý nước thải theo quy trình chuẩn của Bộ TN-MT, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề này đang ở mức báo động.

Một cơ sở làm bún tươi ở thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn xả trực tiếp lượng nước thải trong quá trình sản xuất ra con mương.

Theo UBND xã Nhơn Hậu, thôn Ngãi Chánh hiện có gần 400 hộ dân, trong đó, có gần 170 hộ dân chuyên sản xuất bún, với 27 cơ sở sản xuất theo dây chuyền với quy mô lớn, mỗi ngày đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh gần 20 tấn bún. Quá trình sản xuất bún, nước thải chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra ngoài khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân trong vùng.

Ông Đoàn Thiên Lan, ở xóm Tây, thôn Ngãi Chánh, chủ cơ sở sản xuất bún, thẳng thắn thừa nhận: “Mỗi ngày gia đình sản xuất khoảng 500kg bún tươi, nhưng nan giải nhất là hệ thống xử lý nước thải, vì không biết thoát vào đâu, đành phải thải ra con mương dẫn ra cánh đồng ruộng Ngãi Chánh, số khác xả trực tiếp ra vườn nhà”.

Không chỉ có gia đình ông Lan, đa phần các hộ làm nghề bún tươi Ngãi Chánh đều xả nước thải chưa qua xử lý ra 2 con mương thu gom rồi thoát ra cánh đồng Ngãi Chánh. Mỗi ngày như vậy, có hàng trăm mét khối nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất bún cứ thế chảy ra cánh đồng này. Hệ quả, nguồn nước nhiễm bẩn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, mà còn làm cho gần 1 ha đất canh tác lúa ở cánh đồng Ngãi Chánh phải bỏ hoang.

Chị H., ở thôn Ngãi Chánh, hộ gia đình không làm nghề bún tươi, bức xúc nói: “Họ làm bún bán nâng cao thu nhập gia đình, còn người dân chúng tôi thì phải chịu đựng mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm. Người lớn còn chịu được, chứ người già và trẻ nhỏ thì ngửi mùi hôi như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi nghĩ, chính quyền địa phương cần sớm quy hoạch tách cơ sở sản xuất bún ra khỏi khu vực nhà ở và phải bảo đảm sản xuất, kinh doanh kết hợp với bảo vệ môi trường để gìn giữ sức khỏe cho người dân”.

Theo ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương rất nghiêm trọng do nước thải trong quá trình sản xuất bún chảy ra đã lâu nhưng chưa được xử lý. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cần vốn đầu tư lớn.

“Tuy nhiên, để làm hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng mất 7 - 10 tỉ đồng. Nguồn kinh phí lớn như vậy, địa phương không đủ khả năng. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm ở làng nghề nhưng chưa được xem xét giải quyết”, ông Thọ cho biết thêm.

Trao đổi về giải pháp khắc phục ô nhiễm ở làng nghề bún tươi Ngãi Chánh, ông Đoàn Tuấn Sĩ, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho rằng: “Để phát triển bền vững làng nghề bún tươi Ngãi Chánh thì phải tính đến phương án di dời các cơ sở làm bún ra khỏi khu dân cư và đưa về một khu quy hoạch riêng biệt với hạ tầng hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn của Bộ TN-MT. Song, muốn thực hiện được việc này thì cần phải có thời gian, nguồn kinh phí. Thời gian tới, phòng sẽ có văn bản tham mưu cho UBND thị xã An Nhơn đề nghị tỉnh hỗ trợ phương án này”.

Hoàng Nguyên
.
.
.