Kỷ niệm bảo vệ Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm Quảng Trị

Thứ Hai, 28/11/2016, 09:08
Fidel Castro đã qua đời trước sự tiếc thương của không chỉ nhân dân Cuba mà cả nhân dân tiến bộ trên thế giới. Đối với Việt Nam, Fidel Castro là người bạn lớn. Ông đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn sống mãi, cổ vũ cho những người cộng sản trên thế giới nói chung và những người cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng hôm nay và mai sau.


Trong 49 năm trên cương vị lãnh đạo, từ tháng 1-1959 đến tháng 12-2007, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã sang thăm Việt Nam 3 lần. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) đều vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ. Nhưng ấn tượng và để lại nhiều kỷ niệm nhất là lần thứ nhất Chủ tịch Fidel sang thăm Việt Nam vào tháng 9-1973.

Khoảng đầu tháng 9-1973, Cục Cảnh vệ (Bộ Công an) nhận được thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, Chủ tịch Cuba Fidel Castro có chuyến thăm Việt Nam. Trong chương trình Chủ tịch sẽ đi thăm một số địa phương trong đó thăm “thủ phủ” của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ (Quảng Trị), một vùng mới được giải phóng. Lãnh đạo Cục Cảnh vệ đã trình kế hoạch bảo vệ chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro lên lãnh đạo Bộ Công an. 

Bảo vệ Chủ tịch Fidel Castro thăm Quảng Trị tháng 9-1973.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã xem xét rất kỹ từng nội dung của kế hoạch và chỉ đạo: “Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, cần phải đặc biệt chú ý biện pháp kỹ thuật, dò chất nổ trên tuyến đường đi và những địa điểm Chủ tịch Fidel dừng chân, vì bom đạn của địch còn nhiều, ta chưa rà phá kịp…”.

Ngày 15-9-1973, Chủ tịch Fidel Castro đến Việt Nam. Ra đón đoàn tại sân bay Gia Lâm có rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, như đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng; đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ… Đặc biệt, hai bên đường có rất đông đồng bào tay cầm cờ, hoa đón chào Chủ tịch. 

Tiếng hô vang: “Vi va Cuba! Vi va Cuba!” không ngớt. Ủy ban nhân dân TP Hà Nội dự kiến có khoảng mấy nghìn người, nhưng thực tế hôm đó có hàng vạn đồng bào Thủ đô ra chào đón Chủ tịch Fidel. Đoàn xe đi từ sân bay Gia Lâm qua cầu Long Biên vào đến phố Hàng Đậu, đoàn xe đi chậm theo dòng người đi bộ. Chủ tịch Fidel đi xe mui trần, đội mũ lưỡi trai, mặc bộ quần áo màu xanh ôliu, giơ tay vẫy chào mọi người. 

Có một tình huống ngoài kế hoạch, đó là quần chúng nhân dân bám theo xe của Chủ tịch rất đông, do vậy lực lượng Cảnh vệ phải xuống đi bộ bám theo xe của Chủ tịch Fidel. Trước tình huống này đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ đi chỉ đạo công tác bảo vệ lệnh cho CBCS cảnh vệ hóa trang vào dòng người để đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Không khí thật sôi động, quần chúng nhân dân vừa đi vừa hô vang: “Hoan nghênh Chủ tịch Fidel”, “Viva Cuba”…

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, theo dự kiến sau khi ký kết, làm việc với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Fidel sẽ đi thăm Hải Phòng, sau đó vào thăm Quảng Trị. 

Nhưng vì lý do ngài Salvador Allende của Chile, người bạn thân thiết của Chủ tịch Fidel bị lực lượng đảo chính sát hại. Tin buồn đó khiến Chủ tịch Fidel phải rút bớt thời gian chuyến thăm và không đi thăm Hải Phòng mà chỉ đi thăm “thủ phủ” của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ (Quảng Trị). 

Để bảo vệ tuyệt đối bí mật và an toàn chuyến đi đặc biệt này, một mặt ta vẫn bố trí lực lượng đón Chủ tịch Fidel ở Hải Phòng như kế hoạch cũ; mặt khác, trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thông báo cuộc hội đàm giữa hai đoàn Việt Nam và Cuba diễn ra ở Hà Nội vào ngày 15-9. 

Nhưng vào thời điểm đó, một lực lượng của Trung đoàn 600 (Cục Cảnh vệ) đã vào Quảng Trị trước để làm công tác tiền trạm và bảo vệ địa điểm. Chính biện pháp nghi binh đó đã bịt mắt được tình báo nước ngoài và bọn phản động về các hoạt động của Chủ tịch Fidel ở thăm Việt Nam.

9h40 ngày 16-9, chiếc chuyên cơ chở hai nhà lãnh đạo là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel cất cánh từ sân bay Gia Lâm bay vào Đồng Hới. Gần một giờ bay Chủ tịch Fidel luôn quan sát xuống mặt đất. Khi bay qua vùng khu IV, những cánh đồng, đường sá, làng mạc bị bom Mỹ cày xới nham nhở, những chiếc cầu đứt nhịp oằn mình xuống dòng sông… nét mặt Chủ tịch nghiêm lại như chia sẻ những hy sinh mất mát của nhân dân Việt Nam.

10h55 máy bay hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), đoàn đi ôtô vào Quảng Trị. Đồng chí Nguyễn Quang Chiêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Fidel kể lại: 

Đoàn xe đang đi trên đường cách Đồng Hới khoảng 20km, bỗng nhiên Chủ tịch yêu cầu cho xe dừng lại. Chúng tôi nhìn thấy ngay bên đường, một số người dùng võng đưa một người bị thương đi cấp cứu. Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống xe đến ân cần thăm hỏi người bị nạn và gia đình. 

Đây là trường hợp chị Nguyễn Thị Hương, 17 tuổi, quê ở Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị đang cùng với thanh niên của địa phương lấp hố bom thì bị bom bi của Mỹ gây ra. Chủ tịch Fidel rất xúc động, cho gọi Đại sứ Cu Ba tại Việt Nam cùng đi với đoàn bố trí ôtô chở nạn nhân ra Vĩnh Linh cấp cứu và điện ngay về nước chỉ đạo một số ban, ngành sớm giúp Việt Nam xây dựng một bệnh viện tại Đồng Hới. 

Và một thời gian sau bệnh viện mang tên Việt Nam - Cuba đặt tại Đồng Hới ra đời. Cùng với đường cao tốc Xuân Mai - Sơn Tây, khách sạn Thắng Lợi, trại bò giống Mộc Châu…. Bệnh viện Việt Nam - Cuba là một trong những công trình hữu nghị Việt Nam - Cuba, sự “chia ngọt, sẻ bùi” giữa hai dân tộc ở hai bán cầu nhưng luôn cùng chí hướng trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Trên đường đi, nhiều địa điểm Chủ tịch Fidel muốn dừng lại để thăm hỏi nhân dân Việt Nam, nhưng vì thời gian không cho phép.

Tối 16-9 đoàn đã đến và nghỉ tại Cam Lộ, thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sáng hôm sau, Cảnh vệ Việt Nam hỏi Trung tá Juan Picor nell Nez, Đội trưởng Cảnh vệ bảo vệ Chủ tịch Fidel: “Đêm qua Chủ tịch ngủ có ngon giấc không? Ngài có ý kiến gì về việc nghỉ ngơi không?”. Trung tá trả lời: “Chủ tịch Fidel rất thích thú, rất tuyệt!”.

Sáng 17-9, Chủ tịch Fidel đi thăm thị xã Đồng Hới, sau đó dự buổi gặp mặt với đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ. Buổi chiều Chủ tịch thăm và dự mít tinh tại cao điểm 241 Tân Lâm. Đây là căn cứ lớn của Mỹ, ta đã giải phóng năm 1972. 

Một ngày thu nắng đẹp, bộ đội Sư đoàn Vinh Quang đội ngũ chỉnh tề chào đón hai nhà lãnh đạo Cuba và Việt Nam. Khi Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa đến, tiếng hô như sấm dậy: “Hoan hô Fidel! Hoan hô Fidel!”. Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tươi cười vẫy tay trong tiếng hô tưởng như không dứt. 

Với dáng vóc to lớn, oai phong, Chủ tịch Fidel đội mũ lưỡi trai, mặc bộ quần áo quân phục màu xanh ôliu, đi giày cao cổ. Đứng trước hàng quân với giọng nói sảng khoái và thoải mái, Chủ tịch đã tỏ lòng khâm phục những chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng đã đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng từng phần tổ quốc Việt Nam yêu quý. Chiến thắng này có ý nghĩa cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng áp bức của các nước thuộc địa trên thế giới…

Sau lời phát biểu của Chủ tịch, đồng chí Đồng Ngọc Vân, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn Vinh Quang, thay mặt CBCS đơn vị đã tặng Chủ tịch Fidel lá cờ truyền thống của sư đoàn. Chủ tịch đã phất cao lá cờ và nói: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn”. 

Nói xong, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel ôm nhau hồi lâu. Chủ tịch nói tiếp: “Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Tiếng vỗ tay như sấm dậy của CBCS Sư đoàn Vinh Quang. 19 tháng sau, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975), Sư đoàn Vinh Quang đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với Chủ tịch Fidel cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh Độc Lập.

Kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch Fidel và đoàn trở lại Đồng Hới. Sau đó máy bay đón hai nhà lãnh đạo trở về Hà Nội an toàn. Chuyến thăm tuy ngắn nhưng đầy lưu luyến. Lúc chia tay với các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Fidel nói rất cảm động: “Kỳ này đoàn đại biểu Cuba rất phấn khởi sang thăm Việt Nam, được trực tiếp nhìn thấy Đảng và nhân dân Việt Nam kiên cường, anh hùng, ước gì ở châu Mỹ Latinh có một Đảng Cộng sản mạnh như Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Còn Trung tá Juan Picor nell Nez, Đội trưởng Cảnh vệ nói với các sỹ quan Cảnh vệ Việt Nam: “Rất cảm ơn các bạn, các bạn giỏi và rất anh hùng”. Còn về công tác bảo vệ Chủ tịch Fidel thì Trung tá nói: “An ninh của các bạn triển khai rất tốt, nên cặp chống đạn của chúng tôi mang theo là thừa”.

Bảo vệ Chủ tịch Fidel Castro thăm Quảng Trị tháng 9-1973.
Nguyễn Đức Quý
.
.
.