“Máu” rừng nghiến thượng nguồn sông Đà vẫn không ngừng chảy

Thứ Hai, 21/05/2018, 08:16

Những cánh rừng phòng hộ ở huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) và một số vùng lân cận đang thưa dần những cây gỗ nghiến cổ thụ. Hiện tượng khai thác rừng nghiến đã và đang diễn ra phức tạp. 

Bài 1: Cái kết đau đớn của một cây nghiến ngàn tuổi

Chỉ tính từ năm 2016 đến ngày 17-4-2018, trên địa bàn 2 huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo – Điện Biên, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 318 vụ với 288 đối tượng có hành vi xâm hại, hủy hoại rừng, tịch thu hơn 120m3 gỗ các loại. 

PV Báo CAND đã thâm nhập hiện trường và ghi nhận thực tế, qua đó khẳng định tình trạng chặt hạ cây gỗ nghiến vẫn diễn ra, nếu không có biện pháp hữu hiệu, rừng nghiến sẽ chỉ còn là kí ức và thượng nguồn sông Đà sẽ hứng chịu nhiều hậu quả, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái quốc gia và biến đổi khí hậu.

Vượt núi đá tai mèo đến thăm… đại thụ ngàn tuổi

Xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa – nơi mà người dân phản ánh tình trạng vận chuyển, khai thác trái phép gỗ nghiến đang diễn ra phức tạp là điểm đến của nhóm PV cùng một số cán bộ Công an và người dân. Mường Đun có 9 thôn bản (739 hộ) với tổng diện tích rừng là trên 1,8 ngàn héc ta, độ che phủ rừng trên 48%. Đời sống kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp. 

Phóng viên Báo CAND bên gốc cây gỗ nghiến bằng cả 10 người ôm bị chặt hạ trong cánh rừng ở bản Kép.

Đi trên con đường liên thôn, bản phóng tầm mắt về phía xa, chúng tôi choáng ngợp trước độ cao của dãy núi đá ở đây. Khác với các vùng khác, rừng nghiến ở Mường Đun nói riêng và huyện Tủa Chùa nói chung nằm trên những núi đá tai mèo cao chót vót. 

Quá trưa ngày 17-5-2018, tôi theo chân C.V.Ch – một người dân địa phương vượt qua những con dốc dựng đứng, mục sở thị hiện trường khai thác, đốn hạ cây gỗ nghiến cổ thụ ngàn tuổi. Cánh rừng nghiến này thuộc địa bàn bản Kép, xã Mường Đun. Con đường đất chỉ vừa một chiếc xe máy lưu thông uốn lượn quanh triền bìa rừng. 

“May hôm nay, anh lên đây trời không có mưa. Chứ mưa thì chịu, không thể đi được”, Ch nói với tôi. Do không có đường vào sâu trong cánh rừng, nên chúng tôi để lại chiếc xe máy bên đường. Ch cho biết, để vào tận hiện trường cây nghiến ngàn tuổi bị đốn hạ phải mất gần 2 giờ cuốc bộ băng suối, vượt núi. Lúc này, nắng mỗi lúc một gắt. Theo lời dặn của Ch, để tránh mất sức, tất cả đồ đạc, vật dụng không cần thiết, tôi đều để lại, ngoại trừ những thiết bị tác nghiệp cùng một chai nước lọc.

Phóng viên Báo CAND bên gốc cây gỗ nghiến bằng cả 10 người ôm bị chặt hạ trong cánh rừng ở bản Kép.

Dù đã nhiều lần leo núi, song trước ngọn núi Đúm Cáy – bản Kép lởm chởm đá tai mèo với hàng loạt điểm dựng đứng này, tôi chợt nghĩ: “Không vào được hiện trường là công cốc hết!”. Nhưng với quyết tâm phải ghi nhận đầy đủ thực tế về việc chặt hạ cây nghiến ngàn tuổi, nên mọi mệt mỏi sau đó đã được đẩy lùi. Trên đường vào hiện trường cây nghiến bị đốn hạ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những con đường vắt qua các mỏm đá lởm chởm.

Ch kể, những con đường với hàng loạt vết lõm trên đường được hình thành do bà con thường xuyên vào rừng làm nương cũng như nhiều lâm tặc lợi dụng sự vắng bóng của lực lượng chức năng vào rừng khai thác, vận chuyển trái phép gỗ nghiến. 

Vừa dứt lời, Ch chỉ cho chúng tôi xem một chiếc xe máy Win cũ nát được cất giấu bên dưới một mỏm đá, cho biết đây là phương tiện của lâm tặc để lại. Với địa hình đá tai mèo lởm chởm, đường đất trơn trượt như ở cánh rừng bản Kép thì những chiếc xe Win là phương tiện hữu hiệu để lâm tặc sử dụng vận chuyển gỗ nghiến, lâm sản ra khỏi cửa rừng.

PV Báo CAND tại hiện trường một cây nghiến cổ thụ bị chặt hạ

Xót xa "cây thần" ngàn tuổi bị đốn hạ

16h, sau gần 2 giờ vượt qua các mỏm đá lởm chởm, chúng tôi đã vào sâu trong cánh rừng nghiến. Ngay bên cạnh nương ngô của bà con là hơn chục cột gỗ nghiến đã được bào chế nằm chỏng chơ trên các mỏm đá. Ch cho biết, đây là những cột gỗ nghiến đã bị “lâm tặc” xẻ thịt từ cây gỗ nghiến ngàn tuổi phía trên ngọn núi nằm cách đó gần 100m. 

Để có được những cột gỗ có chiều dài hơn 2m và đường kính gần 40cm này thì cây nghiến bị xẻ thịt phải có đường kính rất lớn. Từ vị trí này, chúng tôi tiếp tục leo lên ngọn đồi cao phía trên. Càng lên cao, tôi càng thấy nhiều lóng, cột gỗ nghiến nằm vắt trên triền núi. 

Xung quanh là đống mùn cưa vẫn còn tơi xốp. Vừa dùng chiếc thước của chúng tôi đem đi đo đường kính một lõi nghiến đã được bào chế qua loa có kích thước 70cm x 50cm, Ch bảo: “Với lõi nghiến này, lâm tặc có thể xẻ ra được 12 lóng gỗ nghiến (dạng thớt) có đường kính 45cm. Rất có thể do lực lượng chức năng đang làm gắt nên lâm tặc đã tạm dừng xẻ gỗ, chờ thời cơ rồi mới tuồn ra khỏi rừng”.

Cuối cùng, sau gần 15 phút từ vị trí phát hiện hơn chục cột gỗ nghiến, chúng tôi đã đến được hiện trường cây gỗ nghiến ngàn tuổi bị đốn hạ. Quệt ngang vệt mồ hôi đang lăn dài trên mặt, Ch nói: “Đấy, cây nghiến ngàn tuổi chỉ còn lại cái gốc khổng lồ này!”. 

Những cột gỗ nghiến đã được bào chế nằm chỏng chơ trên các mỏm đá bị lâm tặc xẻ thịt từ cây gỗ nghiến ngàn tuổi.

Nhìn gốc cây gỗ nghiến bằng cả 10 người ôm bị chặt hạ, chúng tôi thấy thật xót xa. Xung quanh gốc cây này còn vương vãi hạt mùn cưa. Để xác thực đường kính của cây, chúng tôi dùng thước đo chuyên dụng. Kết quả cho thấy, đường kính của nó đạt ngưỡng khủng - 4,5m. “Thật không thể tin nổi!”, tất cả chúng tôi đều thốt lên. 

Tôi hỏi: “Tuổi đời cây này là bao nhiêu?”, Ch liền đáp: “Với đường kính gốc như vậy, cây này phải hơn ngàn tuổi anh ạ!”. Nhìn vào vị trí đốn hạ bên trên, tôi nhận ra, thời gian cây bị chặt hạ không phải mới, song khi nhìn vào phần rễ cây chồi lên kèm với đó là hình ảnh bị cưa thành thớt, chúng tôi đều cho rằng, lâm tặc vẫn đang lén lút vào đây để xẻ thịt nốt phần còn lại của cây gỗ nghiến ngàn tuổi này. Tất nhiên, việc xẻ thịt này không gì khác ngoài việc lấy thớt nghiến để bán ra ngoài cho các đầu nậu thu mua.

Với đường kính đo được là 4,5m, Ch đoán định, cây nghiến ngàn tuổi này sẽ xuất ra một khối lượng gỗ và giá trị đi kèm tương đối lớn. Trước vài cây cột và một số lõi nghiến còn sót lại ở hiện trường đã cho thấy, các đối tượng lâm tặc đã khai thác và vận chuyển trót lọt số lượng lớn sản phẩm gỗ nghiến ra bên ngoài cánh rừng.

Một lóng gỗ nghiến có đường kính 90 cm, lâm tặc sẽ bán cho đầu nậu chế tác thành mặt bàn.
PV Báo CAND đã tiếp xúc với một đầu nậu về lâm sản ở tỉnh Điện Biên có tên là Hoàng “quắt”. Hoàng “quắt” cho biết, Gỗ nghiến là loại gỗ có tính cơ học cao, rất cứng, không bị mối – mọt. Việc sử dụng gỗ nghiến để làm nhà sàn, cột nhà, hoành, kèo… hay trưng bày các sản phẩm chế tác từ ngọc nghiến hay còn gọi là mắt nghiến như: lục bình, tượng gỗ… trong nhà sẽ giúp gia chủ gặp nhiều may mắn cũng như thể hiện đẳng cấp của mình. Nếu như trước đây, lâm tặc thường tìm đến các cánh rừng nghiến để khai thác ngọc nghiến, mắt nghiến và chế tác ra những sản phẩm mĩ nghệ thì nay, nhiều đầu nậu đã chuyển hướng sang “săn” các cột, thớt gỗ nghiến.

Xem tiếp Bài 2, “Máu” rừng nghiến thượng nguồn sông Đà vẫn không ngừng chảy: Nhói lòng cảnh rừng nghiến tan hoang

D.Hiển - T.Huy – X.Trường – T.Trung
.
.
.